Trường thánh Michel tại Tân Định
(Tiền thân của La san Đức Minh)

 ducminh-xua1.jpg (27881 bytes)





Ngày 1 tháng Ba năm 1902

Bản khế ước liên quan đến trường Saint Michel Tân Định.

* Giữa đức cha Lucien Mossard , giám mục hiệu tòa Médée, đại diện tông tòa hành xử nhân danh Hội thừa sai địa phận Tây Đàng Trong
* Và Sư huynh Ivarch Louis, giám tỉnh miền Đông Dương, hành xử nhân danh Dòng các sư huynh trường Ki-tô, trụ sở tại 27 đường Oudinot, Paris.
Những qui ước được ấn định như sau :
Điều I : Trường thánh Michel (Saint Michel), sở hữu của Hội thừa sai và dưới danh nghĩa Hội này nó được cấp phép, được đặt dưới quyền điều hành tối cao của vị đại diện tông tòa.
Điều 2 : Qua bản hợp đồng này, Hội thừa sai trao lại cho các sư huynh trường Ki-tô, khu đất và các khu nhà Tiểu chủng viện cũ của Tân Định, bao gồm cô nhi viện, công trình phục vụ trẻ câm điếc và nhà ngoại trú, theo các điều khoản sau đây :
Hội thừa sai duy trì quyền sở hữu trên bất động sản này. Các sư huynh có trách nhiệm thanh toán các thuế má, gánh chịu các phí tổn (trong vòng 17 năm, các sh mỗi năm phải gởi 24 $ về toà giám mục để xin dâng 12 thánh lễ cầu nguyện cho các ân nhân), chi phí về bảo trì nhà cửa, bàn ghế, các dụng cụ, vv… mà họ phải tự mua sắm và cũng vì thế, chúng phải thuộc quyền chi phối của họ.
Các sư huynh cung ứng nhân sự cần thiết để trường hoạt động tốt, hợp theo những gì đang diễn ra trong các trường học thuộc loại này mà Nhà dòng đã tiếp nhận. Trong trường hợp họ không đủ số sư huynh để phục vụ và phải nhờ đến sự tiếp tay của các thầy giáo bên đời, họ có bổn phận chi trả toàn bộ lương hướng cho các thầy này. Đổi lại, khởi từ ngày 01 tháng Ba năm 1902, họ được toàn quyền thừa hưởng mọi nguồn lợi xuất phát từ ngôi trường này, trên bất cứ phương diện nào.
Điều 3 : Khi gặp những trở ngại lớn, sh hiệu trưởng phải đến xin ý kiến của vị đại diện tông tòa ; ngài sẽ vui lòng dùng quyền uy cao trọng của mình để hỗ trợ
Thứ nhất là bản báo cáo hằng năm cho hội đồng cố vấn thuộc địa để duy trì được những trợ cấp hàng năm hiện hành, và nếu có thể được, những yêu cầu trợ cấp mới dành cho những trẻ câm điếc và những cô nhi Việt Nam.
Thứ hai là bản thỉnh nguyện xin trợ giúp mà các sư huynh dự tính đề nghị với Hội đồng đặc trách công tác Thánh nhi (Sainte Enfance) nhằm nuôi dưỡng các cô nhi.
Hội thừa sai sẽ góp sức cộng tác với các sư huynh trong việc xây dựng gia đình hoặc tìm công ăn việc làm cho các trẻ câm điếc khi chúng đến tuổi trưởng thành (20 tuổi).
Điều 4 : Trong trường hợp cần phải xây cất mới hay cần sửa chữa đại tu, các sư huynh bàn thảo với vị đại diện tông tòa về sự thiết yếu thật sự của chúng, và sau sự thỏa thuận tiên khởi này, các sư huynh sẽ lo quyết toán các chi phí. Trong mọi trường hợp, nếu Hội thừa sai đi đến quyết định sa thải họ, Hội phải đền bù những chi phí phát xuất từ những xây cất mới, chi phí này được tính theo giá trị các khu nhà vào thời điểm họ phải ra đi. Điều này cũng được áp dụng đối với những sửa chữa lớn, có giá trị nhiều hơn năm trăm đồng (500 $ ). Nếu các sư huynh tự ý rút lui vì bất cứ lý do nào khác, họ không được quyền đòi hỏi gì cả.
Điều 5 : Trong nhà trường, người ta sẽ thiết lập một nhà nguyện tư, có đặt Mình Thánh Chúa. Thánh lễ sẽ được cử hành tại đây mỗi tuần một lần nếu có thể được và vào một ngày nhất định được thỏa thuận trước giữa vị thừa sai chịu trách nhiệm lo cho cộng đoàn dân Chúa tại Tân Định và sư huynh hiệu trưởng.
Vị đại diện tông tòa quan tâm hết mình về việc hướng dẫn thiêng liêng cho các sư huynh, bảo đảm cho họ có một cha giải tội thường nhật và ngoại lệ.
Để phụ trách việc dạy giáo lý và giải tội cho các học sinh, sư huynh hiệu trưởng sẽ thỏa thuận trước với cha sở họ đạo.
Điều 6 : Trong việc dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, các sư huynh sẽ áp dụng phương pháp của Nhà dòng họ, đồng thời cũng gắng kết hợp với chương trình hiện hành trong xứ.
Đối với công tác dạy nghề, trong chừng mực có thể được, các sư huynh huấn luyện cho các trẻ câm điếc những nghề thông dụng tại địa phương.
Năm học kéo dài khoảng mười tháng. Các kỳ nghỉ lớn rơi vào tháng giêng và tháng hai (Tết). Vào tháng Bảy sẽ có 15 ngày nghỉ. Trong những ngày nghỉ, các trẻ mồ côi nội trú sẽ lưu lại tại trường dưới sự chăm sóc của các sư huynh.
Điều 7 : Trong trường hợp trợ cấp của nhà nước thuộc địa bị cắt bỏ, trường câm điếc sẽ được bảo lưu trong chừng mực có thể được, với những cứu trợ của hội Thánh Nhi và những tặng phẩm ngẫu nhiên. Hội thừa sai cũng như các sư huynh không đảm bảo duy trì công cuộc từ thiện này bằng lợi tức riêng của họ.
Điều 8 : Nếu Hội thừa sai muốn cho các sư huynh thôi việc hoặc nếu những vị này bị bắt buộc phải rút lui, một thông báo sẽ phải được gởi đến hai bên trước thời hạn là sáu tháng.
Bản khế ước này là tạm thời. Nó sẽ chỉ là tối hậu đối với hai bên ký kết sau một thời gian thử nghiệm là hai năm , tính từ ngày 01 tháng Ba năm 1902.
Làm tại Sài Gòn, với ba bản văn và được ký nhận.
Giám tỉnh dòng La San                                  Đại diện tông tòa
Sh Ivarch Louis                                        GM. Lucien Mossard

