taberd-rakhoi.jpg (12670 bytes)


Souvenirs de Taberd 1929-1930

Souvenirs de Taberd 1972-1973

 

La San «Chợ Lớn»
Ngôi trường đầu tiên tại Chợ Lớn
(không biết toạ lạc tại ví trí nào !)


Ngôi trường thứ hai sau truờng Adran, mà các sư huynh được mời điều khiển tại Nam Kỳ, tọa lạc tại Chợ Lớn. Trường khai giảng ngày 26 tháng tư năm 1866. Số các sư huynh quá ít ỏi chỉ cho phép đặc phái đến đấy 2 sư huynh : sư huynh Adelphinien với tư cách là hiệu trưởng và sư huynh Adilbert. Lúc đầu, có vài sự e dè ngờ vực nơi những người bản xứ đối với những kẻ mà họ lầm tưởng trong thời gian ngắn rồi sẽ bỏ đi, thế nên việc chiêu mộ được học sinh quả thực hiện khá khó khăn . Trường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn với số học sinh quá ít. Và việc sư huynh hiệu trưởng Adelphinien ngã bệnh vì không quen được với khí hậu nóng ẩm đã theo sh Gombert-Sylvain về Pháp, đã buộc người ta phải đóng cửa trường vào ngày 29 tháng chín năm 1867, sau gần 17 tháng hoạt động.

Tâm trạng và tâm lý của một sư huynh người Pháp đi truyền giáo :
 chấp nhận đến một xứ thuộc địa mới với nhiều thiện chí nhưng cũng có nhiều thành kiến và sức khỏe kém …

Sau đây là một bức thư (Thư 10 : NJ 453, d 11, f1) được gởi về Pháp cho a/e trong dòng. Tác giả bức thư là sh Adelphinien, một trong những sh đầu tiên bước chân đến Sài Gòn và một thời gian ngắn sau đó, đến Chợ Lớn với tư cách là hiệu trưởng của trường vừa được thành lập. Ta thấy được gì ở đây ? …

