Trường La San Kim-Phước
Kontum (1956-1970)

 

Dưới đây là một phần chứng thư nhượng đất của giáo phận Kontum (ĐC. Paul Seitz) cho dòng La San (sh BT. Apolinaire Dinh đại diện) để xây dựng trường La San Kim Phước.

 


 

Vị trí và bản đồ khu đất nhà trường La San mà tòa Giám mục Kon Tum nhường cho các sư huynh La San . Diện tích nhà trường (lô A) là : 2 mẫu 2,3 sào 59 m. Tứ cận là :
Bắc giáp đường Phan Chu Trinh , theo đường ranh cột móc 10, 9, 8, 7 .
Đông giáp với Tòa giám mục (lô B, 1mẫu 3,5 sào 02m) và chủng viện – nhà truyền thống (lô C, 4 mẫu 9,5 sào 98m) và theo đường ranh các cột móc 7, 12, 1 .
Nam giáp đường Lê Thánh Tôn theo đường ranh các cột móc 1, 11 .
Tây giáp đường Tăng Bạt Hổ theo đường ranh các cột móc 11, 10 .

Liên lạc, giao thiệp thư từ và tạp chí.
 
1- Bức thư đề ngày 29/08/1956, từ Nha Trang của sh GT Cyprien gởi sh BT Florent Nghi :
…{Phnom Penh với sh HT Merry Alphongse mời GT lên (ngày 7/9) có chuyện gắp}
- Nghe chuyện học phí có vấn đề : quá cao chăng ?
- Cần phải bàn trước vđ học phí với GT và sau đó không được thay đổi nếu không có phép của GT (theo RG).
- Mọi sh không được phép rời khỏi CĐ nếu không có phép trước của GT.
-Tình hình của CĐ phải báo cho GT, thế mà GT chỉ nghe qua trung gian thôi ! C’est un peu fort
2- Thư trả lời của BT Florent đề ngày 04/09/56 :
- Giá học phí là giá của trường cũ. Nó không quá đắt và chẳng những vậy, các sh sẽ chịu lỗ vì sĩ số học sinh quá ít. Với lại theo thông tục, dân chúng không vội vã đem con đến trường để được dạy dỗ.
- Học phí lớp đệ thất có hơi cao (300 $) nhưng giá này là có hội ý và được ĐGM cùng các chức việc đồng thuận. Lý do là học sinh quá ít (khoảng 20 em), cha mẹ chúng thay vì phải gới chúng đi BM Thuật hay Qui Nhơn và chịu tốn kém nhiều hơn, chắc sẽ dễ dàng chấp nhận. Hơn nữa giá này chưa dứt khoát, sẽ có thể thay đổi khi nắm chắc sĩ số hs và sẽ trình SH GT ký duyệt.
(Những ai đàm tiếu thường ở xa, không thông hiểu những lý do, những hoàn cảnh cụ thể mà người tại chỗ phải đối diện …)
- Chuyến đi của sh Girard là dịp may miễn phí. Sh sẽ đến gặp SH GT và xin phép : trong việc này Florent chỉ hành động dở chớ không vì tinh thần độc lập (indépendance) hay cố tình xấu !
- Báo cáo về tình hình đã xong, đợi khi sh GT về SG (5/9) theo lịch đã thông báo trước, sẽ gởi xuống.
- Quảng cáo ngày khai giảng đã được ĐGM cho in và quảng bá đến các giáo xứ đang khi Florent xuống Nha Trang gặp BTGT. ĐGM mục muốn khai giảng sớm vì sợ các hs đi các trường khác !


Ngày tựu trường (năm thứ hai)
Buổi khai trường của trường La San Kon Tum (chính thức là trường La San Kim Phước) theo bức thư đề ngày 15/11/1957 của sh Hiệu trưởng Florent tường trình cho sh GT Cyprien biết.
Một sự kiên trọng đại của trường La San Kim Phước : khai giảng lớp đầu tiên dành cho trẻ em “dân tộc” vào ngày 11/11/1957. Bốn mươi trẻ trang phục như trẻ em kinh bước chân vào lớp Dự Bị. Ngay từ phút đầu các bé cảm nhận rằng các sh yêu thương chúng nhiều, rằng chúng có những bạn bè là các trẻ người kinh. Chúng hoà lẩn với nhau : vấn đề hội nhập có vẻ không khó khăn lắm cho các học sinh chúng ta. Trước sự kiện này Đức GM nhận được nhiều an ủi và quên đi những khó khăn khi thực hiện chương trình này. Các sh chúng ta cũng nếm được một niềm vui êm ái cảm nhận như thấy Thiên Chúa sử dụng mình thật sự cho một công cuộc truyền giáo đúng nghĩa trăm phần trăm. Những gì họ cần đó là xin các a/e cầu nguyện nhiều cho họ, cho họ trở nên dụng cụ ngoan ngoãn trong bàn tay Chúa quan phòng.
Ngoài niềm vui thấy các đứa trẻ quây quần chung quanh các sư huynh, chúng ta còn thấy những dãy nhà rộng rãi gần như hoàn thành, những lớp học đông đầy học sinh (thành công hiếm thấy tại Kon Tum), nhiều em được miễn phí – thế thì càng hay chứ sao – những gương mặt tươi nở của các trẻ, những giáo viên đời, dù không thông thái lắm, song rất tận tụy, và linh hoạt bởi tinh thần gia đình La San sâu đậm.
Các sh có vẻ hạnh phúc lắm, vui vẻ cả ngày. Tất cả đều cảm thấy mình như đang sống thật trong bầu khí trong lành. Tuy sh Florent có bị cảm lạnh vì gió máy và vì thời tiết thay đổi hơi thất thường, nhưng mọi sự rồi cũng qua. Sư huynh Raymondus Camille (Mairot) hết còn cái vẻ như sư tử bị nhốt trong chuồng, trái lại, ngài đi lui đi tới rất thoải mái giữa a/e trong dòng và các học sinh của ngài. Ngoài ra các sư huynh cũng cảm thấy vui vì từ đây được an cư và có được một cuộc sống phù hợp gần như hoàn toàn theo những gì luật dòng đề ra, tất nhiên chắc còn vài điều chưa tốt song sẽ được sh GT chỉnh đốn lại thôi.

