Trường Kỹ thuật La San
25,Đại lộ Yersin - Đà Lạt

 

Lược sử trường Kỹ thuật La San

Tiền thân của trường là “Học xưởng thánh Nicolas” và danh xưng này trong thời gian đầu, tức trong thập niên 60 của tk 20, đôi khi được đề cập lại như danh xưng địa phương để nhớ đến Cha Fernand Parrel, người chủ trì ngôi trường và đồng thời cũng là cha sở giáo xứ “thánh Nicolas[1]” tại Đà Lạt.
Vị trí của ngôi trường :
Trường nằm trên đường Yersin, số 25, cùng phía và không xa nhà thờ thánh Nicolas mà nay đã trở thành nhà thờ chánh tòa Đà Lạt, thuộc khu vực trung tâm thành phố với các cơ quan hành chính của thành phố phần lớn đều tập trung trên con đường Yersin này.
Lúc trước, đây là khu đất gồm bất động sản của bà góa Perrin và xưởng sửa chữa xe hơi của ông Michaud, tất cả được địa phận Sài Gòn (Hội thừa sai) mua lại nhờ sự giúp đỡ tiền bạc của Đức cha Harnett, giám đốc của cơ quan cứu trợ công giáo Mỹ ở vùng Viễn Đông.
Nguồn gốc :
Ý tưởng xây dựng trường đã được sư huynh giám tỉnh Cyprien Gẫm nghĩ tới khi ngài trở về từ Tổng công hội 1956 được tổ chức tại Rô-ma. Tuy nhiên trường La San Kỹ thuật chỉ được thành hình dưới thời sư huynh giám tỉnh mới Bernard Bường vào năm 1960.
Các tháng bảy-tám-chín năm 1960 : 3 tháng chuẩn bị, sắp xếp nhà cửa, phòng học cơ xưởng và lắp đặt máy móc, dưới sự chỉ đạo của sư huynh Guillaume Khai. Cũng có nhiều sư huynh và ân nhân khác góp công góp của, phụ một tay vào việc hình thành của trường. Trong số này cũng cần nhắc đến sự giúp đỡ của các sư huynh trẻ thuộc học viện La San vừa được chuyển từ Nha Trang lên. Họ sơn phết và trang hoàng dùm nhà cửa.
Những sự kiện trong nửa cuối năm 1960
Ngày 16 tháng bảy năm 1960, nhân vật thứ hai của cộng đoàn, sư huynh Christophe, đã từ trường La San Qui Nhơn lên. Sư huynh chậm chân hơn sư huynh tiền trạm Guillaume vì còn phải hoàn tất công tác sửa chữa và đặt hàng rào cho trường cũ !
Ngày 3 tháng tám năm 1960, lễ tựu chức của sư huynh Hiệu trưởng (và cũng là huynh trưởng cộng đoàn) Alexandre Lê Văn Ánh, Kỹ sư ECAM, Lyon, Pháp và tốt nghiệp Trường xã hội công nghiệp của Phân khoa Công giáo Lyon.
Ngày 4 tháng 8, năm 1960 : Thánh lễ và làm phép nhà dưới sự chủ trì của chính mục Parrel.
Ngày 1 tháng 9 năm 1960 : Trường mở cửa để đón nhận các ứng sinh dự thi nhập học theo thông lệ. Hơn 200 đơn xin được gởi tới không những từ Đà Lạt mà còn từ Cầu Đất, Nha Trang, Pleiku, Quảng Trị và … cả Sài Gòn.
Ngày 02/09/1960 : Trường khai giảng chính thức
Ngày 04/09/1960 : Cha Parrel, sáng lập viên của Học xưởng thánh Nicolas và được kể là người khởi xưởng sự chuyển mình của học xưởng, đã tổ chức một buổi chiêu đãi để mừng trường mới.
Ngày 12/09/1960 : Chiêu đãi của sư huynh giám tỉng Bernard Bường.
Ngày 11/10/1960 : Trường đón tiếp cuộc thăm viếng chính thức của ông thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức.
Ngày 06/12/1960 : lễ thánh Nicolas, thánh bổn mạng của giáo xứ và của trường : một cuộc triển lãm của nhà trường được diễn ra dưới sự chủ toạ của sư huynh Giám tỉnh.
Ngày 11/12/1960 : Cuộc thăm viếng chính thức trường và cộng đoàn La San của sư huynh giám tỉnh.
Mục đích của trường Kỹ thuật :
Chuẩn bị các hoc sinh cho cuộc sống tương lai của các em, trong môi trường của chính các em, bằng cách cung cấp cho các em :
Một nền giáo dục Ki-tô và nhân bản.
Một sự huấn luyện kỹ thuật tương ứng với các nhu cầu của đất nước : Một người thợ đa năng.
Một lương tâm nghề nghiệp và niềm đam mê công việc tay chân.
Các ngành nghề đào tạo được tổ chức :
Khóa gỗ. (18 hs)
Khóa sắt: Ajustage (8) – Chaudronnerie (6) – Forge (5) – Soudure (6) : Etain, autogène, electrique.
Trường vào buổi đầu, gồm 43 học sinh chia ra :
Nội trú : 25 học sinh gồm 10 học sinh dân tộc – 13 kinh – 2 Pháp
Ngoại trú : 18 học sinh
Số học sinh được miễn phí : 12 học sinh nội trú gồm 10 hs dân tộc – 2 hs kinh
03 học sinh ngoại trú
(Đây là sơ lược bản tường trình được viết xong ngày 11/12/1960)
Cũng trong tháng 12, nhân dịp đức cha Harnett có chuyến công tác tại Đà Lạt, nên nhà đã trường mời ngài làm lễ khai giảng chính thức trường Kỹ thuật La San. Nên nhớ ngài là vị ân nhân chính yếu vì đã giúp tài chính cho giáo phận Sài Gòn sở đắc được mảnh đất trên đó trường ốc được xây dựng.
Năm 1961
15/05/1961 : có thay đổi trong ban lãnh đạo trường : Sư huynh cựu giám tỉnh Cyprien Gẫm đến nắm chức vụ huynh trưởng cộng đoàn, thay cho sư huynh Alexandre Ánh, người vừa bị hạn chế bởi lệnh tổng động viên, buộc phải để dành một phần thời gian lo dạy học tại trường võ bị và đồng thời cùng với sh Guillaume bảo đảm bước tiến của các nghành nghề kỹ thuật của trường.