J.M.J (Giê-su, Ma-ria, Giu-se) Chợ lớn, ngày 30 tháng 10 năm 1866
Sư huynh Augustin thân mến và tất cả các sư huynh có tuổi, các sư huynh ở văn phòng quản lý, phòng cắt may, nhà in vv … ,
Tôi thừa dịp may vừa có được để gởi cho chư huynh vài chi tiết khá hay về thành phố đáng thương của chúng tôi, một thành phố[1] còn ngoại đạo. Với số cư dân khoảng bốn mươi năm mươi ngàn, người ta đếm được 40 người công giáo. Chắc anh em còn nhớ một anh chàng kính cận cao nhòng và có cái mũi dài khoằm chứ ? Ạ đúng đó ! Các a/e thân mến của tôi ơi, chính hắn gởi cho a/e bức thư này đây. Nếu nó làm a/e thích thú thì muôn vạn lần tôi xin tạ ơn Chúa. Cầu mong cánh thư này thôi thúc a/e cầu nguyện và bảo nhau cầu nguyện cho chúng tôi và cho các người dân ngoại đạo đáng thương của chúng tôi. Ở đây ma quỉ là xếp sòng. Năm rồi, cũng vào khoảng thời gian này, vừa chân ướt chân ráo bước xuống bến quê hương mới của chúng tôi, Chúng tôi bị buộc phải chia nhau ra theo lệnh của ông thống đốc. Các lớp được khai giảng khoảng vào những ngày đầu tháng Năm. Trong nỗi lo ngại không có ai để bắt đầu hoạt động, ông thị trưởng cho đi “thu gom” độ hai mươi học sinh trong khu phố của ông ta và cho các người lính Việt Nam “dẫn độ” đến cho chúng tôi : diện kiến chúng tôi, mấy chú bé phải một phen mất hồn ! Buổi chiều, trước khi tan trường, cho chúng về nhà, tôi phân phát chuối[2] cho chúng và điều này khuyến khích chúng thêm can đảm, nhưng rủi thay, phần đông những học sinh này đều biến mất sau 15 ngày, chỉ còn lại độ 7 hay 8 đứa gì đó trông có vẻ hài lòng. Nhưng chẳng bao lâu chúng cũng chán ngấy. Những thành kiến bất lợi đối chúng tôi là đầu đề cho mọi câu chuyện. Chúng tôi có cố gắng hết sức dán lên trước cửa thông cáo bằng tiếng tàu (chữ Hán) rằng chúng được hoàn toàn tự do thờ cúng ông bà, thờ cúng đức Phật trong gia đình. Họ truyền miệng nhau rằng chúng tôi là những tên buôn thuốc phiện cở bự, rằng chúng tôi cung cấp những viên thuốc độc, rằng chúng tôi dùng vũ lực ép buộc chúng vào đạo Công giáo, rằng sau khi chết, các đứa bé này sẽ móc mắt cha mẹ chúng, vân vân và vv … Tuy nhiên các người Tàu cũng quyết định đến gặp gỡ chúng tôi cũng như dẫn vài đứa con của họ cùng đến. Thế là chúng tôi khởi sự hy vọng. … Tuy nhiên nhiều vụ lộn xộn đã xảy ra, những toán nghĩa quân[3] lan rộng ra khắp thôn quê và tiến về Sài Gòn cùng các thành phố phụ cận. Một vị thừa sai tốt bụng khi nghe loáng thoáng tiếng đại bác và tiếng súng nổ, và sau khi thăm hỏi cặn kẽ các sự việc, báo cho chúng tôi hay là người ta vừa tóm được một người mang trong mình một bức thư nói có từ 5 đến 600 nghĩa quân đợi tối đến sẽ tấn công thành phố trong lúc đó thì thành phố lại không có quân đội canh giữ. Hơn nữa chính các nghĩa quân này sẽ tiến đánh vào đúng hướng chúng tôi và chận đường không cho chúng tôi chạy về Sài Gòn. Đã 9 giờ tối rồi, ông cha thừa sai bảo chúng tôi phải đi ngay vì lẽ chủ đích họ là nhắm đến bọn người Âu. Chúng tôi liền cầu nguyện với Đức Mẹ dấu yêu xin là kẻ bảo vệ nhà cửa và thế là lên đường chạy về Sài Gòn, nơi mọi người đang náo động kinh hoàng. Rất may mắn là Chợ Lớn không bị bao vây ; người ta được cho hay kịp thời. Và ngày hôm sau, vì lo sợ có kẻ khác đến chôm hết đồ đạc trong nhà, chúng tôi quay trở về nhiệm sở và được đưa về tận thành phố (Chợ Lớn), chúng tôi phải sừng sộ, nhe răng ra với người đánh xe khi hắn định bỏ chúng tôi giữa đường. Những vụ lộn xộn này làm cho chúng tôi gần như không có học sinh trong khoảng thời gian chừng 3 hay 4 tháng, dù rằng từ lâu người ta đã xua đuổi những đám nghĩa quân này đi rồi.
Ngày hôm nay, bọn con nít cũng hết còn sợ hãi chúng tôi nữa rồi. Chúng tôi có được 18 “trự”, chúng nó khá chuyên cần và có vẻ rất hài lòng. Tuy vậy, còn phải mất một thời gian dài nữa chúng tôi mới có thể đề cập đến vấn đề trọng đại về ơn cứu độ và điều này vẫn vậy nếu chúng tôi không gia tăng được số học sinh và đấy là chưa nói đến việc chúng phải học nhiều để có thể hiểu được chúng tôi. Điều làm chúng tôi buồn phiền nhất đó là không thể rao giảng về Đấng Cứu Chúa tốt lành của chúng ta và còn thêm việc thiếu vắng mọi nghi lễ tôn giáo. Vào những ngày Chúa nhật cũng như những ngày lễ, một thánh lễ thường diễn ra trong nhà cha thừa sai, và đó là tất cả nghi lễ Phụng vụ đấy. Cái nhà như cái kho bãi ấy nghèo nàn đến độ người ta không thể chọn làm nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa. Chúng tôi vẫn còn quá hạnh phúc nếu những tiếng động ồn ào vang lên từ các chùa chiền không bay đến quấy rầy chúng tôi trong buổi lễ ! Mà vì đích xác là chúng tôi đang sinh sống trong khu phố mà ở đấy, mỗi bước đi chúng ta đều gặp thấy những đền đài của ma quỉ[4]. Nhà chúng tôi nằm lọt thỏm giữa hai ngôi chùa cổ[5] xưa. Các ông sư chỉ đến thành phố này vào những dịp lễ lạc thôi. Trang phục của họ là những chiếc áo dài ít nhiều sặc sỡ. Đầu họ hoàn toàn cạo trọc. Trong các các lễ hội thờ thần, họ thường tổ chức những đám rước. Họ kiệu những khúc gỗ để thay cho những thánh cốt. Tất cả đều diễn ra theo tiếng trống, tiếng kèn tò le, vv … Không nên quên có rất nhiều đèn lồng Trung Hoa.