Báo Echo de la Mission (Kontum, năm thứ 15 số 73, thg 6 năm 1956
Mang chữ ký với lời ca ngợi của ĐC Seitz, Đại diện tông tòa :

+ “En hommage et gratitude aux chers Frères des écoles chrétiennes, qui ont fondé une “Maison” à Kon Tum.
20 tháng tám 195… (sau số 5 là không rõ nhưng phần chắc là 6 !)
      Ký tên : T. Seitz
      (Vic. Ap. De Kon tum)
 

Trong số này có một bài xã luận nói về “Những hệ quả của cuộc di cư của người Việt Nam đối với tương lai của các dân sở tại của chúng ta” (các trang 16-19) :
…” … : mỗi lần những hoàn cảnh tương tự xảy ra thì có sự kiện là xua đuổi dồn ép, sau đó là bóp nghẹt đến ngạt thở, rồi biến mất dạng của yếu tố “nhân loại, xã hội và kinh tế yếu kém”.
Đó là định luật tự nhiên …
Bởi vì tự nhiên đã bị thương tổn bởi tội tông truyền.
Để sửa sai, cần có cái khác để giúp cuộc hội ngộ mang nhiều thành quả : cần phải có ơn Chúa … và sự cộng tác của con người với ơn Chúa.
Cần phải có Tinh thần bác ái và công bình.
Nếu chúng ta, những linh mục , chúng ta không suy tư về những vấn đề này, ai sẽ suy tư thế đây ? Nếu, các linh mục chúng ta… chúng ta không “thức tỉnh “những người anh cả, những sứ giả của Thiên Chúa”, giúp họ ý thức những việc này và chu toàn sứ mệnh của họ … thì ai sẽ cáng đáng đây ?
Chính với tinh thần này mà chúng tôi cho rằng không thể thiếu được sự hiện diện của các nhà giáo dục tốt tại trung tâm vùng đạo của chúng ta, tại Kon Tum này : Chúng tôi đã mời các sư huynh trường Ki-tô đến. Hy vọng họ sẽ đào tạo được một thế hệ trẻ có tâm lòng rộng mở trước tình yêu thương đích thực các đồng bào Thượng !
Tôi sẽ không tin vào chất lượng của phong trào Công giáo Tiến hành, vào chất lượng huấn luyện Ki-tô mà chúng ta dành cho các tín hữu, đến khi nào mà tôi chứng kiến họ có khả năng dấn thân cho các “đàn em” của họ …
Cũng với tinh thần này mà chúng tôi mong muốn ngôi trường trung học của các sư huynh mở sóng đôi hai ban : một ban Việt và một ban dành cho người “dân tộc”. Công tác sẽ rất khó khăn : và đó là lý do thúc đẩy ta càng cố thử nghiệm …
  
Văn khố La San, Roma
NJ?, D?, f1,2,3

 
Tên trường :
 - La San Kim Phước là tên của trường cấp 1 và 2 (tiểu học và đệ nhất cấp) do các sư huynh trường Ki-tô điều khiển tại Kon Tum.
- Kim Phước là do sự gộp lại tên Việt hóa của hai đức cha Paul Seitz (Kim) đương nhiệm và đức cha tiên khởi Martial Jannin (Phước).

Bước đầu :
Để thực hiện lời hứa của Sư huynh phụ tá tổng quyền Zacharias cùng đức cha Seitz, giám mục đại diện tông tòa của địa phận Kontum, vào ngày 30 tháng 07 năm 1956, 2 sư huynh Florent Nghi (hiệu trưởng) và Raymondus Camille đến Kon Tum, một tỉnh thuộc vùng cao nguyên trung bộ (nay được gọi là Tây nguyên).
Các sư huynh khởi sự bằng con số không. Trong khi chờ đợi xây cất trường lớp, các sư huynh trú chân tạm tại chủng viện, và mở lớp dạy tại hai phòng học mà cha giám đốc chuẩn viện cho mượn đỡ. Bàn ghế và nồi niêu của các sư huynh sử dụng là phần chia sẻ của cộng đoàn Taberd Sài Gòn !
Vào cuối tháng 8/56, các sư huynh rời Chủng viện để về nhà mới của cộng đoàn, tức là tại một khu nhà trệt của 1 trong 3 khu nhà do Nhà Chung xây cho.
Mô tả ngôi trường La San Kim Phước trong thời gian đầu (1967) :
Trường lớp : Trường chúng ta hình chữ U gồm 3 dãy nhà trệt, lợp tôn, khung trần nhà bằng sắt.
Trường có tất cả 17 lớp học, một ngôi nhà nguyện và một phòng sinh hoạt Công giáo tiến hành tọa lạc theo hai cánh bên. Khu vực của cộng đoàn và nhà nội trú dành cho “học sinh dân tộc” chiếm dãy ngang cuối đáy của chữ U.
Phía sau khu vực cộng đoàn còn có xây thêm vài phòng để làm nhà bếp, nhà ăn, kho dụng cụ …
Chính giữa các dãy nhà là sân chơi, sân bóng rỗ, bóng chuyền và nhà chơi có mái che nhỏ dành cho hs. trú mưa.
Học sinh và giáo viên : Năm 1967, số học sinh đạt đến con số 800, chia ra thành 19 lớp, từ mẫu giáo đến Đệ tứ (lớp 9 bây giờ), tức năm cuối của đệ nhất cấp, hoặc cấp hai. Ban giảng huấn gồm 7 sư huynh, 15 giáo sư (viên). 4/5 học sinh thuộc gia đình có đạo Công giáo. Đây là một nét đặc trưng của La San Kim Phước và cũng giải thích dễ dàng sự phong phú về ơn gọi giáo sĩ hoặc tu sĩ. Cụ thể là mỗi năm trường hân hạnh gởi đi trung bình 15 thiếu niên theo con đường dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mặt khác, các sư huynh cũng vui mừng giúp 18 học sinh bên lương của mình gia nhập cộng đoàn dân Chúa trong suốt 11 năm đầu trường hoạt động (56 – 67) trên vùng Tây Nguyên.
Trên con số 800 học sinh mài đủng quần trên ghế trường La san Kon Tum, người ta đếm được 50 em được miễn phí hoàn toàn, từ 200 đến 300 em được giảm học phí theo nhiều cấp độ khác nhau, tùy theo gia cảnh của các em. Đấy là chưa kể đến 20 trẻ dân tộc được chấp nhận cho sống theo chế độ nội trú, tức hoàn toàn được cộng đoàn các sư huynh gánh chịu mọi phí tốn về học hành và ăn ở của các em tại trường.
Thi cử :
Ngay từ đầu, vì là trường cấp 1 và 2 nên ban giảng huấn chuẩn bị cho các học sinh mình sẵn sàng trực diện với hai kỳ thi do bộ giáo dục tổ chức hàng năm trên toàn quốc (VNCH) : kỳ thi tiểu học (lớp nhất hay lớp 5) và kỳ thi trung học đệ nhất cấp (đệ tứ hay lớp 9). Kết quả đạt được hàng năm luôn luôn rất cao cho đến khi Nhà Nước bải bỏ do những cải tổ trong ngành giáo dục. Để có một ý niệm cụ thể, một năm (1965) trước ngày bải bỏ chế độ thi cử tại các cấp lớp này, trường La san (tư thục) đạt được kết quả như sau :
110 hs đậu trên 119 hs dự thí, tức 92% cho cấp tiểu học
27 hs đậu trên 30 hs dự thí bằng Trung học đệ nhất cấp, tức 90%
Sinh hoạt ngoại khóa :
Trong những năm đầu, La San Kim Phước có thành lập 2 tổ chức hội hè dành cho thanh thiếu niên của mình : Hội Chúa Giê-su Hài Đồng (Congrégation du TSEJ) và Thanh Sinh Công (JEC). Hội Chúa Giê-su Hài Đồng có vẻ mang lại nhiều kết quả phấn khởi về khía cạnh thúc đẩy lòng đạo đức và động viên các ơn gọi. Tuy nhiên, vì có những thay đổi về nhân sự trong cộng đoàn các sư huynh, cùng lúc, thể theo trào lưu sinh hoạt giới trẻ đương thời được khắp nơi hưởng ứng, người ta đã thay thế hai phong trào trên bằng phong trào Hướng Đạo sinh. Có người nghĩ rằng Hướng Đạo mang tính phóng khoáng, cởi mở và dễ dàng thích nghi với giới trẻ trong thời đại chúng ta hơn.
Thể dục thể thao được coi trọng trong sự nghiệp giáo dục truyền thống của anh em La san. Đá banh, bóng chuyền, bóng rỗ, bóng bàn … được tổ chức bài bản và qui mô hơn trong các lớp lớn. Bắn bi, đá dế, rượt bắt, thả diều … cho các em nhỏ tự do chọn lựa ! Vào ngày lễ quốc khánh hay những lễ lớn khác, các đội thể thao của trường đều đạt thành tích cao trong các cuộc tranh tài giữa các trường công tư thuộc cấp tỉnh. Đoạt được cúp vô địch bóng đá, bóng chuyền , bóng rỗ không là chuyện lạ.
Nhận định khái quát về La San Kim Phước sau 11 năm hoạt động.
Trường La San này trong thực tế đã ghép chung số mệnh mình với giáo phận truyền giáo trên vùng cao của miền Trung Việt Nam. Điều này cũng nói lên được những khó khăn về vật chất và sự mong manh về nguồn lợi tức của trường xét như yếu tố cần thiết cho một sự phát triển vững mạnh và đều đặn về chiều sâu và rộng. Tuy nhiên các trở ngại rồi cũng đã và sẽ bị vượt qua nhẹ nhàng vì lý tưởng mà trường quyết tâm theo đuổi quá ư là quan trọng và hấp dẫn. Mở mang Nước Trời và nâng cao trình độ học vấn và giúp tiếp cận văn minh cho các thanh thiếu niên dân tộc. Trong môi trường La San Kim Phước, các học sinh kinh thượng có dịp học hành chơi đùa hồn nhiên bên nhau, các bé người dân tộc sẽ thấy rằng chuyện học hành chuyên cần và đạt được thứ hạng cao trong học tập như các bé người kinh bạn không còn là chuyện lạ, và đấy là một động lực giúp chúng tích cực học tập. Các nhà truyền giáo gốc Pháp đã thấy ra hệ quả này và họ đã đặt hết tin tưởng cùng mọi cảm tình vào các con cái thánh Gio-an la San.
Số học sinh luôn gia tăng theo năm tháng nên trường thì phải đối diện luôn với nhiều nhu cầu cấp thiết để cải thiện môi trường giáo dục dành cho các công dân tương lai. Chúng tôi luôn cảm thấy chật chội. Không có phòng họp đủ lớn cho sinh hoạt tập thể, không có tường rào bảo vệ trường, không có phòng thí nghiệm, không có thư viện “ra hồn”… Cộng đoàn các sư huynh đang phục vụ trường cũng cần có phòng ốc hay khu vực riêng biệt để sinh hoạt đời tu thoải mái đôi chút. Điều này cũng góp phần phân biệt rõ tu viện với trường, đồng thời trả lại thêm phòng lớp cho trường.
Có người mơ tưởng tới những khu nhà cao tầng dành cho nội trú kinh thượng, đến những học bổng nhất là dành cho các em dân tộc cũng như cho các ơn gọi xuất phát từ thành phần học sinh của trường, tuy nghèo về tiền bạc nhưng rất đạo đức và thông minh. Nếu tình thế xã hội được cải thiện và có nhiều tấm lòng quảng đại năng động, chắc chắn La San Kim Phước sẽ là một môi trường thuận lợi ưu việt cho hoạt động giáo dục và tông đồ cho giới trẻ kinh thượng.

