Lời Chúa luôn hiện hữu trong đời sống, trong thâm tâm của mỗi chúng ta hôm nay.


CHUYỆN NGƯỜI SAMARITANO
Một phụ nữ nọ đang đứng bên này đường chỗ trạm dừng, chờ cho đèn "Đi Bộ" bật lên để có thể băng qua bên kia đường. Phía bên kia đối diện với trạm dừng, có một cô bé khoảng 17 tuổi cũng đang chờ đèn "Đi Bộ" bật lên để băng qua đường bên này. Người phụ nữ không thể nhận ra cô bé đang khóc. Thực tế cô bé này dù cố gắng mấy cũng không che dấu nổi vẻ đau đớn đang hằn lên trên nét mặt. Thình lình đôi mắt hai người chạm nhau. Dù đây chỉ là cái liếc nhìn vội vã thoáng qua, song cũng đủ cho người phụ nữ ấy thấy được nỗi đau đớn khủng khiếp ngập tràn trong đôi mắt cô bé. Cô này liếc quay nhìn sang chỗ khác. Ngay lúc ấy đèn báo được phép đi. Thế là cả hai rời trạm dừng bước xuống đường chuẩn bị băng qua. Khi cô bé tiến đến gần, người phụ nữ có thể trông thấy rõ cô ta khá đẹp trừ nét đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt. Ngay khi hai người sắp sửa chạm mặt nhau, bản năng làm mẹ của người phụ nữ trào dâng. Toàn thể con người bà muốn tiến đến tiếp xúc, an ủi cô bé nọ. Ước muốn ấy càng mãnh liệt hơn vì cô bé trạc tuổi một trong những đứa con gái của bà. Thế mà bà đã phớt lờ đi qua, quên cả chào cô bé, chỉ lặng lẽ băng qua cô ta thôi.

Vài giờ sau, cặp mắt đầy đau khổ của cô bé vẫn tiếp tục ám ảnh bà. Bà nghĩ đi nghĩ lại rồi tự trách: "Tại sao mình lại không quay lại, bước tới cô bé và nói ‘Này cưng, tôi có thể giúp đỡ gì cho cưng không?’ Thế mà mình lại bỏ đi, phớt lờ băng qua bên cạnh. Có thể cô bé từ chối sự giúp đỡ của mình và nghĩ rằng mình là kẻ chúi mũi vào chuyện kẻ khác. Nhưng hệ gì đâu! Chỉ mất có vài giây thôi, nhưng vài giây ấy cũng đủ cho cô bé biết rằng còn có người quan tâm đến cô. Thế mà mình đã phớt lờ, bước qua, đã hành động như cô ấy không hề hiện hữu!".
Câu chuyện có thật trên có lẽ đã minh họa rõ hơn cho chúng ta hôm nay điều mà Chúa Giêsu muốn nhắc đến trong câu chuyện ngụ ngôn tuyệt hảo "người Samari nhân hậu" của bài Tin Mừng Lc 10,25-37. Khi đọc bài ngụ ngôn người Samari cùng câu chuyện kể trên, tôi thấy mình như được mời gọi hãy tự vấn lại xem bao lâu nay tôi đã sống và sử xử với người "thân cận" như thế nào, nhất là những người đang gặp khó khăn, đau khổ xung quanh tôi??? Tôi cũng tự hỏi, lâu nay những người "thân cận" mình đã chọn lựa để sống để giao cảm là ai trong cuộc đời này nhỉ? Và tôi cũng đã nhận được câu trả lời: đó chính là những người không phải xa lạ với tôi, những người thân trong gia đình, bạn bè; rồi đến những người sống quanh tôi mà tôi thường gặp gỡ và trao đổi; và cũng chỉ có thế thôi. Vậy còn những người tôi nhìn thấy hằng ngày khi ra đường, đi học, đi làm mà tôi nghĩ rằng có lúc nào đó họ cũng cần đến sự giúp đỡ của tôi thì sao? Tôi đã cư xử thế nào với họ khi tôi không đăt họ vào cuộc đời tôi?… Tôi bỗng thấy mình xa lạ với điều Chúa dạy qua bài Phúc Âm quá: Ngài dạy tôi yêu hết thảy mọi người không phân biệt! Và tôi cảm thấy sao mà nhiều lúc thái độ của mình giống hệt người phụ nữ trong câu chuyện minh họa trên…

Hôm nay, được Chúa Giêsu nhắc nhở lại Thái Độ Yêu Thương qua hình ảnh rất cụ thể người Samaritano nhân hậu, tôi phải vào đời vời một thái độ sống mới: sống thực tế hơn Lời Chúa dạy là hãy yêu thương hết thảy mọi người, nghĩa là không còn phân biệt ai là người "thân cận" của tôi; mà phải là "tôi là người thân cận của ai?" Tôi phải là "người thân cận" của hết thảy mọi người! Mẹ Têrêsa Calcuta cũng chỉ cho tôi cách sống yêu thương qua cuộc đời của Mẹ: Mẹ đã yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, những người được xem như "không hề hiện hữu" trong xã hội này… Qua lời Chúa Giêsu dạy, mẹ Têrêsa đã sống yêu thương làm gương cho tôi, vậy tại sao tôi lại không học lấy tấm gương một "cuộc đời" mang một "tình thương cao cả" ấy của Mẹ nhỉ?!