06/06/1961 : Khai giảng niên học mới 61-62 cho các học sinh thuộc hai niên khóa. Vì bị ngăn cản do lệnh tổng động viên, 2 sư huynh Alexandre Ánh và Guillaume Khai, giờ chỉ còn lo cho trường được bán thời gian nên sư huynh giám tỉnh Bernard đành ra lệnh bải bỏ ban nội trú của trường[2]. Nhưng do phản ứng của phụ huynh thiết tha với trường và nhu cầu chỗ ăn ở cho học sinh nên trường phải mở lại ban nội trú : khi bải bỏ ban nội trú, sĩ số học sinh toàn trường xuống chỉ còn vỏn vẹn 14 nhưng khi tái lập ban nội trú, sĩ số lại vươn lên đến con số 47 (trong đó có 4 hs dân tộc) ! Sh Hiệu trưởng Cyprien[3] phải nhờ đến sự tiếp tay của một cựu tu sĩ dòng Thánh Giuse (nay là Ngôi Lời) là ông Phan Thanh Tâm trong việc giám thị học sinh. Ngoài 2 ban Mộc và nguội, có có bốn (4) chuyên ngành được mở thêm : Ô-tô (xe hơi), điện, vẽ công nghiệp và “tours à métaux”. Các thày bên ngoài đến dạy là : ông Phan Tấn Chiến(ban sửa chữa xe hơi), ông Bùi Quang Lâu (một cựu đốc công lo bên nguội), ông Nguyễn Thành (mộc) và ông Nguyễn Việt Cường.
Vào lúc này, nhà trường có ba thày đốc công tạm trú tại trường : hai thầy cùng với gia đình mình trú ngụ trong trường nhưng không sử dụng bếp trường, còn thầy thứ ba thì ăn chung với học sinh. Ngoài số nội trú là học sinh và người của trường còn phải kể đến hai học sinh được đặc cách làm trú sinh : đó là Lê văn Cần, học sinh trường Yersin và Hiệp, học sinh Adran. Cả hai đều trong quá trình dọn thi Tú tài tài II ban toán (Pháp). Trong thời gian này, thành viên của cộng đoàn là 4 sh, kể luôn 2 sh miễn cưỡng phải thi hành nghĩa vụ[4]. Mỗi sh phải làm việc quá tải. Ngay huynh trưởng cũng phải dạy thêm tại trường Adran 16g00 trong các lớp từ 4è đến terminale (tương đương lớp 12)
Để cho nhà cửa thêm phần khởi sắc, nên nhà trường có mời thêm một người thợ trồng hoa (ông Hai). Người này là người thứ năm sau khi bốn thợ khác đã thử việc trong khoảng một tháng và đã thất bại ! Hiện tại (1961), trường có thêm một nghệ nhân trẻ (Quang ở Bình Định) trồng hoa rất khá và được hưởng mức lương cũn khá hậu hĩnh.
Tinh thần học sinh càng lúc càng được nâng cao. Dù chúng xuất thân từ các gia đình và các môi trường khác nhau, dù là nội trú hay ngoại trú, nhưng chúng đều lộ ra cho thấy một sự liên kết chặt chẽ và sự thông cảm rất lớn. Học sinh năm thứ nhất phải tuần tự đi qua 6 ngành học mỗi sáu (6) tuần lễ. Qua năm thứ hai, các học sinh chỉ còn học chuyên một hay hai ngành tùy theo khả năng và năng khiếu cá nhân kết hợp với quyết định của các sư huynh chịu trách nhiệm hướng dẫn.
Trong sinh hoạt trường trại, để giúp học sinh làm quen với kỷ luật, bảo đảm thực hiện tốt công việc, thúc đẩy sáng kiến, ý thức cao về trách nhiệm, các học sinh được tập hợp theo hàng ngũ thành “Hiệu đoàn Kỹ thuật La San” với sh cố vấn tối cao là sh Alexandre Ánh, một hiệu đoàn trưởng (là tổng thanh tra) và hai (2) học sinh phó hiệu đoàn. Hiệu đoàn gồm 5 đội mang tên một vị anh hùng dân tộc. Mỗi đội gồm khoảng 12 đội viên và công tác chính yếu là công việc làm của mỗi một ngành học. Đội trưởng thường là một học sinh năm thứ hai vì đã quen việc. Chính đội sẽ bảo đảm mọi chuyện : công tác vệ sinh sau buổi tập huấn, thứ tự, kỷ luật, săn sóc ý tế, văn nghệ, thể thao, cắm trại …
16/09/61 : lễ bổn mạng của sư huynh hiệu trưởng Cyprien và cũng là ngày khánh thành một cơ xưởng mới 12m x 35m. Đây là cơ xưởng tạm thời nhưng không thể thiếu vì xưởng cũ quá bé trước số lượng học sinh tăng cao. Người góp công nhiều trong việc thực hiện xưởng này là sư huynh Guillaume (trung úy giáo sư !) đã biết kết hợp ảnh hưởng[5] mình có để làm lợi cho công cuộc giáo dục La San … và từ đó, có thể khẳng định là cho giới trẻ VN, cho đất nước VN.
11/11/1961 : khánh thành một sân chơi bóng rỗ. Cũng nhờ công trạng lớn của 2 sh trẻ Alexandre và Guillaume.
Trường cũng hân hạnh đón tiếp nhiều khách VIP cả đời lẫn đạo đến thăm viếng hay tham quan. Ngày 29/07/61, phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ[6] đến thăm viếng trường khoảng một giờ rưỡi. Thừa dịp trao đổi câu chuyện, các học sinh đạo đạt ý kiến lên xin can thiệp để 2 sh Ánh và Khai được giải ngũ nhưng vị khách quí trả lời khuyên các học sinh nên chấp nhận hy sinh vì nhu cầu cấp thiết của quốc gia, lại nữa ông cho rằng sh giám tỉnh cũng sẽ tìm ra được các sh khác đủ tài năng để đáp ứng nhu cầu của trường mà ! Thế là hết chuyện nói !
Ông Nguyễn Được, giám đốc ngành kỹ thuật của Bộ quốc gia giáo dục, cũng đến viếng trường vào ngày 12/12/61. Ông rất vui vì trường đã thực hiện đúng theo những gì bộ ngành đã dự định, đúng cả đến từng chi tiết !
Những cuộc viếng thăm.
Rất nhiều cuộc viếng thăm của các nhân vật có ít nhiều cảm tình với công tác vì giới trẻ của La San. 29/07/1961 : Trong số khách đến thăm, có lẽ cần nhắc đến phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, người đang có gởi con đến học tại trường La San Adran Đà Lạt. Ông đi đến từng lớp, từng xưởng … trong gần một tiếng rưởi, để quan sát và thăm hỏi.
