ĐƯỜNG CHÚA ĐI QUA …

Khi Mùa Vọng bắt đầu thì bọn chúng tôi đã đi xa thành phố. Có hẹn với bạn bè từ trước, nhưng cũng là cố ý chọn những ngày này. Nghĩ như về những nơi gần với thiên nhiên hoang dã, sẽ nghe rõ hơn "tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Mt. 3,3).

Không phải là ở trong thành phố thì không có gì hoang vu, và đường Chúa đi đã mở xong. Chúng tôi ra đi sau khi chia tay với khoảng một chục anh em đang cai ma tuý bằng phương pháp đọc Lời Chúa và cầu nguyện, có một linh mục và vài nữ tu hướng dẫn. Chiều tối và đêm đêm các nhóm cầu nguyện từ Thanh Đa, từ Tân Định đến ở bên cạnh anh em, có người đã cai rồi tìm đến chia sẻ tâm sự về quãng đường đã qua. Những phụ huynh có con em đã nghiện, đã nhiễm Aids cũng tìm đến để cùng cầu nguyện với anh em trong nỗ lực lội ngược dòng, đến đây hình như các bậc phụ huynh ấy vơi đi được một phần những não nề trước đây, hình như họ tìm được một mục đích, một ý nghĩa cho cuộc sống sau những đổ vỡ trong gia đình. Đó, giữa thành phố còn nhiều cõi hoang vu, còn nhiều con đường chưa khai thông được.

Dẫu vậy chúng tôi vẫn rủ nhau rời thành phố để lắng nghe lời hy vọng của thời gian chuẩn bị Noel. Một lúc lắng đọng, để mở đầu năm Phụng Vụ. Thành phố thì ô nhiễm, ồn ào, có quá nhiều truyện ngang trái phơi bày. Dư luận nói về nhiều vụ bê bối, án mạng, tham nhũng, tòa án đang xử những tội có thể lãnh án tử hình. Nhìn ra nước ngoài, nào là sự truy nã khủng bố qua biết bao nhiêu là máu của dân nghèo vô tội, nào là đất thánh Palestine lúc nào cũng tràn ngập thù hận…v.v… Về với thiên nhiên và nông thôn biết đâu Lời Chúa không bị những tiếng động hỗn tạp quấy nhiễu, "Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời…"

Isaia (bài đọc 1, Chúa Nhật 2) đã từng mô tả cái ngày trời đổ sương, ngàn mây mưa Đấng cứu đời ấy: "Sói ở với chiên, và beo nằm bên dê nhỏ… bé con dẫn ác thú đi chăn; bò mẹ, gấu cái kết thân… Hài nhi còn bú mẹ giỡn bên hang hổ lửa, trẻ thơ còn hôi sữa thọc tay vào ổ mãng xà, không còn loài nào làm dữ gây oán trên khắp núi thánh của Ta" (Is. 11,6-9).

Ở Sàigòn dạo nọ, nhà thi sĩ điên Bùi Giáng (đã quá cố) cũng nhìn thấy:
Hùm thiêng ba cặp từ bi
Mười hai con mắt nhu mì mở ra.

Ôi, biết đến bao giờ cho mắt của hùm beo trở nên nhu mì, từ bi! Cái ngày trẻ con chăn dắt ác thú, và không còn loài nào làm dữ gây oán còn xa lắm. Tình cảm của con người đối với những sự thân yêu còn xa xăm là một nỗi nhớ nhung. Kitô hữu mang trong lòng một nỗi nhớ đối với Chúa là Đấng, theo lời thánh Phêrô, mình "không thấy mà vẫn yêu, không giáp mặt mà vẫn tin" (1P. 1,8). Cái ngày mà Isaia mô tả đó, ngày thiên địa thái hòa, sẽ được dựng nên khi "sự hiểu biết Đức Chúa Yavê tràn ngập đất này, như nước lấp đầy lòng biển cả" (Is. 11,9).

Chính vì còn xa, chính vì còn nhớ nhung cái ngày đó nên Gioan Tẩy giả mới xuất hiện trong hoang địa Giuđê, rao giảng rằng: "Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần bên" (Mt. 3,1, Tin Mừng Chúa Nhật 2). Xa, không phải vì đường dài, mà vì lòng người còn cần "hối cải". Gần, vì Chúa đã ở trong thế gian này rồi, Người sẽ xuất hiện và đến với những ai hối cải và tin vào Người. Tất cả chúng ta rồi sẽ nhập bọn với nhân dân "Jerusalem và cả xứ Giuđê và khắp vùng giáp cận sông Jordan trẩy đến với Gioan, nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Jordan mà xưng thú tội lỗi" (Mt. 3,5-6). Hối cải, đổi lòng… Chúa sắp đến để ta được "hớn hở vui mừng" (1P. 1,8).