Vừa qua, một ông sư, có lẽ vì cần tiền, đã thuyết phục các cư dân phải thỉnh một vị thần đưa sang chùa khác bởi vì, theo ông ta nói, vị thần nầy luôn luôn mâu thuẩn với một vị thần khác, ông không bằng lòng tá túc trong ngôi chùa dơ dáy này. Ông còn đe dọa sẽ gởi nhiều tai họa xuống thành phố nữa. Để được bìmh yên, các người Trung Hoa đáng thương này liền tổ chức ngay một đám rước và sau khi thực hiện thay đổi cần thiết, họ thấy trở lại bình yên. Vào tháng Hai vừa qua, bọn họ cũng gây ồn ào làm đinh tay nhức óc : một chiều nọ họ bắt gặp con khủng long đang nhai nuốt mặt trăng. Liền tức khắc, họ cho nổ pháo, đánh trống to lên để ngăn chặn con quái vật cắn xé ngôi tinh tú sáng chói. Khi con quái vật nuốt được một phần rồi thì bổng nhiên vì sợ hãi những âm thanh ồn ào, nó thả con mồi ra và trả lại luôn phần đã ăn rồi, làm mấy người Tàu hài lòng vô cùng. Đấy đơn giản chỉ là một hiện tượng nguyệt thực[6]. Tôi sẽ không thể nào chấm dứt được câu chuyện nếu tôi muốn kể cho các anh nghe hết những gì chúng tôi chứng kiến mà chẳng cần cất công đi đâu xa. Đôi khi đó là những con heo nguyên con và được quay sẵn và được họ khiêng đi trên những chiếc cáng to cùng đủ loại trái cây, gạo, trà vv… Khi đến chùa chính, họ cho đặt tất cả trên bàn thờ thần. Sau đó, những lương dân này quì xuống vái ba lạy thật cung kính, đốt pháo cho nổ, đốt giấy sớ hầu để cho lời cầu xin khẩn thiết của họ lên tới được nơi ở của vị thượng đẳng thần của họ. Và trong suốt thời gian lễ lạy này, họ cho nổi lên liên hồi các nhạc khí và chuông trống.
Suy nghĩ về tất cả những nghi thức của lương dân, người ta nhận thấy cách chung là chúng như bắt chước các nghi lễ tôn giáo của chúng ta[7]. Các bàn thờ cũng gần giống các bàn thờ chúng ta. Người ta duy trì liên lĩ các ngọn đèn suốt ngày đêm. Và lại nữa, có một ngôi chùa tráng lệ được dành kính bà Thiên Hậu[8]. Đáng tiếc là chung quanh bà còn có cả gia đình bà !
Thú vật chính trong vùng này là cọp. Trung bình trong vùng này, tại  những vùng làng xã hẻo lánh , chúng xé xác 2 người mỗi ngày[9]. Tiếp theo là rắn mà người ta có thể thường bắt gặp lẩn khuất trong cỏ. Chúng bò vào cả trong nhà. Chúng rất thích gà vịt. Kiến phá hoại tất cả, chúng[10] ngấu nghiến bàn ghế vv… Nếu người ta không giữ kỹ lo đặt chân giường vào những chậu nhỏ[11] có đựng nước, người ta rất dễ bị đặt trước nguy cơ là sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, thấy mình nằm giữa ổ kiến lửa[12] . Tôi nói bằng kinh nghiệm của các a/e đó. Bọn kiến đó đã chọn đúng vào cái đêm sau ngày lễ đẹp kính thánh Giu-se để đến thăm tôi. Chúng bu đầy đầu tôi. Tôi bảo đảm với các a/e, cái ngử (bọn?) ấy không có dễ chịu chút nào. Muỗi cũng vậy, không thể chịu đựng nổi. Không thể nào ngủ mà không có mùng màn … Thật ra chúng tôi cũng đã khởi sự làm quen với chúng rồi vì chúng tôi luôn luôn có những sinh vật không chịu đựng nổi này ở ngay bên cạnh luôn.
Về phần các a/e đáng mến của chúng ta ở Sài Gòn, các anh ấy thực hiện được nhiều điều thật tuyệt với trong khi đó thì chúng tôi chỉ làm được những chuyện bá láp[13]. Để có được hòa khí giữa các học sinh Công giáo và học sinh bên lương, chúng tôi buộc phải cắt bỏ đi hình thánh giá được in trong quyển vần.
Ở khắp nơi người ta yêu cầu có được các sư huynh. Ông thống đốc rất lấy làm kinh ngạc về những tiến bộ của các phụ nữ[14] Việt Nam tại Sài Gòn. Chính vua Tự Đức đích thân giao cho đức cha Gauthier, giám mục ở Bắc Kỳ, tiến hành việc yêu cầu sư huynh giám tỉnh gởi nhiều sư huynh ra dạy cho thuộc hạ tại triều đình của vua, cho những vị đại quan, về các môn vật lý, cơ khívà nhất là thiên văn vv … Chúng tôi vừa mới được an cư tại Sài Gòn thì chúng tôi được quan thượng thư bộ lại[15] của vị vua vua này đến viếng thăm. Vừa mới đây thôi, vị vua này xém chút nữa đã bị ám toán bởi 5 hay 6 ông sư, những kẻ toa rập với ông anh[16] nhà vua, đã tràn vào trong cung điện. Vua chỉ vừa kịp đủ thời gian chạy thoát. Khi được an toàn giữa đội ngự lâm quân, vua liền cho quân sĩ tóm hết các kẻ nổi loạn và đem xử trảm, luôn cả người anh vua và một phần gia nhân của ông này.
Thưa a/e, đấy là tất cả những gì hay ho nhất, đáng kể lại cho a/e nghe. Tôi hy vọng là trong lời kinh sốt sắng của a/e, trong những lần đi viếng Thánh Thể của a/e, a/e sẽ không quên chúng tôi trước mặt Chúa Giê-su, trước mặt Đức Ma-ria, người Mẹ tốt lành của chúng ta, trước mặt vị thánh bổn mạng quang vinh là Giu-se cũng như trước mặt thánh lập dòng đáng kính của chúng ta. Chính trong niềm hy vọng êm ái ấy, thưa các a/e thân mến của tôi, tôi thích nói lên trong các thánh tâm của Chúa Giê-su, Mẹ Ma-riavà thánh cả Giu-se,là người em hèn mọn, người a/e rất mến yêu của các anh.
SH Adelphinien