29/11/61 : viếng thăm chính thức của sh giám tỉnh
12/12/1961 : Ông Nguyễn Được, giám đốc kỹ thuật của bộ giáo dục đến để “chứng minh” trường Kỹ thuật La San đã thực hiện được “trong từng chi tiết”, những dự định của bộ về ngành Kỹ thuật
Niên khoá 1962-1963
Niên học 61-62 kết thúc vào cuối tháng ba. Trong giai đoạn này, ngành giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa quan tâm đến việc sắp xếp chương trình học hành thi cử của học sinh sao cho phù hợp với thời tiết miền Nam. Ví dụ “nghỉ hè” hợp với thời kỳ nóng nhất – tháng 3, tháng 4, tháng 5 – tức mùa xuân của các xứ ôn đới …
Niên học 62-63 khởi đầu lại vào ngày 11/06/1962. có vài thay đổi và tăng cường nhân sự trong ban giảng huấn. Sư huynh Corentin Lộc từ Taberd và sư huynh Đạt Thanh từ Ban mê Thuột đã đến với La San Kỹ thuật, nhưng sư huynh trẻ Đạt Thanh này chỉ trụ lại được 2 tháng : ngày 24 tháng tám, sh chuyển sang học viện La San, số 6 Trần Hưng Đạo cùng với sư huynh Agathon đã sang trước đó ít lâu. Về phía giáo viên, có giảm một thầy giám thị và hai đốc công. Tuy nhiên vì hai sh tại ngũ quá bận việc bên trường Võ bị nên trường buộc lòng tăng cường thêm thầy Nicolas, một chuyên viên kỹ thuật được Đà Lạt biết đến nhiều đến thay thế cho 2 sh trong một số bộ môn.
Chuyện học hành.
Với việc gia tăng sĩ số học sinh và sau nhiều mò mẫm của thuở ban đầu, chuyện cải tổ chương trình học tỏ ra rất cần thiết để đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh và thích nghi tốt hơn với chương trình học nhà nước. Ngành học hoàn toàn nghiêng về thủ công được tạm thời giữ lại với số học sinh cũ đã theo học nhưng trình độ tri thức chưa đạt, không đủ sức thích nghi với chương trình mới. Các học sinh khác, mới hoặc cũ, sau kỳ thi xếp lớp, được phân bố vào hai lớp đệ thất và đệ lục (tức lớp 6 và lớp 7 theo cách sắp xếp từ cuối tk 20). Tổng số học sinh là 92 em.
Đời sống nội trú cũng được cải thiện tốt hơn. Một vài sửa sang may mắn đã biến đổi phòng ốc của khu nội trú thêm thoáng mát, sạch sẽ hơn và vì thế, thêm tươi tắn và sáng sủa hơn. Dãy nhà chơi có mái che nằm dọc theo sân bóng rỗ giúp chỗ trú chân cho học sinh trong những ngày mưa hay trong những ngày nắng gắt.
Những nhân vật thế giá viếng thăm trường.
Trong kỳ nghỉ tránh nóng dài hạn (tạm gọi là nghỉ hè), trường đã hân hạnh đó tiếp sư huynh Tổng quyền Nicet Joseph và sư huynh Phụ quyền Lawrence O’Tool, đang viếng thăm chính thức Tỉnh dòng La san Việt Nam. Cũng dịp này, 2 sư huynh Cyprien và Christophe của trường được tham gia cuộc tĩnh tâm hằng năm được tổ chức tại trường Adran từ ngày 14 đến 22 tháng tư 1962. Các sư huynh còn lại, vì công tác đặc biệt, nên tĩnh tâm chung tại dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt.
Cũng thời gian này, Đức cha Dossing thuộc Giám mục đoàn Đức, phụ trách cơ quan MISEREOR đến thăm và thẩm tra những nhu cầu cụ thể của trường dựa trên đơn xin giúp đỡ để mở rộng trường ốc. Đức cha tỏ rõ nhiều thiện cảm và hứa sẽ bênh vực hết sức mình chương trình cơi nới của trường trước hội đồng các giám mục Đức. Cuộc thăm viếng có ngay hiệu quả sau đó : khoảng trung tuần tháng 11, đơn xin tài trợ được chấp thuận, đức cha Dossing đích thân loan báo cho trường và thân mời sư huynh hiệu trưởng bay qua Aix-la-Chapelle để điền đầy đủ các giấy tờ và hoàn tất các thủ tục cần thiết để nhận lãnh sự trợ giúp.
Ngày 02/10/1962 cũng quả là một kỷ niệm khó quên trong lịch sử trường : cuộc viếng thăm của tổng thống Ngô Đình Diệm với sự tháp tùng của các ông thị trưởng Đà Lạt, ông kỹ sư trưởng và nhiều vị khách khác … . Tổng thống đi viếng từng ban, từng cụm học sinh đang thực tập, không ngừng hỏi han về việc làm của các em. Và để chứng tỏ sự hài lòng của tổng thống, ngài rút túi ra tặng cho trừơng năm nghìn đồng (5 000 $) và ký tên vào sổ vàng của trường. Nhưng điều làm các sư huynh bở ngở vì kinh ngạc quá mức, đó là tổng thống bất ngờ trao tặng hai lô đất (lô 3 và 4 trong bản đồ địa chính thành phố Đà Lạt) nằm liền với phần đất trường để nới rộng trường.
Cùng với cảm tình của nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội, đã đến với chúng tôi rất nhiều “tặng phẩm” đáng kể xuất xứ từ những tổ chức tư nhân hay công cộng. Trong số này cũng nên kể đến 8 bộ máy giá khoảng 18 000 usd[7] do ông giám đốc Howard Thomas, đại diện của “Asia Foundation”, trao tặng.
Ty xã hội Ban Mê Thuột cho rằng trường La San Kỹ thuật này cũng tạo nên lợi ích công cộng (trường có nuôi dưỡng và dạy dỗ các học sinh dân tộc) nên cũng đã hỗ trợ hàng năm một số tiền là 60 000$. Ông Duchesne, đại diện “Tổ chức cứu trợ Mỹ” tại Việt Nam cũng đã giúp đỡ thực phẩm hay cho mượn xe cộ để chuyên chở…
Nhờ những sự giúp đỡ này mà nhà trường đạt gần được sự cân bằng trong thu chi và tránh được tình trạng ngân quỹ trống rỗng vào cuối tháng!
Ngoài những nhận định khá lạc quan về tình trạng về vật chất, chúng ta nên chăng thêm vào những nhận xét thiên về tinh thần hơn ? Quả thật, tinh thần học sinh tiến bộ nhiều về hướng tích cực. Kỹ luật, công tác và lòng đạo đức được coi trọng. Các cha dòng Tên đến dâng thánh lễ cho các học sinh nội trú hai ngày mỗi tuần tại nhà nguyện của trường. Cha xứ của giáo họ thánh Nicolas[8] đến giải tội cho các học sinh vào mỗi ngày thứ tư của tuần thứ nhất và tuần thứ ba trong tháng. Cũng vậy, mỗi tháng đều có cha đến dâng thánh lễ tại trường và tất cả các học sinh đều tham dự đông đủ.
Cuối cùng,ngoài những phấn khởi đã nếu trên, trường cũng ghi nhận một nỗi buồn khôn tả : Bạn trẻ Lê Hữu Hoàng, học sinh lớp đệ ngũ bị cơn đau màng óc hành hạ và sau hai ngày các bác sĩ tận tình chạy chữa, đã ra đi về nhà Cha trên trời. Xin Chúa thương ! R.I.P.
