TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC
Chúa cứu thế sắp đến
Hãy lấp đầy hố sâu
Hãy san bằng đồi núi
Dọn đường cho Chúa đi.
Đó là tiếng kêu vang
Trong hoang địa vắng vẻ
Thánh Gio-an Tiền hô
Tiếng kêu trong đơn lẻ.
Tin Mừng Chúa cứu thế
Hằng thế kỷ mong chờ
Biết bao người đón nhận
Sao ta vẫn hững hờ ?
QUỲNH HOA (ÚC CHÂU)
(Bài thơ này bạn Quỳnh Hoa gửi tặng tác giả gửi bài với bút hiệu Vô Danh trong số ABBA 77 và quý đọc giả nhận Thánh quan thầy Gioan Baotixita. ABBA thay mặt tác giả Vô Danh cùng quý đọc giả ABBA cám ơn bạn Hoa Quỳnh!)

PHÊRÔ : KẺ LƯỚI NGƯỜI
Phêrô cùng với cha - ông Gioan (x. Yn 1, 42) - và người anh em của ông là Anrê làm nghề đánh bắt cá. Tuy sinh ra ở Betsaiđa, nhưng thường trú ngụ ở nhà vợ tại Capharnaum (x. Mc 1, 21 - 31). Phêrô tên ban đầu là Simon. Khi được tuyển chọn, Chúa Yêsu đã gọi ông là Kêpha - nghĩa tiếng Aram nghĩa là Đá - đọc theo Hylạp là Phêrô.
Về tính tình, cha J.Dheilly cho biết Phêrô "là người quảng đại và bốc đồng. Ông hết sức tận tâm với Chúa Yêsu (x. Mc 8, 31 - 33), đôi khi hơi tự phụ (x. Mc 14, 29) và đôi khi cũng sợ dư luận (x. Ga 2, 11 - 14). Đặc biệt Phêrô là người có đức khiêm tốn đáng kính phục (x. Yn 20, 17).

Về tương quan:
– Với Chúa Yêsu, gần như lúc nào Phêrô cũng ở bên cạnh, trừ những lúc Chúa Yêsu cầu nguyện riêng. Ông là một trong ba Tông Đồ được Chúa Yêsu mạc khải vinh quang trên núi (x. Mc 9, 2 - 8; Mt 17, 1 - 8; Lc 9, 28 - 36). Khi sắp bước vào cuộc vượt qua, Chúa Yêsu cũng đưa ông vào vườn Ghetsêmani cầu nguyện với Ngài (x. Mc 14, 32 - 42; Mt 26, 36 - 46; Lc 22, 40 - 45). Chúa Yêsu lo liệu việc đóng thuế cho Ngài và cho ông (x. Mt 17, 24 - 27). Phêrô ngăn cản Chúa Yêsu đừng đi vào chỗ chết theo suy luận loài người của ông (x. Mt 16, 22 - 23). Trong lúc Chúa Yêsu bị xử án, Phêrô đã chối Chúa ba lần (x. Yn 18, 17. 25. 27). Nhưng Chúa Yêsu lại trao cho Phêrô bổn phận củng cố niềm tin của anh em sau khi đã chỗi dậy (x. Lc 22, 32) và chìa khóa Nước Trời (x. Mt 16, 19). Chúa Yêsu cho Phêrô đi trên nước đến với Ngài (x. Mt 14, 22 - 33). Và nhất là Chúa Yêsu cho Phêrô cơ hội tuyên xưng tình yêu của ông vào Ngài, để Ngài trao cho ông sứ mạng cai quản Hội Thánh (x. Yn 21, 15 - 17).
– Đối với các Tông Đồ trong nhóm 12, Phêrô là một trong bốn người đầu tiên được tuyển chọn (x. Mc 1, 16 - 20), là người đứng đầu Tông Đồ đoàn, thường xuyên thay mặt anh em trả lời Chúa Yêsu (x. Mt 16, 16).