Tôi quên nói là độ ẩm cũng là một tai họa lớn. Tất cả các sách vở đều bị lên mốc meo trong một thời gian ngắn, không thể bảo đảm gì cả. Ngay lúc này, chúng tôi phải chịu đựng nhiệt độ từ 25 đến 30. Trong 3 hay 4 tháng nữa, nhiệt kế sẽ lên đến 35 hay 40[17] độ.
Cách đây vài ngày, tôi có dịp gặp các sư huynh ở Sài Gòn. Họ đều mạnh giỏi. Sư huynh Adrien đã bị bệnh tật dằn vặt kĩ lắm. Bây giớ thì sư huynh ấy khoẻ ra rồi…(nhiều chữ nữa không đọc được …)

Thư 11 : (NJ 453, d 11, f2)
(Nhận được ngày 10.02.1867)

J.M.J. Chợ Lớn, ngày 28.02.1867
Kính sư huynh bề trên Augustin rất thân mến của con.
Với sự hài lòng và thanh thản mà con đã đọc bức thư của bề trên gởi cho con vừa được một anh em trao cho. Thế nên con không muốn là kẻ vô ơn bội nghĩa, con mau mắn lợi dụng dịp may có người mang thư đi, mà xin trả lời sơ lược vài câu hỏi của bề trên về khoảng thời gian khi chúng con đặt chân đến nơi này. Trước đây, con có viết thư cho sh Jursonins[18], giám đốc nhà in, nhưng không được thư trả lời của sư huynh và sợ gây phiền hà cho sư huynh ấy và cả sư huynh nữa, nên con thôi không viết.
Tuy nhiên, bởi vì bề trên và phần lớn các sư huynh tốt lành của nhà hưu dưỡng cũng như các sư huynh khác tại Nhà Mẹ mong đợi được biết thêm vài chi tiết, nên con cố mau chóng làm hài lòng các vị. Con hy vọng là đổi lại, bề trên cùng chư huynh giúp chúng con làm vinh danh Đức Chúa Giê-su, Đức Ma-ria, Mẹ tốt lành và thánh cả Giu-se, vị thánh bổn mạng của chúng ta, như đã làm từng bao lần rồi.
Xin khởi sự bằng Sài Gòn, rồi sau đó đến “thành Babylonne” nổi tiếng và là nơi đóng đô của anh em chúng con.
Sài Gòn, thủ đô của xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, có số dân cư khoảng 10 đến 12 000 gồm người Pháp, người Mã Lai, người Ấn Độ, người Tàu và người Việt Nam. Những người này là hạng bét của xã hội. Có thể nói họ là hạng cùng đinh[19] so với những cư dân khác. Thành phố này rất lớn, đường xá kẻ thẳng băng. Phần lớn nhà cửa được hoàn toàn làm theo kiểu Âu châu : người ta cứ ngở là mình đang ở bên Pháp. Có ít cửa hàng buôn bán lớn hay buôn sĩ. Người Pháp cũng như các người ngoại quốc, phần đông đều buôn bán hàng của Paris. Không có đền đài hay kiến trúc đáng chú ý bởi lẽ, theo thói quen từ xưa, khi một người Việt Nam giỏi về một nghề nào đó, nhà vua liền cho vời y đến triều đình và sử dụng y như một người tôi tớ và không trả cho y đồng cắc[20] nào ! Đấy cũng là thói quen vẫn còn thịnh hành ngày nay nơi các người lân cận này của chúng ta[21]. Các nữ tu thánh Phao-lô thành Chartres có được một cơ sở tuyệt vời. Hoàn toàn đấy là một cơ sở đẹp nhất Sài Gòn. Nhà thờ chánh tòa rất là tầm thường. Sau này người ta sẽ phải làm điều gì đẹp hơn thế[22].
Còn các sư huynh chúng ta thì làm gì ? Chắc đó là câu hỏi của chư huynh dành cho tôi. Những điều kỳ diệu, xin tạ ơn Thiên Chúa. Ngài thống đốc đang chuẩn bị năm tới sẽ xây dựng một cái gì đẹp đẽ đấy. Sư huynh giám tỉnh nhận được tất cả những gì ngài xin và gấp nhiều lần hơn cả những gì ngài xin.
Vừa qua, theo thói tục trong xứ, một cuộc phát thưởng đã được tổ chức. Khi tôn vinh người học sinh đứng đầu của chúng ta, ngài đô đốc đã trao cho anh ấy một cái đồng hồ tuyệt đẹp, và chàng trai trẻ dễ thương và đạo đức người Việt này chắc không đeo nó được lâu vì anh ấy sẽ nhận chiếc áo dòng[23] thánh thiện của chúng ta vào ngày lễ của vị thánh quang vinh Giu-se. Chư huynh thấy đó, đấy là một khởi đầu tốt đẹp. Mười lăm em học sinh khác thuộc lứa học sinh khá nhất được thưởng mỗi em một đồng bạc (5,55f). Bửa ăn cuối của các học sinh được ông thống đốc khoản đãi. Ông giao cho một nhà hàng người tàu cung cấp bánh ga-tô và các loại bánh trái theo kiểu Việt Nam. Các trẻ này biết vâng lời, rất ngoan ngoản …
 
Ghi chú :