        Năm 1963
Vào ngày cuối kỳ tĩnh tâm năm 25/04/1963, những thay đổi nhân sự trong các cộng đoàn của tỉnh dòng La San Việt Nam được thông báo chính thức. Kỹ thuật La San Đà Lạt cũng chịu chug “số phận”. Sh Agathon Minh đổi về Taberd Sài Gòn, sh Christophe Lộc đến nơi nào đó mà hiện thời chưa được quyết chắc[9]. Để thế vào chỗ trống họ để lại là hai sư huynh trẻ đến từ học viện : sh Dosithée Tuân[10] và Ephrem Dương. Ngoài ra cộng đoàn được tăng thêm một sh đến từ Taberd. Đó là sh Constance Lộc. Sh đảm trách chức vụ giám học và giảng dạy vài giờ toán tại lớp đệ tứ. Sh còn cáng đáng thêm 10g00 “cua” tại học viện La San số 6 Trần Hưng Đạo.
Sĩ số tu sĩ có gia tăng nhưng việc giảng dạy trong trường vẫn cần thêm nhiều giáo viên. Có nhiều lý do để giải thích. Trước tiên hai sh trẻ hãy còn mới trong công việc, không thể cáng đáng hoàn hảo các công tác nghề nghiệp theo như họ mong ước. Hai sh trong quân ngũ còn ít thì giờ để phục vụ công tác giảng dạy tại trường. Sh Constance và huynh trưởng Cyprien, ngoài những giờ dạy tại trường Kỹ Thuật, cũng buộc chia cắt bớt giờ giấc của mình, sh thứ nhất, cho học viện, sh thứ hai, cho trường Adran. Do vậy, ban lãnh đạo trường thấy cần phải nhờ thêm đến sự giúp tay của 3 giáo viên bên ngoài là các thầy Sinh, Phương và Giao.
Việc học hành. Mặc dù có sự chọn lọc và phân chia theo từng khóa học khác nhau, toàn bộ các học sinh trong từng lớp cho cảm giác là không đạt được sự đồng đều và thuần nhất như mong mỏi. Tuy nhiên người ta cũng có thể nói là lực học đã rõ ràng được cải thiện nhiều hơn so với niên học rồi. Tất cả đều nhờ vào sự tận tâm của các thầy cũng như sự quyết tâm của họ áp dụng trung thực chương trình học đã được đề ra.
Sĩ số học sinh toàn trường là 105 em và được phân chia ra như sau :
Đệ tứ : 20 hs
Đệ ngũ : 29 hs
Đệ lục : 24
Đệ thất : 27
Và 5 trẻ học việc (apprentis)
Các phân ban được giao cho các sh đảm nhiệm là :
Sh Alexandre Ánh lo ban cơ khí tổng quát. Sh Corentin và Constance lo ban điện và vô tuyến điện (radio). Sh Dosithée ban nguội (sắt). Sh Ephrem ban mộc. Sh Guillaume ban ô tô.
Việc học cũng như giờ xuống xưởng bị xáo trộn đôi phần do công tác xây cất để nới rộng trường ốc. Vì thiếu phòng học, nên phải tìm cách vá víu dựng nên những căn phòng tạm che mưa nắng cho học sinh ngồi học. Phân ban ô tô phải di chuyển sang nhà ông Nicolas mới đủ chỗ thực hành. Các học sinh nội trú cùng hai sh Constance và Corentin phải dắt díu nhau đi ngũ tại các nhà chung quanh với giá trọ là 40 000$/năm ! Vấn đề ăn uống cho các hs nội trú phải giao đứt cho gia đình thầy đốc công Lâu lo giúp. Và vì vậy mà mọi người có vẻ hài lòng !
Quốc khánh : đây là lần đầu tiên học sinh La San Kỹ thuật tham gia cuộc diễn hành của các trường trong thành phố Đà Lạt nhân dịp lễ quốc khánh 26/10/63. Trang phục rất nổi : áo thun trắng, quần dài xanh đậm, vớ và giày trắng, mũ cát két xanh lơ. Được 2 hạ sĩ quan[11] tập luyện kỹ nên các hs trường diễn hành rất đều bước và đẹp mắt và được công chúng vỗ tay hoan nghênh, nhiệt liệt tán thưởng.
Công tác xã hội. Đêm áp lễ Giáng Sinh, hôn 80 gia đình nghèo quanh vùng được mời đến để nhận lãnh quà Noešl gồm quần áo, sữa, bột và bánh mì. Các quà này là của cơ quan cứu trợ Mỹ và nhờ học sinh nhà trường chuyển giao. Các học sinh này phải hy sinh ngày giờ giải trí của riêng mình để đích thân thường xuyên đến từng gia đình hầu nắm bắt được các nhu cầu của họ.
Các sự kiện nổi bật. Hồi đầu năm, huynh trưởng cộng đoàn với sự chấp thuận của các bề trên thượng cấp, đã làm một chuyến du hành sang Đức. Những cuộc gặp gỡ với cơ quan MISEREOR diễn ra tại Aachen và kết thúc bằng việc ký kết những thỏa ước. Không phải chờ đợi lâu kết quả của công việc này ! Vào tháng sáu, những nhát cuốc đầu tiên đã bổ xuống trên phần đất của nhà trường : ngôi trường mới đã bắt đầu hình thành trong dạng tối sơ !… Nhiều phòng lớp của khu nhà cũ bị đập phá, nhà chơi có mái che được cải biến thành 3 phòng học. Rồi chẳng bao lâu, hàng nhiều chục thợ thuyền từ Sài Gòn “được đổ” xuống. Vật liệu xây dựng đủ loại như sắt, gỗ, gạch. cát , đá … được “tập kết” đầy sân trường. Một công trường lớn thành hình. Suốt ngày, tiếng động ồn ào, bụi cát bay mù trời trong một không gian tương đối hạn hẹp là ngôi trường ọp ẹp ! Sân chơi của các học sinh lần hồi bị thu hẹp lại … nhưng tất cả đều thấy hài lòng với hy vọng là sẽ chẳng bao lâu thấy xuất hiện một ngôi trường mới, đẹp hơn, thích hợp hơn những khu nhà xưởng xiêu vẹo…
Chưa đầy 6 tháng sau, ngày 27 tháng chạp, tất cả các học sinh có thể dọn đến học trong những lớp mới tinh khôi ở lầu một : phòng ốc rộng rãi, thoáng khí và có những đường nét tân kỳ. Trước đó hai ngày, vào dịp lễ Giáng Sinh, phòng khánh tiết “mênh mong” với nước sơn còn trinh nguyên và một máng cỏ được trang trí đơn sơ theo phong cách mỹ thuật thánh, đã rộng tay đón chào các học sinh và một số gia đình thân hữu đế dự thánh lễ mừng Ngôi Hai giáng trần !