Bổ túc cho thông tin trên.
Nhân sự và việc học :
Tiếp bước 2 sh tiên phong là Florent và Raymondus, sh Girard Gẫm (Nhơn) sách va-ly theo lên cao nguyên cách 2 tuần sau. 3 tháng sau tức tháng 11/1956, sh Innocent Từ lại xuất hiện thêm trong cộng đoàn mới và nâng số thành viên lên thành 4 cho niên khóa 56-57.
Ngay từ tháng 9/56, lớp đệ thất (lớp 6 ngày nay, tức 2005/tk21) ban Việt được khai giảng tại chủng viện vì phòng ốc trường đang được xây dựng. Đầu tháng 10/56, khai trương thêm 3 lớp tiểu học : lớp ba (lớp 3), lớp nhì (lớp 4) và lớp nhất (lớp 5). Có 4 giáo viên đến đứng lớp phụ giúp các sư huynh. Chẳng bao lâu các lớp đầy ứ học sinh. Các chú bên tiểu chủng viện theo học trong ba lớp đầu. Chương trình học hoàn toàn theo chương trình của bộ giáo dục, trừ ra ngay từ lớp nhì, các học sinh bắt đầu được học thêm Pháp văn.
Cũng ngay trong tháng 10, có 13 em dân tộc (10 là Ba-na và 3 là Gia-rai) đến học tiếng Việt. Một lớp học được dành riêng cho các em và luôn vài phòng đang được xây gần xong. Một trong các giáo viên đứng lớp được đặc cách dạy tiếng Ba-na cho 2 sh Girard và Innocent !
 Vài sự kiện lớn :
Tháng 9, Bề trên giám tỉnh Cyprien lên thăm chính thức (visite canonique) cộng đoàn và bàn bạc chính thức với đức giám mục địa phương về đường hướng và công tác mà các sh cần thực hiện tại trường La san. Đại diện chính phủ tại miền Trung, ông tỉnh trưởng và giám đốc sở giáo dục của Kon-Tum cũng có đến thăm trường, xem các lớp học kinh thượng hoạt động thế nào.
Về ơn gọi :
Các học sinh, phần lớn là Công giáo, rất chăm ngoan. Có nhiều em đạo đức và nhiều thiện chí muốn dâng mình phục vụ Thiên Chúa những gia đình vừa đủ ăn, không đủ tài chính để gởi con emđi học xa. Lại nữa, vào thời điểm thập niên 50 của tk 20, Kon Tum vẫn còn được kể là vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn về giao thông liên lạc với các trung tâm văn hóa (chưa kể là sau này, chiến sự trở nên ác liệt và diễn ra quanh hoặc đôi khi ngay tại thị xã), nên cách chung, trình độ tri thức của các học sinh sở tại khó được nâng cao và vì vậy khi các em khi gia nhập vào các đệ tử viện tại các trung tâm lớn (như Thủ Đức) khó mà cạnh tranh về học hành đối với các học sinh tại các trung tâm ấy. Các sư huynh trong cộng đoàn Kim Phước xem việc thành lập một đệ tử viện tại chỗ là một điều tối cần thiết.
Liên hệ địa phương :
Mối liên hệ với giáo quyền và chính quyền bình thường. Phải nói thêm là với giáo quyền, nhất là với các cha thừa sai thì rất tốt vì có sự thông cảm dễ dàng qua ngôn ngữ và giáo dục.
Động và bất động sản.
Việc xây cất trường lớp và nhà ở cho cộng đoàn gặp nhiều khó khăn và tiến hành chậm chạp. Vật liệu xây cất chở đến Kon Tum rất khó khăn vì khó khăn giao thông, nhân công rất hiếm và thường không đủ khả năng, thiếu linh hoạt. Thế nên lúc đầu các sư huynh buộc phải tạm trú bên chủng viện. Ngoại trừ một số ít bàn ghế mà chủng viện cho mượn để trang bị các lớp học, các sh không có gì. Mãi sau, Taberd Sài Gòn mới cung cấp cho 5 tủ nhỏ, 5 giường sắt (thứ cũ mà quân đội Pháp bỏ lại !) và một ít son chảo cũ. Thế là mừng lắm rồi. Có còn hơn không.
Nguồn lợi tức.
Dân chúng không giàu nên về học phí, sự đóng góp của họ rất giới hạn. Đàng khác, các sh vẫn phải giữ truyền thống là luôn luôn miễn giảm cho các học sinh nghèo theo tỉ lệ nào đó. Khoảng 50 em được hưởng “chế độ”. Thế nên trong niên khóa 56-57, cộng đoàn các sh Kim Phước mang nợ, ít thôi, đối với Nhà Chung giáo phận Kon Tum.

