LÀ CÀNH LÁ NHỎ

Tối Chúa nhật thứ tư Mùa Chay vừa qua, tôi đã hỏi một nhóm sinh viên Công giáo thuộc khối sư phạm câu này: Tại sao đến giờ này bạn vẫn giữ đạo? 20 cặp mắt nhìn tôi một cách ngạc nhiên, nhưng các bạn ấy đã nhanh chóng nhận ra một thực tế có không ít sinh viên Công giáo đang rời bỏ đạo hoặc tránh né đối diện cũng như tránh tham dự phụng vụ. Các câu trả lời của nhóm sinh viên sư phạm tập trung vào bốn ý sau:

- Vì thói quen và vì truyền thống gia đình.
- Vì một nhu cầu riêng tư.
- Vì đã được nếm trải hạnh phúc của niềm tin.
- Và vì những bế tắc trong cuộc đời, mà chẳng ai giúp được.

Bốn nhóm ý kiến của dân sư phạm chắc cũng có phần nào giống tâm tình của mỗi người chúng ta, nên chúng ta hãy mang nó trên vai mình đi vào tuần Thánh năm Nhâm Ngọ này. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị cho chúng ta biết: "Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới biết được Thiên Chúa không ở xa chúng ta, không ở trên và cách biệt với con người, nhưng Người rất gần, thậm chí kết hợp với mỗi người và mọi người trong mọi hoàn cảnh cuộc đời" (Tông huấn GH tại Á Châu, số 12,4). Như vậy với các lý do giữ đạo có vẻ ích kỷ như vì nhu cầu vật chất bị bế tắc hay các lý do chỉ quy về con người như truyền thống gia đình, nhu cầu riêng tư, mà có thể làm cho các bạn sinh viên sư phạm vẫn gắn bó với Chúa thì chúng ta biết chắc Chúa đang đến ở với họ. Và như thế số người nếm trải hạnh phúc vì có Chúa trong đời sẽ tăng lên, nếu họ dám nhìn nhận và sống điều đó. Lắm khi chúng ta tự phóng chiếu lên một khuôn mẫu sống đạo nào đó rất xa lạ, dù có vẻ rất thánh thiện, đến độ chúng ta không dám nghĩ rằng mình có thể chạm đến được. Nhưng trong chúng ta có ai dám nghĩ ra một điều gì rồi lại cho đó là thánh thiện hơn ý định của Thiên Chúa. Trong lúc ấy ý định của Thiên Chúa là trở nên con người yếu đuối, mỏng dòn như chúng ta. Và trong tuần Thánh đang đến này chúng ta sẽ còn chứng kiến Chúa Giêsu đi qua cái chết như bao nhiêu người khác để sống lại cho sự sống con người thành sự sống của Thiên Chúa. Những mô hình đạo đức đôi khi cản trở chúng ta lao mình đến với Chúa như dân Do Thái xưa:

"Hosana – xin hãy cứu – hỡi con Đavít
Muôn chúc lành cho Đấng nhân danh Chúa mà đến."

Hãy là một cành ô liu nhỏ bé, nhưng dám lắc lư chào đón Đấng Công Chính. Hãy là một chiếc kèn lá để vang ra tò te tí te ca mừng Đấng đang ngự đến. Hãy ném cuộc đời mình vào giây phút hiện tại của Chúa. Lúc ấy, bạn sẽ không phải vì tội lỗi hay thánh thiện mà bạn được cứu. Không phải ở gần hay ở xa mà bạn hạnh phúc, nhưng chỉ vì Chúa Giêsu, chính nhờ Thánh Thần, mà Người đang là ơn cứu thoát, là hạnh phúc đã chạm đến tay bạn. Nếu vẫn còn có ai đó tiếp tục mặc cảm rằng mình tội lỗi, nên không dám bám lấy Chúa, hay ôm Chúa vào lòng thì hãy mượn lời thánh Clemente Maria Hofbauer, CSsR, mà đón nhận Chúa: "Nếu như tôi không có những lỗi lầm ấy, tôi sẽ bị cám dỗ hôn tay mình, vì tôn kính chính mình" (Joseph Heinzmanns, CSsR. Clemente M.Hofbauer, DCCT.2002). Nào chúng ta cầm nhành lá trên tay bước vào cuộc vượt qua hạnh phúc và yêu thương với Chúa Giêsu bằng quyền năng Chúa Thánh Thần.