Lễ ban phép thánh tẩy cho Kamin. Áp lễ Đức Mẹ lên Trời (14/08), linh mục Daricot, cha sở giáo xứ M’Lon đã đến để ban phép thánh tẩy cho Kamin, một trong các học sinh dân tộc của trường. Đó là một học sinh gương mẫu theo học từ hai năm nay và được hoàn toàn miễn phí. Em rất chăm học và hơn nữa, em cho thấy có nhiều triển vọng về tri thức, nhiều khả năng học tập. Việc em gia nhập đạo đã làm nức lòng các bạn bè là những kẻ đã từng yêu mến và kính trọng em vì tánh tình hiền hòa và chuyên cần của em. Đây là lần đầu một học sinh trường đón nhận bí tích thánh tẩy, là hoa trái thứ nhất của trường dâng lên Thiên Chúa.
Ngân sách của trường. Với trú phí và học phí do các học sinh đóng góp, trường có thể thanh toán chí phí hằng ngày của trường. Song khả năng sử dụng quỹ dự trữ để đáp ứng những nhu cầu hay sửa chữa trung bình mà thôi thì rõ ràng nó hãy còn nhiều bất cập.
Năm nay, sự giúp đỡ của cơ quan “Misereor” quả là một may mắn, một món quà của Chúa quan phòng, một nụ cười của “Ơn Trên” dành cho trường Kỹ Thuật. Cơ quan bác ái này chấp thuận một “hỗ trợ có điều kiện” để cơi nới phòng ốc và mua sắm các máy móc mới thích hợp :
a) Để xây cất (cơi nới cơ sở) trường : 225 000 DM . Số tiền gồm 2 khoản
1. đến từ Ủy ban giám mục Đức : 245 000 DM
2. đến từ ủy ban trung ương của cơ quan : 10 000 DM
b) Để mua sắm máy móc : 112 000 DM . Số tiền này đến từ Ủy ban trung ương chuyên giúp đỡ phát triển.
c) Để trả lương bổng cho 2 chuyên viên Đức trong vòng 5 năm với số tiền là 150 000 DM. Số tiền này cũng đến từ Ủy ban trung ương.
Điều kiện bắt buộc : để đáp đền lại sự giúp đỡ này, các sh sẽ hoàn trả lại trong 5 năm, mỗi năm một lần (10 000 DM) tổng số tiền là 50 000 DM. Và số tiền này được trả cho đối tượng mà Ủy ban giám mục Đức “Misereor” sẽ chỉ định.
Năm 1964
Nhân sự trong cộng đoàn La San Kỹ Thuật Đà Lạt. 2 sh trẻ Dosithée Tuân và Ephrem Dương được đổi đi trước và sau đó, sau kỳ tĩnh tâm năm, 3 sh nữa tiếp tục lên đường : sh Alexandre Minh về Nha Trang, sh Guillaume Gẫm xuống Qui Nhơn và sh Constance Lộc trở lại Sài Gòn. Để lấp chỗ trống cho những sh được đổi đi, sh Herman Hòa từ Nha Trang lên thay sh Alexandre và giữ chức chính thức của trường Kỹ Thuật. Sh Sylvain Quí và sh trẻ Constantin Khanh vừa từ học viện ra được chỉ định thay thế cho hai sh Guillaume và Constance.
Nhân sự trong ban giảng huấn bên đời cũng có thay đổi. Ngày 11/03/1964, hai chuyên viên người Đức được biệt phái đến tăng cường cho ban giảng huấn : ông Paul Liénert sẽ chỉ huy ban lắp máy và ông Berhnart Sommer chỉ huy ban mộc.
Motte Mathias, một học sinh xuất sắc của trường, được giữ lại làm giảng viên ban ô tô và được sh Sylvain cùng ông Nicolas hỗ trợ.
Sĩ số học sinh. Vào ngày tựu trường, 22/06/64, số học sinh của trường tăng thêm khoảng 1/3. Ngay ngày đầu khai giảng, người ta đếm được 140 hs. Số này được phân chia cho 3 lớp như sau :
Đệ tứ : 40 hs
Đệ ngũ : 58 hs
Đệ lục : 62 hs
Sự gia tăng này có vẻ như là do nhiều nguyên nhân :
. Do kết quả tốt trong kỳ thi cuối niên khóa rồi.
. Do điều kiện làm việc và học tập dành cho học sinh được cải thiện khá tốt.
. Do trang thiết bị mới nhập khá đầy đủ và hiện đại.
. Do sự hiện diện của 2 chuyên viên người Đức.
Học tập. Chương trình học không thay đổi gì nhiều. Để tiết kiệm thời gian và giáo viên, và cũng thể theo lời khuyên có chất lượng của ông Được, giám đốc ngành giáo dục kỹ thuật toàn quốc, ban lãnh đạo trường quyết định xóa bỏ lớp đệ thất, tức là không nhận học sinh mơi vào lớp này.
Kết quả cuối năm : 14 học sinh lớp đệ tứ dự thi và cả 14 hs này đều đậu bằng trung học đệ nhất cấp kỹ thuật với 1 bình và 4 bình thứ.
Hoạt động hậu học đường. Một đoàn hướng đạo trẻ được thành lập dưới sự chỉ huy của sh Rémi (trường Adrean) và bạn trẻ tên công, học sinh lớp đệ ngũ. Ngoài ra các bạn trẻ tự nguyện còn đứng ra lập thành hóm để sử chữa nhà cửa cho các gia đình nghèo quanh vùng. Tuy nhiên vì lý do những biến động chính trị cũng như những xung đột tôn giáo, hậu quả của những tham vọng chính trị, nên trường tạm thời buộc lòng ngưng các hoạt động xã hội hữu ích trên đây.
Sự kiện quan trọng. Dù chúng tôi không hề mạo hiểm bước vào lãnh vực hoạt động chính trị nhưng rõ ràng các biến động trên chính trường trong năm qua không thể không ảnh hưởng mạnh đến đời sống học đường. Trong những tháng đầu niên khóa này, nhiều cuộc biểu tình[12] của sinh viên học sinh diễn ra khắp nơi. Đến ngày 07/06, có cuộc tụ họp và biểu tình của giới Công giáo để bày tỏ sự không đồng tình về những khuynh loát và những bất an chính trị. 23/06, viên đại sứ Hoa Kỳ đen đối với Việt Nam phải xin từ chức. 16/08, đại tướng Nguyễn Khánh được bầu là chủ tịch[13] hội đồng Cách Mạng lâm thời. 24/08, những vụ lộn xộn đáng tiếc xảy ra tại Đà Nẳng và tạo ra cuộc đối đầu giữa nhóm Công giáo với những người biểu tình. Nhiều nạn nhân tử vong. 27/11, thiết quân lệnh được ban hành tại Sài Gòn và Gia Định. Các trường học tại những nơi này đều đóng cửa. Tình hình tại các tỉnh thành khác, như tại Đà Lạt chẳng hạn, không có chuyện gì bất thường xảy ra. Mọi sự đều hoạt động như bình thường.