Năm 1957

Nhân sự .
Từ kỳ tĩnh tâm tháng 7/1957, Cộng đoàn gồm 5 sh : sh Florent là Huynh trưởng là, sh Nivard là giám học, sh Gilbert là thầy việc kiêm giáo sư cùng với 2 sh Raymondus Camille(Mairot, sh thừa sai Pháp) và Innocent Đào Duy Từ. Một giáo viên đã dạy năm ngoái đã rời trường. 2 giáo viên mới được mời dạy cấp I. Như thế ban giảng huấn gồm 5 sh và 6 thầy giáo.
Sĩ số học sinh.
Bốn lớp mới được mở thêm : một lớp đệ ngũ, một lớp Một, một lớp mẫu giáo và một lớp đặc biệt dành cho các trẻ “dân tộc” để tập làm quen với tiếng Việt trước khi vào học lớp được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếngViệt. Các chú tiểu chủng viện cũng đến dự học đủ các môn học tại trường, trừ tiếng La Tinh. Các học sinh lớp đệ ngũ tuy không được đặt dưới trách nhiệm các sư huynh nhưng cũng đến mỗi ngày để theo học về 2 sinh ngữ Pháp và Anh.
Chương trình học là chương trình chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với việc tăng cường môn tiếng Pháp. Vào kỳ thi Tiểu học tháng 6 vừa qua, kết quả đậu là 45 trên 48 sĩ tử !
Các sự kiện quan trọng.
* Cuối tháng hai, sư huynh Tổng Phụ quyền Lawrence O’Toole đến viếng thăm và được sh Giám tỉnh Cyprien tháp tùng. Đức Giám Mục Seitz, người đề xướng và giúp đỡ việc mở trường Kim Phước này, cùng cha Vacher, người đứng ra xây cất nhà trường, cả hai đều hiện diện trong buổi tiếp đón khách từ phương xa. Thừa dịp này, sh hiệu trưởng ngoài lời chào đón các vị khách quí, đã để lời cám ơn nồng hậu các ân nhân hảo tâm.
* 15 tháng năm : lễ tháng Gioan La San mang tính cách trọng thể : Đức Giám mục chủ sự thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa. Người tham dự thánh lễ rất đông. Sau thánh lễ, ĐGM cắt băng khai mạc cuộc triển lãm La San, sau đó tuần tự các lớp trình diễn một trò chơi hấp dẫn và sôi động. Cuối cùng, buổi lễ kết thúc bằng một buổi văn nghệ.
Cuối tháng tám, các sư huynh rời khỏi ngôi nhà tạm trú tại chủng viện để về chiếm ngụ khu nhà được xây dựng tại trường.
* 25/11 : sh GT Cyprien thực hiện chuyến thăm viếng chính thức cộng đoàn và trường La San Kim Phước. Ngài tỏ ra rất hài lòng về những tiến triển của công cuộc giáo dục La San tại vùng Tây Nguyên này.
* 25/12 : thánh lễ nữa đêm được cử hành tại gian phòng lớn tại trường dành cho tất cả các học sinh, nhất là cho các học sinh không Công Giáo và 13 em nhỏ chuẩn bị chịu lễ lần đầu cùng phụ huynh của chúng.
Ơn gọi :
Tám học sinh của trường xin gia nhập tiểu chủng viện, một em khác xin vào đễ tử viện dòng Chúa Cứu Thế. Nhiều trẻ khác tỏ lòng muốn vào đệ tử viện Huế hay Thủ Đức nhưng chúng chưa thể thực hiện được và tình hình kinh tế của cha mẹ chưa cho phép ; còn vào Chuẩn viện Nha Trang thì chúng chưa đủ vốn Pháp văn cần thiết, phải nhiều năm chuẩn bị nữa mới mong thực hiện được. Chúng ta cần phải nghĩ đến giải pháp giúp chúng thực hiện công tác đào tạo tại chỗ như chủng viện hay dòng Chúa Cứu Thế đã áp dụng.
Liên hệ với địa phương :
Liên hệ với hàng giáo phẩm rất tốt, thân ái và có thể nói toàn diện với 3 linh mục giáo sư của chủng viện. Ông tỉnh trưởng, một người Công giáo thật sốt sắng, đã đánh giá cao và dành nhiều cảm tình đối với các sư huynh. Tuy nhiên còn một số thuộc cấp của ông thiếu nồng nhiệt và đôi khi lại tỏ vẻ lạnh nhạt. Đối với sở giáo dục của tỉnh, chúng ta giữ thái độ “kính nhi viễn chi”. Vấn đề tự do giáo dục được thường xuyên đặt thành chủ đề bàn cãi. Sự kỳ thị tuy không lộ liễu nhưng cũng dễ nhận thấy qua những cuộc thanh tra phức tạp và nhỏ nhen. Hơn nữa, người ta biệt đãi ngôi trường đang tìm cách cạnh tranh mạnh, trường Bồ Đề. Tuy nhiên La San Kim Phước vẫn “ở chiếu trên” do chất lượng giảng dạy và kết quả khả quan tại các kỳ thi so với các trường trong tỉnh.
Cơ sở :
Bốn dãy nhà, mỗi dãy có kích thước là 32m trên 7m đã được xây cất hoàn thành. Hai dãy nữa đang đứng trên công trường : công tác tiến triển khá chậm và còn như do dự vì ê-kíp thợ đang tiến hành nhiều công trình khác nữa ! Sau tròn mới một năm mà khu nhà mới cần được sử chữa. Bàn học và ghế ngồi được Nhà Chung cung cấp : chúng ở trong tình trạng khá cũ và nhiều bàn ghế đã được thay thế. Bất động sản như đất đai, cơ sở và các động sản như bàn ghế đều là của nhà chung. Về phần mình, cộng đoàn các sh chỉ sở hữu vài chiếc bàn làm việc được thu gom năm ngoái từ nhà kho đồ cũ của Taberd và vài cái tủ do quân đội Pháp tặng sh Ambroise và được nhường lại cho La San Kim Phước. Nguồn lợi khiêm tốn của cộng đoàn vừa đủ chi dụng cho các sh và để sắm sửa vài món đồ cần thiết cho cuộc sống thường nhật mà thôi.
Quỹ của trường :
Dân chúng địa phương chỉ có thể trả số học phí khá nhẹ cho con cái họ đang theo học cấp tiểu học mà thôi. Ở cấp hai, số học sinh khá ít ỏi vì phụ huynh cho rằng kiến thức bậc tiểu học là quá đủ rồi. Đằng khác họ cũng muốn con em họ ở nhà để đỡ đần công việc đồng án hay nghề nghiệp gì đó cho họ. Những phụ huynh muốn gởi con em theo đuổi việc học ở cấp II trái lại đồng ý trả giá cao cho con cái họ (gấp 3 lần ở bậc tiểu học) và điều này có lẽ làm phấn khởi các nhà giáo đôi chút.
Trường La San có khoảng 100 em học sinh được miễn phí. Lương hướng cho các giáo viên chiếm hết hơn phân nữa số học phí của các học sinh đóng góp lại. Các sh không thể làm khác hơn vì giá cả sinh hoạt tại Kon Tum rất đắc đỏ do thị xã này nằm ở nơi đèo heo hút gió, xa các trục giao thông chính yếu, thường xuyên mất an ninh và như thế, như bị cô lập so với các trung tâm sinh hoạt khác của đất nước. Nhà trường khó tìm ra được các giáo viên tại địa phương có nghiệp vụ cao. Phải chiêu mộ từ các nơi khác và điều này tỏ ra rất phức tạp.
Kết luận.
Trường La San Kim Phước được thành lập tại miền truyền giáo nên trường mang tính chất của một công cuộc truyền giáo : khó khăn tài chính, thiếu thốn về nguồn nhân lực cũng như tài lực, cô lập vv… Tuy nhiên tình hình lại tuyệt diệu trên phương diện tinh thần. Đấy là chưa kể tỉ lệ người có đạo Thiên Chúa khá cao (75% dân chúng), trẻ em ít bị lây nhiễm thói hư tật xấu và thường thuộc những gia đình có truyền thống Ki-tô giáo lâu đời. Và nhất trên phương diện giáo dục các con em người dân tộc. Đây là một công tác tương đối rất khó khăn nhưng các nhà truyền giáo đặt niềm hy vọng to lớn vào trường La San. Họ như là trông chờ vào tài năng khéo léo và tin cậy vào lòng tận tụy hy sinh của các sh. Họ không quên dành cho các sh mối thiện cảm hiếm thấy nơi khác. Các trẻ dân tộc đã bước đầu tỏ vẻ thân thiện và hoà đồng với các các trẻ người “kinh”. Công cuộc hội nhập của chúng xem ra không còn là vấn đề nan giải hay quá khó khăn khi các sh vừa đặt chân đến vùng đất “Làng Hồ” (Kon = làng, Tum=hồ).