Trường Chợ Lớn mở cửa lại
Nhân sự có được nhờ các sư huynh Pháp qua tăng viện đã cho phép thực hiện việc mở lại cửa trường ở Chợ Lớn. Là trung tâm buôn bán bậc nhất Nam Kỳ, thành phố đông dân này cho phép chúng ta tin tưởng rằng trường học sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Công tác điều hành trường được giao cho sư huynh Basilisse-Marie và hai sư huynh phụ tá Aimare-Pierre, Béraire-Félix giữ chân giáo viên.
Sau gần một năm ngưng hoạt động, trường Chợ Lớn khai giảng lại đúng vào ngày mồng một tháng chín năm 1868 trong một trụ sở rất chật chội. Các học sinh tỏ vẻ thờ ơ không hăng say học tập như lần trước, cách đó hơn 2 năm.
Quyết định của ông Thống Đốc
Trao cho sư huynh hiệu trưởng trường Chợ Lớn một số tiền trợ cấp là 0, 50 f / tháng cho mỗi học sinh .
Thiếu tướng hải quân , quyền thống đốc, chỉ huy trưởng quyết định :
Bắt đầu ngày 01 tháng mười năm 1868, mỗi tháng nhà cầm quyền sẽ trao cho sư huynh hiệu trưởng trường Chợ Lớn một số tiền là 0, 50 f / học sinh dưới danh nghĩa là tiền học liệu giáo khoa cho các học sinh .
Thiếu tướng hải quân , quyền thống đốc, chỉ huy trưởng .
Ký tên : G. Ohier
 
Đóng cửa trường Chợ Lớn
Do kết quả quá xoàng của trường Chợ Lớn lúc trường mở cửa lại hồi năm 1868, với số học sinh vừa ít lại vừa thiếu chăm chỉ cấn mẫn, và nhất là vì thiếu nhân sự do việc các sư huynh lâm bệnh phải hồi hương, nên sư huynh giám tỉnh đã đề nghị nhà cầm quyền đóng cửa vĩnh viển ngôi trường này. Sự kiện này diễn ra vào đầu năm 1871 .
Thất bại của các sư huynh tại thành phố hơn 50 000 dân này mà phần lớn là người Trung Hoa, phải được gán cho sự thờ ơ của những người bản địa đối với việc học (?!) và do việc thiếu giáo viên dạy chữ Tàu .


[1] Đây là Chợ Lớn.
[2] Người Âu Tây rất quí chuối ! Người Phương Đông không hẳn vậy.
[3] Rebelles : kẻ nổi loạn, phản nghịch … Sh là người Pháp nên chưa nhận ra tính chất xâm lược của đế quốc mình !
[4] Xin thông cảm với cái nhìn vừa nhiều thành kiến, vừa hạn hẹp về tri thức …
[5] Một dấu vết về ngôi trường xưa này : phải chăng nó nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay, phần thuộc quận 5 ?
[6] Có ai xung phong truy tìm trong sách vở xem hiện tượng nguyệt thực này xảy ra ngày nào ?
[7] đúng tới mức nào ?
[8] Reine du ciel .
[9] Một con số cần xét lại !
[10] Có lẽ đúng hơn phải gọi là mối !
[11] Mãi gần đây, người ta vẫn còn sử dụng loại chén này để kê các chân tủ, nhất là tủ đựng đồ ăn, “gác măn dê” …
[12] Có lẽ ổ mối thì đúng hơn.
[13] Nous ne faisons que de la bouilliepour les chats
[14] Phải chăng, sh muốn nói về các nữ tu ?
[15] Premier ministre.
[16] Hoàng Bảo ?
[17] vì tới mùa khô !
[18] Tên viết không rõ lắm !
[19] Phải chăng mất độc lập là mất tất cả ?
[20] Chẳng qua vì tác giả thiếu hiểu biết cách trả lương công nhân của vua chúa VN !
[21] Rất tiếc là chi tiết này không chính xác !
[22] Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (vương cung thánh đường) được xây dựng 14 năm sau đó (1881)
[23] Tên ? Sh Việt Nam đầu tiên ? Và sh này sẽ nhận áo dòng vào ngày 19/03/1967

 

Trường La San Nghĩa Thục Chánh Hưng
(số 69 Âu Dương Lân, quận 8)