Những cuộc thăm viếng. 24/03, Bộ trưởng bộ xã hội, ông Thuần, cùng những đại diện của ty xã hội đến thăm trường. 24/05, thiếu tướng Đỗ Mậu, Phó chủ tịch hội đồng cách mạng và là cha của một cựu học sinh La San Nha Trang, cũng đến viếng trường.
Ngày 07/10, sư huynh Tổng phụ quyền Lawrence O’Tool trong tình thân ái cũng thực hiện chuyến viếng thăm trường. 11/10, sh cũng trở lại để chủ trì nghi thức khánh thành ngôi trường mới được sửa sang lại gần như toàn bộ. Rất đông những ân nhân, những bạn bè và thân hữu của trường đều hiện diện. Nên kể chăng những quan khách “tai to mặt lớn” hiện diện tại buổi lễ như ông tỉnh trưởng, các giám đốc của những cơ quan Asia Foundation, CRS, CARE, USOM, các nhân sĩ cả Việt Nam lẫn Pháp, cả bên đạo lẫn bên đời …
Ngày 18/10, sh Tổng phụ quyền lên phi cơ tại Tân Sơn Nhất và có lẽ “từ giả VN luôn” vì hình như ngài không có ý định tham gia ủy ban trung ương Dòng sau kỳ Tổng công hội sắp tới. Ngài đã nói lời tha thiết từ biệt với các sh VN mà ngài rất yêu mến !
Hoàn thành công cuộc xây dựng trường. Cuộc xây dựng hoàn tất và bộ mặt trường trở nên xinh xắn và hiếu khách hơn. Đường nét tân kỳ nhưng đơn sơ, kiến trúc thanh thoát, các khu nhà và phòng ốc sắp xếp rất hài hòa, đó là những nét chính đặc sắc của ngôi trường La San Kỹ Thuật mới.
Ngân sách. Ngân sách của trường vẫn bấp bênh khi nào mà nguồn thu của trường vẫn kém cỏi hay không đều đặn, bất bình thường. Đây là điểm yếu của ban điều hành tuy nhiên vì tương lai của công cuộc, của trường, cộng đoàn các sh vẫn tin tưởng vào lòng yêu thương của Chúa Quan Phòng và vào sự khôn ngoan cũng như sự tiên liệu của các bề trên trong Dòng.
Năm 1965
Nhân sự của cộng đoàn LSKT. Sau kỳ tĩnh tâm năm từ 07 đến 15/05, các sh Constantin và Sylvain khăn gói lên đường, sh thứ nhất ra Huế (Phú Vang), sh thứ hai xuống Sóc Trăng (La San Khánh Hưng). 2 sh khác là sh Hubert Hoà của La San Qui Nhơn và sh Michel của Phú Vang đến thay thế 2 sh đã rời đi.
Ban giảng huấn bên đời. Hai giáo viên mới vừa từ trường sư phạm ra, các thầy Vinh và Phan được mời cộng tác để giảng dạy môn văn, toán và lý hóa trong các lớp đệ lục và đệ ngũ. Ông Phạm văn Vạng, cựu học sinh Cao Thắng và cựu thợ máy, đến thay thế anh Motte Mathias trong ban ô tô. Thầy Giao cũng từ chức trưởng ban ban điện. Ngoài ra, không có thay đổi nào khác trong ban giảng huấn.
Sĩ số học sinh. Trường được khai giảng sau khi tiến hành hai kỳ thi, kỳ thi thứ nhất được tổ chức hồi đầu hè để tuyển chọn học sinh mới và kỳ thi thứ hai được tổ chức vào ngày chót hè, áp ngày tựu trường, dành cho các hs cũ của trường và một vài “học sinh cá biệt” mới.
Để giảm tải cho lớp đệ ngũ CN và đồng thời cũng với ý định giúp các hs giỏi có thể cải thiện khả năng trong học tập tương lai, một lớp đệ ngũ chuyên toán được mở thêm và sau một tháng hoạt động, lớp đếm được 40 hs.
Vào tháng bảy, sau một tháng hoạt động, sĩ số toàn trường là 190 hs và được phân chia ra như sau :
- Đệ lục : 58 hs
- Đệ ngũ Toán : 40 hs
- Đệ ngũ CN : 53 hs
- Đệ tứ : 30 hs
- Thợ học việc (apprentis) : 12
Học tập. Chương trình không có thay đổi gì quan trọng trừ ra việc các học sinh lớp đệ lục chưa được phép xuống xưởng. Việc thực hành chỉ khởi sự khi theo học lớp đệ ngũ.
Lại nữa, để được nhận vào các ban ô tô, ban điện và ban “nguội”(tours mécaniques ?), các hs phải học qua một trong các ban khác như ban lò đúc (forge ?), ban hàn xì, ban lắp ráp máy (ajustage ?) hay ban mộc.
Để thỏa mãn những yêu cầu liên tục của các ân nhân Đức, trường đã thực hiện nhiều thay đổi giờ giấc của việc thực hành tại xưởng bắt đầu từ tháng 10 sau kỳ nghỉ :
- Mỗi chiều từ 14g30 đến 17g30 :
* Xuống xưởng cho các lớp đệ ngũ CN và đệ tứ CN, cộng thêm các thợ học việc.
- Buổi sáng từ 08g 30 đến 11g30 :
* Thứ ba, thứ tư và thứ năm : giờ xưởng cho các lớp đệ ngũ toán
* Thứ bảy : giờ xưởng cho các lớp đệ ngũ CN và đệ tứ CN
Các kỳ thi. Từ ngày 24 đến 28 tháng năm, kỳ thi trung học đệ nhất cấp (Kỹ Thuật) được tổ chức ngay tại trường. Một đoàn khảo thí chính thức do ông thanh tra chánh văn phòng cùng 2 giáo sư đến từ trường Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ, điều hành cuộc thi. Thành viên tham gia đoàn khảo thí còn có thêm sh hiệu trưởng Herman và giáo sư Bá. Trên 21 học sinh dự thi, 19 trúng tuyển với 13 lời khen bình thú. 6 hs trong số trúng tuyển được nhận vào trường Bách nghệ Phú Thọ. Các hs sinh khác ra hành nghề hoặc tiếp tục học thêm trong các trường khác.
Hai sh Corentin và Hubert cùng 3 giáo viên dân sự của trường cũng được chỉ định tham gia phái đoàn giám khảo kỳ thi trung học đệ nhất cấp tại một trường kỹ thuật ở Nha Trang.