Năm 1958

Nhân sự .
Cộng đoàn La San và cũng là ban giảng huấn của La San Kim Phước. Sau kỳ tỉnh tâm 1958, cộng đoàn gồm 05 sư huynh : Florent, Nivard, Gilbert, Raymondus, và Samuel. Sh này vừa nhận được lệnh đến Kon Tum để thay cho sh Innocent Từ được lệnh đổi về chuẩn viện đồi La San Nha Trang. Cuối tháng chín, sau cuộc thăm viếng chính thức của sh giám tỉnh, sh Samuel được chỉ định làm huynh trưởng của cộng đoàn. Và sau quyết định mở nhà nội trú, sư huynh Chrysologue được gởi đến Kon Tum để tăng cường nhân sự và đưa thành viên La San của cộng đoàn lên thành 6 sh.
Năm ngoái có 06 giáo viên ngoài. Năm nay thêm được 2 thầy nữa.
Học sinh.
Với việc mở thêm 03 lớp mới, số hoạc sinh đạt sĩ số là 900, nếu tính luôn 120 em của tiểu chủng viện được gởi sang học tại trưòng. Số học sinh dân tộc không thay đổi và đếm được khoảng 60 em và được chia rải rác ra trong tất cả các lớp ban tiểu học.
Giảng dạy. Lớp cấp hai mới, lớp đệ ngũ (lớp 8), đã khai giảng. Người ta cũng mở thêm 02 lớp nhất (lớp 5) và lớp năm (lớp 1). Và như vậy trường có tổng cộng là 11 lớp : 03 lớp trung học đệ nhất cấp (tức lớp 6, 7, 8 của cấp hai), 7 lớp tiểu học và 01 lớp đặc biệt dành cho các em nhỏ người dân tộc (thượng) để làm quen với tiếng Việt.
Chương trình học là chương trình chính thức của bộ giáo dục Việt Nam Cộng Hòa với sự tăng cường Pháp văn. Điều này dễ hiểu vì số chủng sinh của tiểu chủng viện khá đông và các em này vì phải học tiếng La tinh nên phải chuẩn bị từ tứ các em theo chương trình Pháp (giáo phận có truyền thống Pháp, đức giám mục Pháp, nhiều thừa sai Pháp, người dân tộc cũng thích tiếng Pháp theo như các linh mục Pháp …)
Trong kỳ thi tiểu học (lớp nhất, tức lớp 5) vừa rồi, có 48 em trúng tuyển trên 54 dự thi.
Sinh Hoạt.
Hội đoàn Chúa Giê-su Hài Đồng phát triển tốt và khởi sự biến thành vườn ươm ơn gọi đời tu. Trái lại đoàn Thanh Sinh Công và hiệp hội Thánh Mẫu đã ngưng hoạt động vì thiếu người dẫn dắt lành nghề.
Những sự kiện.
Ngày 6 tháng giêng, ông bộ trưởng giáo dục đã đến viếng trường. Lễ tiếp đón rất thân thiện và khách viếng cũng tỏ ra rất tốt bụng.
Ngày 8 tháng giêng, đức cha Harnet, giám đốc cơ quan cứu trợ Công giáo Mỹ tại Việt Nam đã đến thị sát 6 ngôi nhà của trường do cơ quan của đức cha đã giúp đỡ xây dựng.
Đầu tháng ba, chính quyền đã giao trách nhiệm cho trường chăm sóc 06 “học viên dân tộc” được học bổng của tổng thống : a/e trường La San rất lấy làm hãnh diện vì dấu chứng tin cậy này.
Phần bổ túc cho năm 1959
 …
đã được làm mới. Chúng đã được hấp tấp đóng mới bằng loại gỗ tạp.
Nguồn lợi tức.
Học phí là nguồn lợi tức duy nhất của trường. Dân chúng vẫn còn nghèo, thực phẩm hiếm, cách chung cả vùng này chưa được phát triển và nền kinh tế bước chậm, đi từng bước một. Gần như tất cả học sinh “người dân tộc” (khoảng 100 em) đều được miễn phí, không trả “một xu nào”. Cộng đoàn La San chưa đủ sức cải thiện và tổ chức việc học nên còn cần đến sự giúp đỡ đến từ những nơi khác.
Kết luận.
Kon Tum tiếp tục là một ngôi trường của xứ truyền giáo, với những phương tiện rất khiêm tốn và những kết quả không được kỳ diệu, đúng hơn là có vẻ mờ nhạt so với các trường La San khác. Các trẻ người kinh, tức là trẻ Việt Nam thì say mê học tập. Các trẻ người dân tộc thì ít say mê hơn. Các em cần được động viên, khuyến khích và được giúp đỡ nhiều. Về phương diện thiêng liêng và tinh thần : “lúa chín đầy đồng” với bao tâm lòng rộng mở (tỉ lệ dân Công giáo là 75%). Con cái cha Gio-an La San chắc chắn sẽ có một vai trò quan trọng tại trung tâm truyền giáo của vùng Tây Nguyên này, nhưng với điều kiện là các người thợ áo dòng đen cổ trắng này phải khiêm tốn, kiên nhẫn … và yêu thích trẻ, yêu thích người nghèo.