Cũng có thể nói lần này bọn chúng tôi đi thăm, đi xem những người đã đổi lòng, một vài con đường mòn trong hoang địa mở ra để Chúa đi. Chị Quyên, chị Nam sống ở vùng sâu huyện Định Quán, kề bên một bản của dân tộc Châu Mạ. Chị Quyên có lớp học tình thương, chị giúp bà con chăn nuôi, chị lại muốn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Châu Mạ, chị khuyến khích các cô dâu người Thượng mặc áo dân tộc trong ngày cưới, chị sắm lại cho bà con dàn cồng chiêng. Chị khoe "ở đây cảm thấy khỏe hơn ở Sàigòn nhiều", nhưng phàn nàn đã ở đây ba năm rồi nhưng bà con trong buôn không ai có khả năng dạy chị học tiếng. Chị vào buôn ai cũng tay bắt mặt mừng chào đón, nhưng dạy tiếng thì không ai có phương pháp. Tình cờ trong bọn tôi có K’ Hốt, cô sinh viên quê vùng Bảo Lộc, cô sốt sắng nhận hè này dạy tiếng cho chị Quyên. Bên cạnh chị Quyên, chúng tôi gặp chị Nam. Chị Nam rành về thuốc, chị lại có bằng Đông Y, chị nấu thuốc, nấu cao bằng trái bưởi, bằng mật ong rừng để tăng cường sức khỏe cho bà con. Bạn với chị Quyên, chị Nam còn có hai cô giáo phục vụ một nhóm bà con nghèo quê Bến Tre lên đây khai phá. Hai cô còn phải đi sâu hơn nữa vào trong núi, mùa mưa chèo thuyền một đỗi thật xa trên hồ mới vào tới trường, mùa nắng phải lội bùn bì bọp. Ngày trường mới mở, bò cạp có khi vẫn lổn nhổn trong lớp học, nay thì nghe nói đã khang trang hơn nhờ bạn bè giúp đỡ.

Lên vùng Bảo Lộc, lại thăm những chị Yên, chị Dung… Nằm sâu giữa vườn trà của các chị một căn nhà mới mở, mỗi tối thứ bảy, Chúa Nhật thiếu nhi buôn Thượng K’ho, đến học chữ. Ngày thường không học được, vì các em mắc lao động. Các chị bảo: "các em hết sức dễ thương." Trong căn nhà rất đơn sơ của các chị, có một bàn trang điểm với khá nhiều mỹ phẩm. Lạ nhỉ, có bao giờ thấy các chị làm dáng đâu? Các chị phấn sáp từ hồi nào vậy? Các chị cười: "Không phải. Cái này là để trang điểm cho các cô dâu Thượng trong ngày cưới." Tôi cứng lòng tin: "Các chị biết trang điểm cô dâu à?" Nhưng Diệu Vân bảo: "Đừng tưởng, Vân đã xem các chị làm văn nghệ ở Sàigòn rồi. Đẹp hết sẩy!".

Khác với những chị Duyên, chị Nam, hay chị yên, chị Dung, các bạn chúng tôi thăm viếng ở vùng Đức Trọng toàn là người dân tộc và nhiều bạn học mấy năm trước. Cill Kồng đây này, giáo viên giảng dạy môn địa lý ở Lạc Dương. Còn Cill Sord bây giờ làm gì thế? À, Cill Sord đang làm ở sở điện lực Lâm Đồng. Bác sĩ M’ Nuôi ngoài phòng khám ở Phú Hội thì ngày Chúa Nhật vẫn giúp xứ Tùng Nghĩa. Đây là những trí thức trẻ người dân tộc, vẫn gắn bó miệt mài với dân tộc của mình.

Bác sĩ Út tâm sự đã năm năm nay làm việc ở trạm xá Đại Đờm. Ngày mới ra trường, về đấy buồn quá. Nhưng gần gũi với bà con dân tộc nghèo khổ, rồi nhận ra cuộc đời có ý nghĩa. Nếu bây giờ phải đổi đi chỗ khác sẽ buồn lắm đấy. Mỗi ngày anh Út đi vài chục cây số vào vùng xa, để vợ là bác sĩ Ơi làm việc ở Lâm Hà, chủ yếu cũng là phục vụ người dân tộc.