Sự kiện quan trọng. Trường nhận được thông báo rằng một phái đoàn các chuyên gia người Đức sẽ đến kiểm tra và sẽ nghiên cứu những dự án tương lai cho trường. Ngày 20/03, cha tuyên úy các kỹ thuật gia Đức, linh mục Smidt đến thăm trường. Sau đó ít lâu, ông đại sứ Đức tại Sài Gòn cũng đến viếng trường. Ngày 09/06, phái đoàn chuyên gia được thông báo trước cũng đến thanh tra trong hai ngày liên tiếp : đoàn gồm đức cha Wath và ông Stuzzle Durant. Những thuyết trình và họp bàn liên tục được tổ chức tại trường. Công tác kiểm tra kỹ lưỡng về vốn vay để xây dựng, nhận xét và đôi khi là chỉ trích gay gắt về tổ chức kỹ thuật của trường, vô số những khuyến dụ cho nhà trường để áp đặt đường lối giáo dục kỹ thuật theo lối Đức mà không quan tâm đến những yếu tố địa phương, điều mà hình như các vị chuyên gia danh tiếng này chưa ý thức ! Cuộc thăm viếng này, dù khó chịu về tinh thần dưới vài góc độ, quả là hữu ích cho nhà trường. Thật vậy, sự hiện diện của đoàn chuyên gia này là một dịp may để ban lãnh đạo trường trình ra thêm nhiều dự án khác :
1- Miễn hoàn trả số tiền 50 000 DM.
2- Thay hai chuyên viện kỹ thuật vì họ sẽ chấm dứt hợp đồng vào tháng hai.
3- Đài thọ cho vài sh trẻ Việt Nam sang Âu Châu để tập huấn các ngành nghề trong vài năm.
Chỉnh đốn và bố trí lại phòng ốc. Với phép của sh giám tỉnh, trường đã sắp xếp cho con cái nhân viên của trường một phòng chơi trong nhà và một câu lạc bộ với lưu xá cho các sinh viên và học viên sư phạm.
Tĩnh tâm năm cho các huynh trưởng. Song song với cuộc cấm phòng năm dành cho các sh tại trường Adran, 16 sh là huynh trưởng (và thường là hiệu trưởng của trường) trong các cộng đoàn cũng tiến hành cuộc tĩnh tâm riêng tại trường La San Kỹ Thuật Đà Lạt với cha giảng phòng là linh mục Boissonneau.
Năm 1966
Nhân sự. Nhân số các sh trong cộng đoàn không thay đổi (5 sh) sau kỳ tĩnh tâm năm, trừ một sắp xếp mới : sh Michel Thiên đổi đi và được thay thế bằng sh Guibert Gẫm. Cuối tháng mười một, sh Hubert Hòa rờ Đà Lạt và sh Majella vừa du học Âu châu về lên thế chỗ.
Ban giảng huấn. Do phải mở thêm nhiều lớp học mới (lớp đệ tam, đệ tứ T, và đệ ngũ T), nên trường cần chiêu mộ thêm giáo viên mới : các thầy Hà Tân, Lê Thương, Nguyễn văn Vĩnh, Trương văn Tống và 2 kỹ sư là các thầy Nguyễn Hữu Đức và Đào Hữu Hạnh.
Hai chuyên viên người Đức, Paul Liénert và Bernhard Sommer, hết hợp đồng giảng dạy nên lên đường về nước ngày 17 tháng hai năm 1966. Hai chuyên viên này không có người sang thay thế. Cơ quan Misereor đề nghị cấp cho chúng ta 2 học bổng đi Âu châu dành cho tu sĩ trẻ : họ sẽ trở về phục vụ trong trường kỹ thuật. Việc sắp xếp người du học được tiến hành và nhà trường hy vọng trước sau gì các sh trẻ của chúng ta cũng nhận được học bổng được hứa cho.
Học tập - Chương trình. Chương trình quốc gia về công tác giảng dạykỹ thuật được xem xét lại : bỏ bớt phần lý thuyết và tăng cường phần thực tập tại xưởng.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cũng đạt được kết quả khả quan như năm rồi : 22 trên 26 thí sinh đã đậu. Một số ban không ghi nhận được thí sinh nào rớt …, trừ ban điện không được may mắn này !
Tất cả các học sinh trúng tuyển của chúng ta đều tìm được việc làm trong các công sở hoặc hãng xưởng tư nhân. Một vài em gia nhập quân đội hay nếu chưa đủ tuổi đầu quân thì tiếp tục học thêm để hoàn thiện nghề nghiệp.
Giáo dục tôn giáo được các sư huynh rất quan tâm : các học sinh có giờ giáo lý hằng ngày.
Biến cố quan trọng. Năm 1966 bị đánh dấu bằng những vụ lộn xộn chính trị pha mùi tôn giáo đáng ngại ! Trong các tháng tư và năm, bùng nổ nhiều cuộc biểu tình của Phật giáo, trường học bãi khóa, chợ búa bãi thị, công sở hay cơ quan nhà nước bị chiếm đóng … Quả là những ngày đen tối, giống như hồi 1945 ! Chánh quyền hầu như không còn. Dân chúng sống trong nỗi lo âu sợ hãi ! Những tin tức từ Huế, từ các vùng trung tâm Miền Trung còn gây hoang mang trầm trọng hơn. Tình hình chính trị trong nước càng thêm tồi tệ và ngoại thù càng ngày càng thắng thế. Người Công giáo trở thành đối tượng của những khiêu khích đau lòng !
Tất cả những sự việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hăng sai và hiếu hòa của những người trẻ. Một số trường học của chúng ta buộc lòng phải tạm thời đóng cửa để tránh điều xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng nhờ ơn Chúa gìn giữ, trường La San Kỹ Thuật không có gì đáng ngại. Nội bộ trường đều yên tĩnh dù bên ngoài trường hay trong vùng phụ cận tình hình có sôi sục.
May phúc thay năm 1966 khép lại với ngày lễ tưng bùng kỷ niệm một trăm năm (1866-1966) ngày các sư huynh La San đặt chân lên đất nước hình chữ S này. Cùng với các sh tại những cộng đoàn có mặt trên địa bàn Đà lạt này (Adran, Học viện, Lang Biang, Đại học …) các sh và hs trường La San Kỹ thuật đã mừng lễ trong những ngày 10 và 11/12 : Thánh lễ đại triều, trình diễn văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao … Tất cả đều dồn mọi nỗ lực để cho cuộc lễ thêm xứng đáng và thêm phần long trọng.
Tuy vậy cũng có một chút hối hận : ban tổ chức trong suốt cuộc lễ đã quên nhắc nhớ đến kỷ niệm của những bậc đàn anh đi trước, đã từng chấp nhận khổ cực và “gieo trong lệ sầu”. Hình như các tiền bối nàycó quyền được lớp hậu bối ghi nhận công sức của họ.
Các động sản. Vì số nội trú tăng nhiều nên nhà trường đã buộc lòng đóng cửa lưu xá sinh viên và biến phòng ngủ của họ thành nguyện đường của trường. Nguyện đường nhỏ của cộng đoàn được sửa chữa để trở thành nhà ngủ cho học sinh các lớp nhỏ. Các phòng giải trí thì sửa đổi thành phòng học cho các học sinh lớp đệ lục và đệ ngũ.