      Khánh thành : 12/06/1962
Trường tiểu học La San Chánh Hưng là món quà đầy ý nghĩa mà tỉnh dòng La San Sài Gòn kính tặng sư huynh tổng quyền Nicet Joseph nhân dịp ngài sang thăm Việt Nam trong năm này (1962). Trường được sư huynh tổng quyền cắt băng khánh thành vào ngày 12 tháng sáu, trước sự hiện diện của nhiều quan khách cấp cao của cả đạo lẫn đời như đức tổng giám mục giáo phận Sài Gòn, đức cha Nguyễn văn Bình, ông Ngô Trọng Hiếu, bộ trưởng bộ xã hội, ông Vũ Tiến Huân, đô trưởng Sài Gòn, vv…
Lúc ấy trường được đặt dưới sự điều hành của hai sư huynh Cyrille, hiệu trưởng và Charles Khánh cùng với sự giúp sức của 4 thầy giáo là các ông Phạm Đình Trợ, Phan Ngọc Trí, Nguyễn đăng Hoan và Nguyễn Văn Niên. Trường có 5 lớp cấp I, giảng dạy chương trình Việt. (Nhưng sang năm 1967, trường được nâng lên thêm cấp II)
Khai giảng : 16/07/1962
Ngày khai giảng được ấn định vào ngày 16 tháng bảy năm 1962 với số học sinh là 265 em ghi danh, trong đó có 45 em là Công giáo. Số học sinh được chia ra như sau :
Lớp nhất (lớp 5) : 40 hs
Lớp nhì (lớp 4) : 55 hs
Lớp ba (lớp 3) : 81 hs
Lớp tư (lớp 2) : 86 hs
Nhưng sau vài tháng hoạt động, số học sinh gia tăng thêm 1/3 nữa nên nhà trường thấy cần thiết phải mở thêm một lớp mới, mới mong tạm đáp ứng nhu cầu của xóm lao động Chánh Hưng này.  
Việc làm lúc ban đầu thật nặng nhọc. Các học sinh phần đông đều khó dạy và lớn hơn tuổi ấn định cho từng lớp theo chỉ đạo của bộ giáo dục. Ngoài những khó khăn thuộc phạm vi tâm sinh lý, nhà trường còn phải đối phó với những nghi kỵ của phụ huynh học sinh cũng như phải tìm nguồn kinh phí để điều hành trường. Nếu không kể số tiền 30 000 $ mà ông bộ trưởng Hiếu đã tặng để san lấp các ao vũng, chúng tôi đã đến lao tác trong vườn gai này của Chúa với hai bàn tay trắng.
Những rõ ràng Chúa Quan Phòng đã lo lắng tất cả cho chúng tôi. Từng bước một chúng tôi đã cố gắng sửa sang sắp xếp ngôi trường để biến nó thành một nơi học tập dễ chịu cho các trẻ địa phương kém phát triển này : một sân chơi bằng phẳng hơn, những nhà vệ sinh thích hợp hơn đối với một cơ sở giáo dục và một phòng giải trí cho phép các em nô đùa hũu ích nhất là sau những giờ miệt mài học tập. Chúng tôi cũng nghĩ đến các thầy giáo, các cộng sự viên đắc lực của nhà trường, phải đến từ xa hai lần mỗi ngày để dạy học. Chúng tôi đã cho xây một dãy nhà bằng tôn (tôle) gồm năm căn hộ hay phòng để những thầy nào muốn, có thể đến trú ngụ cùng gia đình họ. Chúng tôi cũng không quên nghĩ đến gia đình bác bảo vệ trường cũng cần có một căn hộ trong vòng rào của trường để bác an tâm công tác. May thay nhờ các ân nhân, chúng tôi đã xây được một căn nhà nhỏ bằng gạch cho gia đình này, bên cạnh cổng ra vào cho tiện công việc gác cổng và bảo vệ.
Trung Thu : 13/09/62
Trung thu được nhìn nhận là tết của nhi đồng. Vì chúng tôi thiếu trầm trọng những phương tiện để tạo niềm vui cho các học sinh trường và các trẻ trong vùng lân cận trường nên chúng tôi đã nhờ đến sự tiếp tay của Hiệp hội Thánh Mẫu và hội đoàn thánh Vinh Sơn của Taberd. Với vị cố vấn rất năng động của họ là sh Bertrand Nguyễn Dục Đức, các thành viên của hai hội này đã kéo đến đông đủ với những trò chơi và quà cáp làm nức lòng các em học sinh của ngôi trường nghèo này.
Đêm canh thức Giáng Sinh : 24/12/62
Đây là thánh lễ đầu tiên trong khu xóm Chánh Hưng này. Các học sinh của trường đã đến gần như đông đủ để tham dự buổi lễ. Giữa đám đông người hiếu kỳ, chúng tôi cũng thấy có một số gia đình Công giáo quanh đây cũng đến tham dự. Vị chủ tế của thánh lễ đầu tiên này chẳng phải ai xa lạ, mà chính là một cựu học sinh ở Bùi Chu của sư huynh hiệu trưởng Cyrille, cha Trần văn Hiến Minh.
Thiết lập phòng phát thuốc : 4/04/63