LÊVI HÔM NAY


KHÁT VỌNG
Thuở nhỏ, tôi rất thích chơi thả diều. Các buổi chiều lộng gió, tôi và các bạn trong xóm vui đùa với những cách diều trên bãi đất trống ven làng. Những con diều mỏng manh gặp gió bay cao, đem theo nhiều ước vọng tuổi thơ của tôi. Nhiều đêm tôi mơ mình biến thành con diều đang bay cao, chu du khắp miền đây đó.
Thế rồi lớn lên, ước mơ tuổi thơ của tôi trở thành hiện thực. Tôi có dịp đi khắp mọi miền đất nước. Đến đâu tôi cũng tận mắt ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên, đồng thời đi tới đâu, tôi cũng nhìn thấy những con người suốt ngày bận rộn với công ăn viện làm. Cuộc đời của họ hình như tối ngày chỉ quanh quẩn với những toan tính nhân sinh. Họ không biết điều gì khác, ngay cả những cảnh đẹp mà Thượng Đế đã ban cho vùng đất nơi họ đang sống. Dĩ nhiên, là người ai cũng phải làm việc, vì như Voltaire đã nói: làm việc sẽ giúp người ta thoát khỏi ba điều xấu: sự buồn chán, thói xấu và sự nghèo túng. Nhưng nếu như cuộc đời con người chỉ biết làm việc và việc làm, nhưng lại không mảy may tìm hiểu ý nghĩa đời mình thì nào có ích gì? Người ta có thể biến nhiều ước mơ thành hiện thực, nhưng lại cố tình vùi dập khát vọng tâm hồn thì thành công kia liệu có ích gì?
Con diều chỉ là những mảnh giấy và những thanh tre. Nó sẽ không phải là diều nếu như nó không được nối với sợi dây và tung mình vào bầu trời lộng gió. Trái lại, nó thực sự là con diều khi thân mình mỏng manh của nó được bay cao trên nền trời ước vọng.
Có thể nói mỗi người chúng ta là một con diều. Cánh diều cuộc đời ta chỉ cất cánh bay cao khi ta thực sự nối kết với sợi dây là chính cuộc đời này, nhưng cánh diều chỉ bay cao nhờ làn gió. Như vậy, ta cũng có thể nói sự Phục sinh của Đức Kitô là làn gió cất cao cuộc đời mỗi người chúng ta, để từ nay ta không chỉ sống cho những giá trị đời này mà còn cho những thực tại trên cao.

ĐỖ ĐÌNH


NÊN SUY NGHĨ LẠI…
Chúng ta ngày càng có nhiều cao ốc cao hơn, và nhiều xa lộ rộng hơn, nhưng lòng khoan dung lại thấp đi và tinh thần hẹp hòi hơn.
Chúng ta tiêu tiền nhiều hơn, nhưng giải trí vui vẻ kém hơn.
Chúng ta có nhiều nhà cửa lớn hơn, nhưng gia đình lại nhỏ bé đi.
Chúng ta có nhiều thỏa hiệp hơn, nhưng thời giờ lại ít.
Chúng ta có nhiều kiến thức hơn, nhưng ít sự phán đoán.
Chúng ta có nhiều thuốc men hơn, nhưng sức khỏe lại kém.
Chúng ta có của cải tăng nhiều lần hơn, nhưng giá trị mình giảm lại.
Chúng ta nói năng nhiều hơn, nhưng yêu mến ít và lòng thù ghét quá nhiều.
Chúng ta đã lên Mặt trăng và trở về Trái đất, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi băng qua đường để thăm người hàng xóm.
Chúng ta đã chinh phục không gian liên hành tinh, nhưng không thắng nổi không gian nội tâm của mình.
Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng luân lý đạo đức kém đi.
Chúng ta sống trong thời đại có nhiều tự do, nhưng giảm niềm vui.
Chúng ta có nhiều lương thực hơn, nhưng lại kém dinh dưỡng.
Chúng ta sống trong thời đại cần có hai tiền lương để nuôi một gia đình, nhưng ly dị lại gia tăng.
Đây là thời đại có nhà cửa đẹp hơn, nhưng nhiều gia đình đổ vỡ hơn.
Vì vậy, tôi xin đề nghị kể từ hôm nay:
Chúng ta đừng gọi thời điểm nào là dịp đặc biệt nữa, vì mỗi ngày ta sống là dịp đặc biệt rồi.
Hãy tìm kiếm kiến thức, hãy đọc nhiều, hãy ngồi trên ngưỡng cửa và ngắm nhìn vạn vật mà không quan tâm đến nhu cầu của mình.
Hãy dành nhiều thời giờ hơn cho gia đình và bạn bè, hãy thưởng thức những món ăn khoái khẩu, hãy đi thăm những địa điểm chúng ta ưa thích.
Cuộc đời là một chuỗi các thời khắc vui thú, chứ không chỉ là sự tồn vong.
Hãy uống bằng ly pha lê, đừng tiết kiệm nước hoa thơm phức, và cứ xức nước hoa mỗi lần mình muốn.
Hãy xoá bỏ trong từ vựng chúng ta những từ "một ngày nào đó" hoặc "ngày nào đó".
Hãy nói với gia đình và bạn bè là chúng ta yêu mến họ biết bao.
Đừng chậm đưa thêm nhiều nụ cười và niềm vui vào cuộc sống.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khoảnh khắc đều là đặc biệt.
Biết đâu đó lại là khoảnh khắc sau cùng của ta.
Nếu bạn quá bận rộn, không có thời giờ gửi sứ điệp này cho người bạn yêu mến, và bạn tự nhủ là mình sẽ gửi vào "một ngày nào đó", bạn nên suy nghĩ lại, nhớ rằng có lẽ bạn không còn có mặt vào "một ngày nào đó" để gửi nữa đâu.

N.T.ĐA dịch (theo Internet)