Trong mục tiêu giảng dạy và để bổ túc huấn cụ cho ban ô tô, trường cũng đã mua thêm 3 chiếc xe mới : một xe tải nhẹ hiệu Peugeot 403 – một xe tải nhẹ hiệu Toyota – một xe Jeep Đức hiệu Monga.
Cũng thế, trường còn tậu thêm một xe gắn máy Honda, một xe gắn máy Puch và một xe Gobel.
Công việc giặt giũ cho số nội trú quá đông đã trở nên một gánh nặng cho 2 sơ tình nguyện công tác. Trước tình trạng khó khăn này, nhà trường đã bỏ ra 100 000$ để mua một máy giặt tự động.
Ngân sách. Sự tiếp tay của các giáo viên bên ngoài được đánh giá cao song chi phí cho họ cũng quan trọng. Học phí mà học sinh của trường đóng góp chỉ vừa đủ để trả lương hằng tháng cho họ. Một vài đơn đặt hàng của khách hàng bên ngoài giúp chúng tôi cân bằng phần nào ngân quỹ trường. Cũng nên lưu ý là một ngôi trường kỹ thuật thường không thể tự chủ được nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài !
Năm 1968
Nhân sự cộng đoàn. Cuối niên khóa 1967-1968 có hai cuộc luân chuyển về nhân sự trong cộng đoàn : sh Thanh Dũng của trường Adran hoán chuyển với sh Agilbert Nguyễn Cách và sh Thomas (Dosithée) Nguyễn Đề Nghị từ Pháp trở về sau khi đậu bằng CAP (mộc) đến thay thế cho sh Louis Đạt Thanh , người được gởi đi về La San Hiền Vương (trường khiếm thị). Ngoài ra, sh Étienne-Manuel đã tự nguyện rời nhà hưu dưỡng Nha Trang và đến với a/e La San Kỹ Thuật để phụ trách phòng thu ngân và trang trại của trường. Do vậy năm nay nhân số của cộng đoàn đạt đến con số 6.
Học tập. Vào ngày khai giảng niên học mới, sĩ số học sinh đã tăng thêm 40 em, từ 480 hs năm ngoái vươn lên 520 hs năm nay, 1968. Tuy nhiên vì biến cố Tết Mậu Thân, các hs nội trú đã sụt giảm nhiều, chỉ còn 50 em sau kỳ nghỉ hè !
Số giáo viên dân sự hiện nay là 25 vị trong đó thầy Hạnh đã trở lại trường và đảm trách môn Vẻ Kỹ nghệ. Lớp đệ nhị kỹ thuật được mở thêm với số học sinh là 25 em.
Sự kiện quan trọng. Những sự kiện xảy ra trong những ngày đầu xuân Mậu thân (tháng 2 năm 1968) đã ảnh hưởng nặng nề và làm xáo trộn cuộc sống thanh thản của nhà trường này. Tuy nhiên, dù đây đó có nhiều tiếng đồn sai lệch và dù vị trí trường nằm kề bên trại quân đội xung yếu (tiểu khu) nhất thành phố, nhưng nhờ ơn trên phù hộ rõ rệt, La San Kỹ Thuật thoát khỏi chiến cuộc được bình an và gần như không mất mát gì nhiều : khoảng 20 cử kính bị vỡ, hai quả pháo 81 ly xé rách tấm bảng đen và 2 bàn học.
Vào một đêm tháng tư, một quả B41 rơi xuống khu nhà nhân viên và làm bị thương một cô nhân viên cùng làm vỡ khoảng một chục tấm mái che fibro-ciment.
Vì bị thiệt hại không đáng kể nên trường đã tái hoạt động sớm, ngay vào khoảng đầu tháng ba. Tuy nhiên, trường chỉ hoạt động vào buổi sáng mà thôi. Phần các nội trú, các em dè dặt trở lại trường từng em một và vào cuối niên khóa trường còn được 57 hs !
Ngày 31/12/1968, phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đến viếng trường …
Năm 1969
Nhân sự. Gồm 6 sh và 37 giáo viên bên đời.
Sĩ số học sinh : 645 hs trong đó có 60 nội trú. Số hs gia tăng là do trường mở thêm 2 lớp mới
Lớp đệ nhất kỹ thuật chuyên toán
Lớp năm thứ ba chuyên nghiệp.
Niên khoá 1968-1969 đạt được kết quả tốt : 16/22 đậu tú tài I kỹ thuật
Sự kiện. Không có sự kiện gì nổi bật lắm. Một học sinh tên Nguyễn văn Long đang học lớp đệ tứ toán đã lên đường vào chuẩn viện Nha Trang
Xây dựng. Xét rằng hai lớp đệ thất, hai lớp đệ lục và lớp đệ nhị sinh hoạt trong những phòng ốc chật chội và không đúng qui cách vì trước kia chúng thuộc khu nhà phụ hay là nhà chơi có mái che được sửa sang lại đôi chút và nay rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng nên nhà trường đã xin phép xây cất một khu nhà mới để thay thế. Khu nhà này, lúc đầu gồm 6 lớp nhưng sau nhờ những thuận lợi bất ngờ nên tăng lên thành 9, được hoàn tất vào những ngày cuối của tháng 12. Việc xây cất này được thực hiện với số tiền tiết kiệm của trường nên khi hoàn tất xây dựng, trường không phải biết đến tình cảnh nợ nần chồng chất !


[1] Ngày nay, từ 1960 (?) ngôi nhà thờ này trở thành nhà thờ chánh tòa Đà Lạt, cùng lúc với sự ra đời của giáo phận Đà Lạt,
[2] lúc ấy còn 25 nội trú gồm học sinh kinh và dân tộc
[3] dạy 16g00 bên Adran các lớp từ 4è đến terminal !
[4] Phải dạy 12g00 sinh ngữ/tuần tại trường sĩ quan, Đấy là chưa kể phải mất thì giờ di chuyển, họp giao ban hằng tuần …
[5] gỗ từ rừng Cam Ly, bulldozer để san lấp một ngàn m3 đất, xe GMC để chuyên chở gạch đá xi măng …
[6] Có con là Nguyễn Ngọc Tạc đang theo học lớp 11 bên trường Adran
[7] Tương đương với 2 triệu đồng VN vào thời điểm 1961
[8] Nay là nhà thờ chánh tòa giáo phận Đà Lạt
[9] Nhà trung ương Dòng tại Roma (476 Via Aurelia)
[10] Tức sh Thomas Nguyễn Đề Nghị
[11] do trung úy Giao biệt phái sang giúp
[12] Lịch sử cho thấy rằng chúng được các thế lực đen tối đứng sau thúc đẩy.
[13] Cần kiểm tra lại chức danh !