Phêrô tổ chức tuyển chọn Tông Đồ Matthia thay cho Yuđa Iscariot (x. Cv 1, 15 - 26). Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô được Thần khí hướng dẫn, nên đã thay mặt anh em rao giảng công khai về Chúa Yêsu Phục Sinh (x. Cv 2, 14 - 41). Phêrô là Tông Đồ đầu tiên viếng thăm và rửa tội cho dân ngoại (x. Cv 10), bênh vực Phaolô và Banaba trong hội nghị Giêrusalem (x. Cv 15, 7 - 12). Sau khi Chúa Yêsu Phục Sinh , Phêrô đã là người đầu tiên làm dấu lạ chữa lành cho người què ở đền thờ (x. Cv 3, 1 - 9), làm cho người chết sống lại (x. Cv 9, 36 - 42).

Có thể tóm tắt cuộc đời Phêrô qua ba giai đoạn: Giai đoạn đầu là một ngư phủ bình thường chưa ai biết đến. Giai đoạn thứ hai được Chúa Yêsu tuyển chọn, được Chúa ban và trao cho nhiều đặc ân cùng sứ mạng, nhưng ông chưa sống được những điều đó, mà ngược lại còn cản trở Chúa đi vào con đường cứu độ và còn phản bội Chúa nữa. Giai đoạn cuối, sau khi Chúa Yêsu đã vượt qua, các ân tứ Chúa ban trở nên hiệu nghiệm nơi lời nói và việc làm của Phêrô. Có thể nói sau Phục Sinh , lời Chúa Yêsu nói: "Những ai tin vào Ta thì còn có thể làm những việc lớn lao hơn Ta nữa" (Yn 14, 12) đang ứng nghiệm nơi Phêrô.

Như vậy, do đâu mà một Phêrô bình thường (giai đoạn đầu), hèn nhát (giai đoạn hai) lại trở thành một con người mạnh mẽ và đầy quyền năng (giai đoạn ba) như thế? Câu trả lời dẫu thế nào đi nữa, cũng không được quên hay giản lược đi niềm tin của Phêrô vào Chúa Yêsu đã chết, đã sống lại và đang hiện diện với ông!

Niềm tin của Phêrô khi chưa gặp Chúa Yêsu đã không được các tác giả Thánh Kinh nói đến, nên rất ít có cơ sở để mọi người bàn luận đến. Còn niềm tin của Phêrô khi được gọi đi theo Chúa Yêsu cho đến ngày Chúa chết như một biểu đồ hình sin của toán học - cứ lên lên xuống xuống cách đều đặn - rất khó có một quả quyết chắc chắn lâu dài về niềm tin của Phêrô trong giai đoạn này. Khi nghe Chúa Yêsu gọi, ông tức thì bỏ cha, bỏ thuyền đi theo và không hề đặt vấn đề với Chúa là đi đâu, đi để làm gì. Cách đáp trả này như đường lên của hình sin. Nhưng một thời gian dài theo Chúa, ông lại đặt vấn đề: "Này chúng tôi bỏ mọi sự mà đi theo Thầy, vậy thì phần chúng tôi sẽ ra sao?" (Mt 20, 27). Đường sin đi xuống. Còn khi Chúa Yêsu hỏi: "Anh em bảo Thầy là ai?" thì Phêrô trả lời: "Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Đỉnh cao nhất của đường sin đã đạt đến. Nhưng liền sau đó, Chúa Yêsu tỏ bày về con đường cứu thoát nhân loại mà Ngài phải đi qua là thập giá thì Phêrô đã can ngăn một cách thuần túy xác phàm khiến Chúa Yêsu phải quát lên: "Xéo đi sau Ta ! Hỡi Satan ! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 23). Điểm thấp nhất của hình sin. Vừa tưởng Phêrô đã siêu thoát để hòa vào kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa, nhưng cũng một hành động ngôn ngữ của con người Phêrô ấy lại đẩy ông cách xa Thiên Chúa như nhân vật đối cực với Thiên Chúa. Rồi trong nhà tiệc ly, cũng Phêrô đó quyết nếu có ai bỏ Thầy Yêsu đi nữa thì riêng ông sẽ không bao giờ bỏ (đang lên), nhưng khi Chúa Yêsu bị bắt chưa đầy một đêm, Phêrô đã chối Chúa ba lần (đang xuống). Có lẽ đây là một kinh nghiệm tâm linh rất phổ biến của các tín hữu của mọi thời đại.