Việc thiết lập phòng phát thuốc tại trường La San Chánh Hưng là sáng kiến của Hội ái hữu cựu học sinh trường thánh Tô-ma Nam Định (La San). Tuy nhiên phòng y tế này hoạt động được là nhờ sự tiếp tay của hiệp hội Thánh Mẫu phân ban đại học. Mỗi ngày thứ bảy, người ta thấy khoảng 30 người trẻ, bác sĩ và dược sĩ tương lai, đến khám bệnh và chăm chú lắng nghe cùng quan sát những nỗi khổ đau của những người nghèo trong khu vực lao động này. Theo bản thống kê của phòng khám và phát thuốc này, mỗi lần (ngày thứ bảy) như vậy, các sinh viên y dược khoa săn sóc được chừng 250 lượt người. Thuốc men thì được hoặc cơ quan cứu trợ Công giáo cung cấp miễn phí, hoặc do cơ quan y tế nhà nước cho.
Thành lập hội phụ huynh học sinh : 7/04/63
Công trạng trong việc thành lập này thuộc về ông Nguyễn Văn Hòa, một nhân vật rất có uy tính trong khu phố này. Theo lời hô hào triệu tập của ông, nhiều phụ huynh đã đến bàn thảo và nghiên cứu. Tất cả đều đồng ý về việc thành lập hội để cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục con em họ. Sau đó họ liền bầu ra ban chấp hành. Sau đây là danh sách các thành viên của hội :
Chủ tịch : ông Nguyễn Văn Hòa
Phó chủ tịch : 2 ông Nguyễn văn Ca và Trần Văn Cao.
Thư ký : 2 ộng Phạm Đình Trợ và Phan Thành Trọng
Thủ quỹ : 2 ông Lê Văn Nghệ và Lâm Văn Phát.
Kiểm soát viên : 2 ông Phan Văn Trí và Nguyễn Hữu Quyền.
Kỳ thi Tiểu học : 15/04/63
Nhà trường đã gởi 31 học sinh đi dự thí : 28 đã đậu. Như vậy tỉ lệ là 90%
Niên khóa 1963-64
Nhập học là ngày 17 tháng 7 năm 1963. Sĩ số học sinh là 363 như vậy là tăng nhiều và được chia ra các lớp như sau :
Lớp nhất : 46 hs
Lớp nhì : 72 hs
Lớp ba    : 79 hs
Lớp tư A : 87 hs
Lớp tư B : 79 hs
Cả trường đếm được khoảng 60 em Công giáo.
Giới thiệu hội Phụ huynh học sinh : 29/07/1963.
Lễ trình diện của hội rất đơn sơ nhưng có sự hiện diện của ông Ngô Trọng Hiếu. bộ trưởng bộ xã hội và nhiều quan khách, trong đó có đại diện của các hội phụ huynh của Taberd và Đức Minh.
Trung thu năm 63.
 Nhân dịp lễ trung thu năm nay, chúng tôi có tổ chức một buổi văn nghệ “loại bỏ túi” để các em học sinh có cơ hội chứng tỏ cho cha mẹ chúng thấy tài nghệ của con mình mà xưa nay chưa ai có dịp khai thác. Trong buổi lễ này, ngoài phụ huynh của các em học sinh còn có một số quan khách thân hữu, trong đó phải kể đến sư huynh giám tỉnh và sư huynh phó hiệu trưởng trường La San Taberd.
Khánh thành hang đá Lộ Đức : 8/12/63
Để tạo bầu khí đạo đức trong trường, sư huynh hiệu trưởng nghĩ là phải làm điều gì đó. Cuối cùng ngài cho xây dựng hang đá Lộ Đức và khánh thành công trình này vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội 08/12/63.
Lễ Giáng Sinh : 24/12/63
Cũng như năm qua, một thánh lễ đã được một cha ở chủng viện thánh Giu-se Sài Gòn đến cử hành trong khuôn viên nhà trường. Sau lễ, thay vì tiệc “réveillon”, chúng tôi phân phát cho các học sinh tham dự một ổ bánh mì và nướt ngọt.
Hôm sau, tức ngày 25/12, nhà trường cho dựng một cây Noešl và với sự giúp sức của các thầy giáo, sư huynh hiệu trưởng trao hết cho bọn nhóc những gì mà sư huynh đã xin xỏ được trong suốt tháng qua.
Buổi tiệc mừng Tết : 20/01/64
Nhằm thắt chặt những mối liên hệ tốt đẹp giữa phụ huynh và nhà trường, hội phụ huynh học sinh đã tổ chức một buổi tiệc tại trường nhân dịp xuân về. Đến dự buổi tiệc thân hữu này ngoài gần 100 phụ huynh và nhân viên của trường, còn có cha tuyên úy (thứ hai) Bùi Vĩnh Phúc, sư huynh tổng quản lý Taberd và vài quan khách đời.
Kỳ thi tiểu học : 12/04/64
Năm nay, số thí sinh của trường tham dự kỳ thi Tiểu học là 45. Trong số này có 38 đậu. Và như vậy tỉ lệ trúng tuyển là 85%
Niên khóa 1964-65
Ngày tựu trường : 3 tháng bảy 1964. Số học sinh lại tăng thêm nhiều.
Lớp nhất : 68 hs
Lớp nhì : 68 hs
Lớp ba      : 82 hs
…. … … …
Tháng bảy 1964, số học sinh của trường là 373 em
Tháng năm năm 1966, khi kết thúc niên học, sĩ số là 800 hs.
(Đang tìm lại phần tiếp …)
 