Phần bổ túc cho năm 1960

Ban giảng huấn :
10 giáo viên bên ngoài đã được nhà trường mời cộng tác. Các thầy Đệ và Hộ đã thôi việc. Các thầy Việt, Văn và Lài đến thay thế họ.
Lớp học.
Số học sinh cấp Tiểu học gia tăng nhiều và có 9 lớp được mở ra để đón tiếp chúng : như thế năm nay có mở thêm một lớp. 30 chú của tiểu chủng viện theo học lớp nhất (Lớp 5) tại trường.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp (bằng thành chung) , trên 26 thí sinh ứng thí chúng ta có 8 học sinh trúng tuyển : tuy nhiên đây là tỉ lệ cao nhất so với các trường khác trong tỉnh !
Kỳ thi tiểu học, các học sinh của chúng ta đậu được 33 em trên tổng số 45. Lại một tỉ lệ cao nhất.
Sự kiện .
21 tháng sáu, người ta bắt đồng hồ điện cho cộng đoàn tuy nhiên các sư huynh chỉ có điện ban đêm trong một số giờ mà thôi.
Ngày 27 tháng bảy, sư huynh giám tỉnh mới (sh Bernard) đến viếng thăm chào hỏi cộng đoàn và để thiết lập liên lạc với toà giám mục Kon Tum.
Cuối tháng tám, nhà trường tổ chức buổi ra mắt của các lớp với thân hào nhân sĩ của Kon Tum, trong đó có ông tỉnh trưởng, ông thanh tra tiểu học …
Tháng chín, sở thủy văn đến trường chúng tôi và xin đặt trong vòng rào trường một số trang thiết bị về khí tượng
Ngày 22 tháng 10, 2 học sinh của trường đã nhận lãnh bí tích thánh tẩy và qua hôm sau chịu lể lần đầu cùng với 23 bạn học khác
Vì nghèo nên chúng tôi không thể thực hiện được những dự án xây dựng lớn. Chúng tôi bằng lòng với công tác bảo trì, sửa chữa nhỏ, cải tạo chút chút. Nền sân chơi có mái che được tráng xi-măng và được biến đổi thành phòng họp. Sư huynh Girard đã tổ chức thành công hai buổi trình diễn văn nghệ với hai vở kịch “Polyeucte” và “Hai tù nhân”. Hai khu nhà dùng làm lớp phía tiểu chủng viện được nối liền nhau và tạo nên một phòng học mới. Các vách ngăn trong phòng ăn làm bằng I-sô-ren dễ bị mối mọt đã được thay thế bằng tường gạch. Trường cũng cho đào một giếng nước gần nhà ngủ nội trú.
Ơn gọi – hội đoàn :
Một chàng thanh niên người “dân tộc” đầu tiên đã lãnh nhận áo dòng sư huynh La San tại Nha Trang : đó là anh Amédée Kek tức sư huynh Florence Nghi. Sư huynh giám tỉnh đích thân mang ảnh chụp đến tận gia đình của sư huynh : cả gia đình “ngất ngây” trước tấm ảnh lạ lùng này.
Hai học sinh của chúng ta được gởi đến chuẩn viện Nha Trang và một em khác vào đệ tử viện Thủ Đức. Chúng tôi hy vọng là mỗi năm có thể gởi đến các nhà huấn luyện của tỉnh dòng từ 3 đến 5 thành viên.
Hội Nghĩa sĩ Chúa Hài Đồng và nhóm trẻ JEC phát triển tốt.
Nguồn lợi tức.
Học phí là nguồn lợi tức duy nhất của trường. Dân chúng vẫn còn nghèo, thực phẩm hiếm, cách chung cả vùng này chưa được phát triển và nền kinh tế bước chậm, đi từng bước một. Hầu hết các học sinh “người dân tộc” (khoảng 50 em) đều được miễn phí, không trả “một xu nào”. Cộng đoàn La San chưa đủ sức tự lập hoàn toàn : cần đến sự giúp đỡ đến từ nơi khác.
(Phần này là của năm nào ? Có lẽ năm 1963 .)
15/08 : một trong các thầy giáo của trường được nhận lãnh áo dòng La san tại Đồi La San Nha Trang. (Phải chăng thầy Tâm ?)
Hiện ở đệ tử viện Thủ Đức có 19 em là cựu học sinh của La San Kon Tum.
Mỗi thứ hai đều có lễ thượng cờ với sự hiện diện của tất cả các lớp. Sư huynh hiệu trưởng có lời hiệu triệu, chỉ dẫn hay tuyên dương thành tích các lớp học tập tốt …
Ngày 17 tháng 10, nhà trường tổ chức mững lễ chân phước Bá Ninh (Bénilde) bằng một thánh lễ trang trọng cho các lớp.
Nhà trường cũng có tậu mãi một thửa đất cách Kon Tum 6 km để làm nơi đi dạo hay cắm trại cho học sinh trường, nhất là nhóm các học sinh nội trú.
Đầu tháng (mười) một, sư huynh giám tỉnh có đến viếng thăm chính thức nhà trường và cộng đoàn La San Kon Tum.
Động sản và bất động sản.
Trường cho xây khu vực vệ sinh mới rất thuận tiện và thích hợp. Cũng có dự tính tráng nhựa một phần sân chơi vì nhà trường vừa nhận được của ân nhân 20 thùng nhựa đường.
Cũng vì số học sinh gia tăng nhiều mà phòng lớp thì nhỏ hẹp nên trường đã lên kế hoạch xây dựng mới các phòng lớp. Dự án của đức giám mục định xây dựng một khu nhà cho cộng đoàn La San và nhà ngủ cho nội trú của các sư huynh có vẻ như bị tạm gạt sang bên vì thiếu tài chánh.