Bác sĩ M’ Tuyền cho biết hoàn cảnh nghèo khó của bà con dân tộc. Tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao. Đã thế bà con lại chưa ý thức đủ về hiểm họa. Nhiều khi phải năn nỉ bệnh nhân mới chịu chữa. Đi tuyên truyền thì chỉ gặp bà già và trẻ em, bệnh nhân còn ở đâu đó trong rẫy xa. Có những bệnh nhân thập tử nhất sinh mà vẫn cứ xin ở lại trạm xá, vì không đủ khả năng đi bệnh viện. Chẳng qua tại nghèo hóa ra nhận thức kém, rồi bệnh tật, rồi nghèo thêm. Lương ngành y ở những vùng heo hút này chẳng bao nhiêu, nhưng trước cảnh khổ rồi anh chị em phải bỏ tiền túi ra cứu giúp, mỗi năm mấy triệu.

K’ Phấn, y tá hộ sinh cũng phải bù nhiều cho bà con. Ngay áo, tả lót cho trẻ sơ sinh cũng không có. Nhiều khi sinh rồi lại lấy áo mẹ để bọc con. Những câu chuyện như thế làm cho bọn chúng tôi hiểu rằng tuy mình không giầu, nhưng vẫn còn được ưu đãi. Mình mắc nợ một điều gì đấy với người nghèo và với những bạn cũ của mình đang tận tụy với người nghèo, cần phải gây dựng tình liên đới.

Đêm thứ bảy vọng Chúa Nhật I Mùa Vọng, Đàlạt sáng trăng tuyệt đẹp. Trong một họ đạo ven thành phố, thấy bóng dáng nhiều bà con dân tộc, người lớn, trẻ em đi lại. Hỏi thăm thì được biết đó là những bà con ở vùng sâu, chiều nay vừa đi bộ hơn hai chục cây số ra đây dự Lễ, vì trong sâu không có nhà thờ, không có linh mục. Ngày mai Lễ xong lại đi bộ hai chục cây về nhà. Tiếp xúc thấy ai cũng vui cười rạng rỡ, người ta nói: "Mỗi Chúa Nhật đi Lễ vui lắm, mong lắm." Đi như trẩy hội. Cill Poh bảo ở chỗ của anh, vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh, người ta băng rừng đến bảy mươi cây số về dự Lễ.

Đầu Mùa Vọng, chúng tôi được gặp những người nghèo của Chúa. Những cuộc đời vô danh bé nhỏ. Bên cạnh những bức xúc vì nghèo khổ khiến cho phải hỏi nhau rằng ta phải làm gì cụ thể, lại như có một niềm vui nhè nhẹ đọng lại. Chúng tôi vừa thoáng thấy nơi anh chị em mình những con đường mở ra cho Chúa đi.


GIỚi TRẺ TIN YÊU
(ABBA – Hànội) _ Ngày 7/12 vừa qua là ngày Truyền thống của SVCG Địa phận Hànội. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn cho các bạn tham gia, Cha đặc trách SV đã tổ chức mừng ngày sinh nhật lần thứ IV này vào Chúa Nhật đầu tháng 2/12, theo như sinh hoạt định kỳ của nhóm.

Các bạn sinh viên đã dành trọn một ngày sinh hoạt, ăn trưa với nhau trong tinh thần anh em, học hỏi nhiều Tông huấn cũng như chủ đề, như chủ đề "Anh em là muối cho đời, anh em là ánh sáng cho trần gian…" của Đại Hội giới trẻ thế giới 2002 sắp được tổ chức tại Toronto, Canada. Các bạn còn có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với Cha Kim Long, rồi cùng nhau hát lại những bài Thánh ca quen thuộc do Cha sáng tác… Đặc biệt, trong Thánh Lễ truyền thống, Đức Hồng Y và các Cha đã đồng tế dâng Lễ. Phải nói thêm rằng, chính Đức Hồng Y là người thành lập nhóm bốn năm trước đây và là Cha Linh Hướng cho nhóm. Sau Thánh Lễ và ngày truyền thống đáng nhớ, bạn nào cũng cảm thấy gần Bố hơn với nhóm và muốn cùng nhau góp sức cho nhóm ngày càng trưởng thành hơn.

V. PHẠM