K.THUYÊN


HÃY BIẾT HIỆP THÔNG VỚI ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA
Sách ký sự của dòng Phanxicô có kể lại câu chuyện này: Một người nọ rất giàu, sống trong lụa là gấm vóc. Bỗng một ngày kia, ông đổi hướng cuộc đời và xin vào dòng làm tu sĩ. Trước sự đổi thay đó, ma quỷ đâm ra tức tối và tìm đủ mọi cách ngăn cản hầu đưa ông ta trở lại cuộc sống trước kia. Chúng không ngừng vẽ lên trong trí ông hai cảnh trái ngược nhau: một bên là đồ ăn sơn hào hải vị, bên kia món ăn đạm bạc; một đàng áo quần bảnh bao, giường êm chăn ấm, đàng kia là chiếc áo dòng thô kệch, giường chiếu cứng nhắc. Với trò chơi đó, chúng ra sức giục ông ta hãy mau bỏ cuộc sống khổ hạnh. Cuối cùng cơn cám dỗ đã thắng và ông ta quyết định bỏ đường tu.

Lúc ra di, ông bước ngang qua phòng họp của tu viện và đến quỳ gối trước ảnh chuộc tội. Với tâm tình hối hận ông phó mình cho Chúa, lập tức ông cảm thấy vui sướng vì được Chúa và Đức Mẹ hiện ra và hỏi ông tại sao lại bỏ đi như thế. Ông rụt rè trả lời vì xưa nay quen sống giàu sang phú quý nên không thể kham nổi những khắc khổ của đời tu trì. Lập tức Chúa Giêsu giơ cao cánh tay phải và cho ông thấy vết thương ở cạnh sườn, rồi nói: "Hãy đặt tay con vào đây, hãy nhúng vào dòng máu đang chảy để mỗi lần các nghiệt ngã và những cực khổ hiện ra trong tâm trí mà con phải chịu sẽ trở thành dịu ngọt và nhẹ nhàng cho con." Sau cơn ngất trí thần diệu đó ông ta ở lại trong dòng và làm theo lời Chúa dạy. Do đó mỗi lần bị xác thịt cám dỗ hoặc tâm trí lo âu sầu khổ ông đều làm sống lại trong trí cuộc khổ nạn của Chúa thì lập tức mọi đắng cay của việc hãm mình ép xác trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu đối với ông.

QUÊ – NGỌC (Tâm Ngô trích từ "Dấu Ấn Tình Yêu")


GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA - Sàigòn) _ Trong những tuần cuối cùng của Mùa Chay này, hầu hết các nhà thờ, các đoàn thể, các nhóm đều có tổ chức các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện chuẩn bị tâm hồn bước vào Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh sắp đến. Chúa nhật 17/3 vừa qua, nhóm bạn trẻ Hiệp Thông cũng vừa làm buổi tĩnh tâm, sám hối và canh tân lòng mình để chuẩn bị cho những ngày cuối cùng của mùa Chay Thánh này.

Cha Q.U, một linh mục rất năng nổ, hoạt bát và đặc biệt rất thích cộng tác với các bạn trẻ Hiệp Thông đã hướng dẫn các bạn buổi tĩnh tâm này. Chủ đề buổi tĩnh tâm, Cha lấy đoạn phúc âm nói về ngụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-32) để đưa các bạn bước vào hồi tâm, suy niệm va sám hối. Các bạn được dịp nhìn lại ba hình ảnh quen thuộc trong đoạn Tin Mừng, bắt đầu từ hình ảnh người con thứ, rồi người Cha và cuối cùng là người anh. Với phong cách dí dỏm và tếu rất sinh viên, sử dụng ngôn từ đơn giản và hài hài, Cha đã phân tích và làm rõ nét về từng hình ảnh một, cùng với những ví dụ cụ thể rất thực để minh họa và làm rõ hơn cho ba hình ảnh trong Tin Mừng. Từ đó các bạn khám phá thật rõ nét về hình ảnh người em, về người anh trong cuộc sống hôm nay và cao điểm là thấy được sư bao dung và tình thương thật lớn lao của người Cha nhận từ. Và các bạn đã dựa theo ba hình ảnh trên để ăn năn sám hối, và một Cha khác giúp các bạn lãnh bí tích hòa giải.

Trong Thánh Lễ sau đó, các bạn tham dự với ý thức kết hiệp sâu xa hơn và chân tình hơn với Chúa với nhau qua những lời nguyện tự phát, qua mầu nhiệm Thánh Thể, đọc kinh Lạy Cha và cuối cùng là phần chúc bình an với những cử chỉ bắt tay nhau thật đẹp, thật dễ thương, thật hoan hỷ và hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi tôi mới có lại được cảm xúc thân thương đó! Tôi thấy các bạn quanh mình bây giờ thật thân thiện, dễ mến và gần gũi biết bao!

Buổi tĩnh tâm kết thúc, các bạn ra về với niềm vui mà mỗi người được lãnh nhận. Hy vọng rằng điều đó sẽ được các bạn chia sẽ và trao ban cho mọi người. Vui hơn nữa là cả nhóm được Cha đãi một chầu thật đã. Thế nên dù phải đi một đoạn đường khá xa giữa trời nắng ban trưa nhưng quân số trong nhóm vẫn bảo toàn. Chỉ tội nghiệp cho Cha, chuyến này hao tài quá xá…

TÂMINHNGÔ