Năm 1964

Nhân sự .
Sư huynh Thanh Phước được đổi về Sài Gòn. Cộng đoàn có thêm 3 sư huynh mới : sh Romain Khoan, Damien Liêm, và Florence Vân (Amédée Kek). Như vậy thành viên của cộng đoàn gồm tất cả là 7 sh.
Năm nay trường có mở thêm 2 lớp Đệ ngũ, vì thế có thay đổi trong hàng ngũ giáo viên ngoài. Các thầy Tâm, Lượng, Thế, Nhị, quản nhiệm các lớp đệ thất (lớp 6) và đệ lục. Các thầy Quý và Nhiên được lệnh nhập ngũ. Thầy Miều và cô Phượng dạy tiểu học.
Các lớp học.
Sĩ số học sinh không ngừng tăng nhiều. Con số này đã vượt qua 900, như vậy mỗi lớp đều có hơn 50 em học sinh.
Kỳ thi tiểu học, kết quả rất khả quan. 105 em học sinh trên 110 em đã đậu. Tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp là 17 trên 19 học sinh dự thi. Các sư huynh phải cất mới một nhà nguyện. Nhà nguyện cũ dùng làm phòng học cho lớp đệ tứ (lớp 9). Các sư huynh cũng cất thêm 2 phòng học mới, nối liền dãy phòng học với khu nhà nội trú. Các học sinh trường vẫn tiếp tục chứng tỏ tính ngoan hiền và gây được nhiều tiếng tốt cho nhà trường.
Sự kiện.
Ngày 29 tháng ba, đức giám mục Seitz và ông tỉnh trưởng (trung tá Nguyễn Văn Bê) đến chủ tọa lễ phát thưởng long trọng cho các học sinh trường La San Kim Phước.
Ngày 05/04, một cơn lốc xoáy thật mạnh làm bay nóc toàn bộ các phòng học và mang đi trọn 300 tấm tôn (tôle). Nói vậy chớ cũng tìm lại được một số, may mà nó không gây tai nạn chết người !
Vào tháng 10, chúng tôi được hân hạnh đó tiếp sư huynh tổng phụ quyền Lawrence O’Toole.
Mảnh đất thuộc quyền sở hữu của các sư huynh La San cách trường khoảng 6 km, nằm trên đường đi Pleiku được chăm sóc tốt và trở nên thật đẹp và thuện tiện cho các học sinh cấm trại. Ngày 15/08, cả trường đã kéo nhau đến đấy. Lại thêm một ngày tuyệt diệu.
Động sản và bất động sản.
Sân trường được cải thiện. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn thiếu dầu hắc để rải nhựa cho 2 sân chơi nhỏ. Khu lớp học giờ đây ăn thông với khu nhà các sư huynh và khu nội trú. Các sư huynh cũng khởi công san lấp một sân thể thao nằm về phần đất hướng Bắc của trường, phía chủng viện. Các vị cũng vừa sở đắc được một khu đất toạ lạc bên bờ sông Đakbla, gần làng Kon Mơnay.

Năm 1968

Nhân sự :
Năm nay,cộng đoàn các sư huynh phục vụ trường La San Kim Phước gồm có 5 sh : Apolinaire, Augustin, Henri, Manuel, Pasteur. Các sh Bonaventure, Borgia, Gabriel, Prosper di chuyển đến những trường La San khác trong tỉnh dòng.
Phần giáo sư ngoài thì năm nay chỉ còn lại thầy Viết. Thầy Thể sau biến cố Mậu Thân đi Qui Nhơn ngày 9/2.Thầy Luyện, thầy Chung cũng từ giả trường để lên đường nhập ngũ vì đã đến kỳ quân dịch. Thầy Lợi và thầy Long đến thay thế. Ở tiểu học, cô Hồng thế cô Đỉnh ngày 01/04 . Cô Diên thế thầy Đức đi quân dịch 01/04. Đầu niên khóa 68-69, cô Nhiệm thế thầy Bình cũng đi quân dịch. Vì số học sinh ở mẫu giáo khá đông nên cô Báu được tăng cường để giúp cô Hồng và cô Thanh.
Việc học :
Đầu niên khóa 68-69, có tất cả 3 lớp đệ lục, sau Tết dồn lại chỉ còn 2 lớp thôi. Kể từ niên khóa này, Nhà Nước bãi bỏ kỳ thi trung học đệ nhất cấp nên không còn cấp phát bằng cấp trung học nữa. Học sinh tuy ham chơi nhưng không khó tính lắm.
Những biến cố :
Sư huynh Phụ tá giám tỉnh Félicien đến thăm trường từ ngày 09 đến 12/01/68.
Ngày 30.01 tức mồng Một Tết Mậu Thân, các sh tản cư xuống Cuénot, mãi đến 6/02 mới về. Cha Rannou tiếp đãi rất tử tế và nuôi ăn miễn phí trong những ngày ấy: ngài không chịu nhận chi phí mà các sh đã trao.
26/02 : hỏa tiển VC rơi gần trường nên lệnh nghỉ học được ban ra. Nội trú và các sh lại đi ngủ ở Cuénot hơn 1 tuần lễ !
01/04 : Các học sinh trở lại trường. Sh giám tỉnh Bernard đến thăm trường vào đúng ngày này.
15/06 : Nghỉ hè. Năm nay không có tổ chức lễ phát phần thường vào dịp cuối năm. Học sinh tiểu học có buổi cắm trại và học sinh trung học tổ chức liên hoan vui với nhau để chia tay.
17/06 : Đặc biệt năm nay, cộng đoàn tỉnh tâm tại nhà vì tình trạng bất an tại Sài Gòn. Có đức Giám mục, cha Văn, cha Hoàng đến giảng phòng và giúp đỡ.
03/08 : Sh Mairot từ Pháp trở về đến Kon Tum và qua ngày 07/08, sh lên Kon Hring để tiếp tục sứ mệnh giữa các anh em dân tộc mà sh rất yêu mến và với quyết tâm dâng hiến trọn đời mình.
05/08 : Ban tiểu học khai giảng niên học 1968 – 1969. Ban trung học khai giảng ngày 07/08.
19/11 : 2 Sư huynh Georges Olympius và Félicien đến thăm trường và cộng đoàn La San Kim Phước. Hai ngài có lên thăm La San Kon Hring bằng trực thăng và trở về Sài Gòn ngày 22/11.
26/11 : Sh giám tỉnh Bernard có lên thăm trường và rời đi Qui Nhơn ngày 29/11.
22/12 : Lúc 7 giờ chiều, một hỏa tiển 122 ly của VC rơi cạnh hồ tắm. 01 em nội trú bị thương, may phúc nhẹ thôi ! Cửa kính bể rất nhiều. Các sh và học sinh nội trú đang dùng bửa gần xong.
Ơn thiên triệu.
Năm nay có 03 em học sinh xin gia nhập đệ tử viện Thủ Đức. 14 em khác, phần đông là học sinh các lớp nhất và đệ thất vào các tu viện (đệ tử viện) khác và nhất là vào tiểu chủng viện Kon Tum.
Nhận xét chung.
Năm nay số học sinh người dân tộc đông nhiều hơn các năm trước. Một lớp riêng dành cho các học sinh dân tộc đếm được 32 em. Nhà trường có chính sách đối xử tương đối khá dễ dãi với các em học sinh này.
Cũng vậy, sĩ số học sinh toàn trường vẫn đông, nhất là ban tiểu học.
Trường có dự tính xin chính phủ trợ cấp để xây thêm lớp và nhà ngủ nội trú.
Vì chiến sự gia tăng ác liệt, vì lệnh động viên và quân dịch phổ quát, nên việc tìm được giáo sư ngoài cho cấp II rất khó khăn. Nhà trường đã nghĩ đến giải pháp chiêu mộ các thầy phục vụ tại ty cảnh sát là những người tương đối ít di chuyển, và như vậy việc giảng dạy có thể liên tục hơn.