Niềm tin của Phêrô được diễn tả theo hình sin như vừa chứng minh là niềm tin mà trong đó sự nỗ lực cố gắng của con người đóng một vai trò quan trọng. Hình ảnh một lực sĩ gồng tay, các cơ bắp của anh ta nổi lên rất đẹp, nhưng anh chỉ gồng được một chút thôi rồi sẽ duỗi tay ra để nghĩ. Còn nếu anh cố gắng một cách quá sức, anh ta có thể sẽ bị kiệt sức và sau đó tay anh ta sẽ nhão nhoẹt ra và có nhiều trường hợp sẽ không bao giờ gồng lại được nữa. Nếu niềm tin chỉ dựa vào sức mình thì quá lắm cũng chỉ được một thời gian nhất định mà thôi, sau đó sẽ là giai đoạn chán nản, bất tín. Còn nếu niềm tin dựa vào quyền năng Chúa - ở đây là quyền năng của Chúa Yêsu Phục Sinh , là chính Chúa Thánh Thần - thì sẽ dài lâu trong niềm hạnh phúc vô biên. Đó là đời sống của Phêrô ở giai đoạn thứ ba.

Từ khi gặp Chúa Yêsu Phục Sinh (x. Lc 24, 34; 1C 15, 5), Phêrô đã đặt trọn niềm tin nơi Ngài nên sức mạnh của niềm tin đó chỉ đẩy đời sống Phêrô tiến lên không ngừng và kéo rất nhiều người cùng Phêrô lên với Chúa. Từ lúc đó trở đi, chúng ta không thấy bất kỳ chỗ nào trong Thánh Kinh mô tả đức tin của Phêrô có dấu hiệu không ổn.

Từ một người nhút nhát, chỉ vì đứa tớ gái - chẳng một chút thế giá, địa vị - đã phải vội chối Thầy, Phêrô đã hiên ngang đứng giữa cộng đồng con cái Israel tuyên bố về niềm tin của mình và niềm hy vọng của Israel mong chờ đã đến và đang hiện tại nơi Chúa Yêsu người Nazareth đã bị đóng đinh cho đến chết và đã Phục Sinh (x. Cv 2, 14 - 41). Từ một người sợ chết, sau khi gặp Chúa Yêsu Phục Sinh , Phêrô đã làm cho người chết sống lại (x Cv 9, 36 - 42).

Sức mạnh niềm tin Kitô giáo nơi Phêrô bắt nguồn từ chính Chúa Yêsu Phục Sinh là Thần Khí Thiên Chúa đã trở nên trọn hảo. Sức mạnh ấy đã, đang và sẽ mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Yêsu cho nhiều thế hệ trong nhân loại và cho vạn vật trong vũ trụ này.
Sức mạnh niềm tin Kitô giáo hoàn hảo xuất phát từ Chúa Yêsu không chỉ có nơi Phêrô, mà còn có nơi các môn đệ khác và trong tất cả những ai đón nhận Yêsu Kitô là Chúa.

AN THANH, CSsR – DCCT


TÂM TÌNH NGƯỜI TRẺ (Trích bài từ HOSANNA giới trẻ Sài gòn)
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ (ngày 29 tháng 6)
"Ông Phêrô đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy" (Ga 21,15b)
Chúa Giêsu đã hỏi ông Phêrô không những một mà đến ba lần: "Anh có mến thầy không?" Với niềm tin sắt son của mình, ông đã trả lời Chúa Giêsu một cách chắc chắn và mạnh mẽ: "Thưa Thầy có", và đây cũng là một trách nhiệm quan trọng: Người đứng đầu Hội Thánh. Có lẽ không ít lần con đã nói với Chúa "Con yêu Chúa, con yêu mến Ngài suốt cả đời con…" Thế nhưng, mấy lần con yêu Chúa thực sự và trọn vẹn. Nếu chỉ nói suông thì con là kẻ bất tín, là người nói dối mất rồi!
Xin Chúa ban cho con biết tỏ lộ tình yêu Chúa bằng những hành động cụ thể. Vì qua đó con đón nhận được một cách chân thật tình Chúa yêu con.