  Niên học 1967.
   (dựa theo báo cáo của trường vào năm 1967)
      Mô tả khung cảnh đổi thay của trường sau 5 năm hoạt động.
Dãy nhà chính sử dụng làm trường học là một ngôi nhà dài 45 m rộng 12 m, được chia ra thành 6 phòng : 5 phòng làm lớp và 1 phòng được dành làm phòng đọc sách và hội họp. Đối diện với trường là một dãy nhà tôn (tôle) . Đây là nơi cư ngụ tạm của các giáo viên trường vì lý do này nọ không thể về nhà và nhất là vì không đủ tiền để mướn nhà. Nhóm COMITA, tức nhóm các cựu học sinh của Taberd mà phần đông là bác sĩ, y tá và sinh viên ngàhy y, cũng mở tại trường một phòng khám bệnh và phát thuốc cho những người quanh vùng không phân biệt tín ngưỡng : quả là một việc làm thiết thực và đầy tình bác ái.
Liên quan đến việc học.
Hiện tại sĩ số học sinh của trường là 800 em cho cả hai buổi, sáng và chiều. Từ đầu tháng tám, khi tựu trường, chúng tôi có mở thêm một lớp đệ thất (lớp 6), tức lớp thứ nhất của cấp II. Tỉ lệ học sinh Công giáo chiếm khoảng 25%. Trường theo nguyên tắc không phân biệt đối xử nên dù rằng tất cả các học sinh đều học giáo lý mỗi ngày, song chúng tôi không hề thúc ép hay dụ dỗ các em thuộc tôn giáo khác phải vào đạo. Học giáo lý để biết, để thông cảm. Phần chúng tôi –mọi phụ huynh đều biết chúng tôi là tu sĩ Công giáo và chúng tôi không hề giấu giếm điều này – chúng tôi chỉ gieo. Những ai thích đón nhận thì tùy ý.
Đây là trường nghĩa thục nên tất cả các học sinh đều được dạy dỗ miễn phí. Đây cũng là một cố gắng vượt bực của tỉnh dòng La San nhất là khi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh khốc liệt và chưa thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm !
      Sinh hoạt học đường.
Nguyên tắc và phương pháp : Về tổ chức sinh hoạt học đường, nhà trường đã áp dụng phương pháp của Hướng Đạo. Tại trường cũng như ở trong gia đình, các trẻ là thành viên chủ động và có trách nhiệm trong việc huấn luyện của chúng. Các đội trưởng chịu trách nhiệm về các công tác và kỷ luật. Trật tự và vệ sinh được chúng đảm trách. Quả là phi thường và đầy an ủi khi ghi nhận được những gì chúng đã thực hiện. Tất nhiên phải với điều kiện là chúng ta phải tin tưởng chúng và biết cách khuyến khích cổ vũ chúng.
Các học sinh trường trong thực tế là hướng đạo sinh, tuy nhiên chính thức trường chỉ có một đội sói con và một đội lớn vì trường thiếu các trưởng để huấn luyện và hướng dẫn. 6 giáo viên của trường ghi tên theo khóa huấn luyện Hướng Đạo do cha Hòa tổ chức cho hướng đạo Công giáo Việt Nam. Trường hy vọng là trong tương lai gần sẽ có những trưởng đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của giới trẻ và của các bậc phụ huynh . Và chính lớp người này, khi thấy con cái họ chăm ngoan và biết giúp đỡ họ trong gia đình, lại càng yêu cầu thiết tha hơn …
Nhóm hướng đạo của trường tạo thành “ánh hào quang” cho trường vì rằng trong quận 8 này, khi có tổ chức lễ gì đó, người ta thường nhờ đến sự tiếp tay của chúng để đón tiếp các quan khách quan trọng. Chúng không nệ “cho đi” hết mình hoặc để đảm bảo trật tự, hoặc để thực hiện những công tác hữu ích mà dân chúng cần đến. Các bậc cha mẹ rất hãnh diện về con cái họ vì thấy sao chúng quá được quí mến và nể nang.
Về thể dục và thể thao thì nhà trường hãy còn e dè khi tổ chức, vì phương tiện và không gian quá khiêm nhường và chật hẹp. Lại nữa phần nhiều các trường trong vùng cũng cùng một tình trạng như vậy, thậm chí không có được một sân chơi dù “nhỏ như chiếc khăn mù soa” ! Dù sao chúng tôi sẽ phấn đấu trong chiều hướng này, và tận dụng tất cả những gì chúng tôi có trong tay.
      Nét đặc thù của trường và môi trường.
Những nét đặc thù của trường phát xuất từ môi trường và từ những nhu cầu của các học sinh. Trường tọa lạc giữa “đám dân nghèo” mà các gia đình thường đông con. Để có thể sinh sống được, các phụ huynh phải “đầu tắt mặt tối”, bị buộc phải vắng mặt cả ngày. Con cái họ, đứa lớn phải trông chừng em nhỏ, phải giữ nhà để cha mẹ chúng rãnh tay đi làm. Để các học sinh có thể cắp sách đến lớp được, nhà trường phải tổ chức học tập lần lượt theo hai ca và như vậy chúng sẽ thay phiên nhau đền để học tập cho nên người. Và chót hết, ai lại không thấy thương cảm cho các bé đến trường với đôi chân trần dính đầy bùn đất ?
      Những nhu cầu thiết yếu.
Hiện tại nhà trường cần cấp bách 40 000 $ mỗi tháng để trả lương căn bản vừa đủ cho các giáo viên. Mức lương do công tác giảng dạy nghiêm túc của họ xứng đáng hơn nhiều.
Hiện tại nhà nước cho nhà trường sử dụng 8 000 m2 nằm ngay bên cạnh trường. Chúng tôi dự tính sẽ xây dựng một ngôi trường trung học đệ nhất cấp (Cấp II), một trường kỹ thuật, một nguyện đường cho hơn hai ngàn giáo dân Công giáo và một sân thể thao.
Đấy là những dự án mà việc biến thành hiện thực lại hoàn toàn dựa vào lòng hảo tâm của những mạnh thường quân. Trong khi chờ đợi tương lai tươi sáng, bọn “nhóc tì” trường La San Chánh Hưng vẫn nhớ cầu nguyện Thiên Chúa ban trước nhiều ân huệ cho những ân nhân ấy gấp bội lần những gì họ sẽ rộng tay đóng góp !