Năm 1969

Ban giảng huấn.
Niên học 69-70, trường có các sư huynh mới là Théophile, Virgile và Joešl. Các sư huynh Apolinaire, Augustin vẫn tiếp tục phục vụ tại đây, và sh Mairot vẫn lo các học sinh Thượng.
Cô Lý thế thầy Thiệt nghỉ vì lý do sức khoẻ.
Cô Sự thế cô Thi vì quá bận việc nhà.
Cô Yến đi làm sở Mỹ được thay bằng cô Bông.
Giáo viên ban tiểu học tương đối ổn định, không thay đổi bao nhiêu. Trong khi ấy thì giáo sư ban trung học lại thay đổi nhiều vì hầu hết họ phải nhập ngũ.
Các giáo sư mới là thầy Côn, thầy Được, thầy Hĩ, thầy Ngọc. Như vậy ban giảng huấn cấp II chỉ còn các thầy Việt và thầy Ỷ.
Học tập.
Sĩ số học sinh năm nay (69-70) là 1 270 em. Như vậy số học sinh không thay đổi bao nhiêu.
Đặc biệt, năm nay trường có 2 lớp đệ tứ.
Số học sinh người dân tộc tăng lên đến 138 em, kể cả 24 em nội trú. Trẻ em xuất thân từ các buôn làng đông lên vì cha mẹ chúng đang sống tại các vùng thiếu an ninh đã bỏ các nơi ấy để tựu về Kon Tum mà định cư … và nhất là vì số trẻ em chết yểu (non, trẻ) đã giảm đột biến từ vài năm nay nhờ sự tận tụy của nữ bác sĩ Smith, giám đốc bệnh viện Minh Quý. Trường có một lớp dành riêng cho “học sinh dân tộc”. Trường cũng đang tiến hành xin một giáo viên để mở thêm một lớp cho các trẻ này vì trường nhận thấy chúng ở trong độ tuổi đang theo học các lớp tư (lớp 2) và lớp ba chưa hiểu tiếng Việt lắm và nhất là vì chúng cần có một chế độ học tập đặc biệt, cần được theo dõi, cần được khuyến khích …
Anh Nguyễn Tấn Cường, học sinh lớp đệ tứ (lớp 9) được hội đồng văn hóa lựa chọn làm đại diện cho toàn tỉnh – sau một cuộc thi tuyển – để dự thi hùng biện về Anh Văn tại Pleiku (vùng hai chiến thuật).
01/09 . Khởi công xây dựng nội trú Thượng (dân tộc). Nhờ cha Thuận vất vã nhiều - xuôi ngược biết mấy mươi lần đến Pleiku, Biệt khu, cây số 8, công binh Mỹ … - nên nhà trường mới có được vật liệu trợ cấp phụ thêm vào công trình.
Đầu niên khóa, 02 sư huynh Joešl và Virgile đến thay 02 sư huynh Clément và Manuel. Hai sư huynh này được đi tu nghiệp.
02/09 : Tiểu học khai giảng.
06/09 : Trung học khai giảng.
Năm nay ngày khai giảng có hơi muộn vì sư huynh hiệu trưởng phải dự khoá tu nghiệp, rồi đến hội đồng dòng kéo dài đến 07/08 mới xong.
07/09. Sư huynh Théophile lên thế sư huynh Chrysologue. Thật ra, lúc đầu sư huynh này có sự vụ lệnh lên Kon Tum nhưng đến phút chót, lại có lệnh phải về công tác tại đệ tử viện Thủ Đức nên mới có sự thay người như trên.
05/10. Có tin sh giám tỉnh đến thăm cộng đoàn nhưng vào giờ chót, ngài không tới được vì thời tiết xấu, và ngài bị kẹt lại tại Huế.
25/12. Nhà trường định tổ chức long trọng lễ Giáng Sinh (canh thức, thánh lễ, cắm trại, liên hoan …) nhưng tin cho hay là thị xã có thể bị tấn công nên đành phải bãi bỏ tất cả dự định. Tuy nhiên để “vớt vát”, trường còn giữ lại các hoạt động như thi làm máng cỏ, xổ số, và cắm trại cho học sinh tiểu học.
Ơn Thiên triệu.
Có 05 em gia nhập đệ tử viện Thủ Đức.
01 em gia nhập chuẩn viện Nha Trang.
13 em đi dòng Giu-se, chủng viện Đà Lạt và Kon Tum.
Để kết.
Số học sinh có thể tăng nếu nhà trường mở thêm lớp. Phụ huynh và học sinh có ý kiến xin mở trung học đệ nhị cấp (cấp III). Trong khi đó, trường lại gặp khó khăn về tài chính vì đã hai năm nay, trường cố giữ cho học phí không tăng để giúp đa số các gia đình nghèo có con đi học nhưng “cùng một trật”, lương các giáo viên, giáo sư vẫn phải tăng, vật giá vì chiến cuộc cũng tăng, rồi lại còn phải giúp đỡ các học sinh nội trú người dân tộc …