Năm 1951
Tháng tám năm 1951 : do quyết định của ban lãnh đạo tỉnh dòng, các sh làm việc tại Tân Định thành lập một cộng đoàn chính thức với huynh trưởng (kiêm hiệu trưởng) đầu tiên là sh Jourdain. Sh này trước đã rời Nha Trang để vào Sài Gòn lãnh trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn mới thành lập vào ngày thứ hai, 20/08/1951. Thành phần các sh của cộng đoàn giống như năm rồi, 1950, ngoạt trừ sh Émile, cựu hiệu trưởng trường, được gọi xuống Mỹ Tho để điều hành nhà đệ tử tại đấy. Như vậy cộng đoàn gồm các sh Jourdain, Aimé, Hubert, Alexis và Charles.
03/09 : tựu trường. Cũng như các năm trước, các lớp đều đầy học sinh. Ngày đầu tiên sĩ số học sinh là 714 em. Có một chút thay đổi trong tổ chức trường lớp : có hai lớp cours supérieur (lớp nhất chương trình Pháp) và hai cours moyen (lớp nhì chương trình Pháp) thay vì một lớp nhất và 3 lớp nhì như năm ngoái.
09/09 : hôm nay là ngày chúa nhật, ngày được tổ chức để học sinh cựu và đương thời long trọng biểu lộ lòng biết ơn đối với các sh. Hôm nay cũng diễn ra lễ đón tiếp sư huynh giám tỉnh Việt Nam tiên khởi, và nghi thức thành lập cộng đoàn theo luật định.
Các cựu học sinh và học sinh hiện tại của trường thánh Louis hân hoan chúc mừng sh Cyprien Gẫm[1] được nâng lên hàng lãnh đạo cao cấp nhất của tỉnh dòng La San tại xứ sở quê hương này.
Một thánh lễ được cử hành tại nhà thờ họ để cầu nguyện cho các ân nhân, giáo sư và học sinh, còn sống hay đã qua đời của trường thánh Louis. Sau khi đọc Phúc Âm, vị cha sở đáng kính của họ đạo với giọng nói đầy xúc động, đã không tiếc lời ca tụng lòng nhiệt thành phục vụ của các sh đã đổ ra mà không hề tính toán trong 28 năm qua. Ngài hùng hồn khuyên cử tọa hãy đem ra thực thi lòng biết ơn, một nhân đức hiếm hoi. Bằng lời lẽ thật xúc động và ngưỡng mộ, cha đã nhắc lại kỷ niệm của sh Pierre, một trong những cựu hiệu trưởng của trường, mà sự nhiệt thành và lòng nhân từ vẫn còn đậm nét trong trí nhớ của mọi người.
Tại sân trường, một khán đài được dựng lên cho buổi lễ nghênh tiếp sh tân giám tỉnh Việt Nam. Một học sinh tiến lên đọc bài diễn văn rất trau chuốt để chúc mừng sh giám tỉnh và nói lên niềm hãnh diện trước sự kiện có một vị lãnh đạo tài hoa đồng hương đứng đầu các sh tại Việt Nam, cũng như thay mặt cho tất cả các học sinh để tỏ lòng biết ơn về nền giáo dục được lãnh nhận từ tay các sh .
 

Năm 1952
Tháng giêng : từ ngày 09 đến 12/01 diễn ra cuộc tĩnh tâm cho các học sinh chuẩn bị chịu lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích thêm sức.
8g00 sáng ngày 12/01, trước mặt đông đủ các bạn đang tập hợp trong nhà thờ, 5 học sinh tiến lên lãnh nhận thiên chức làm con Chúa qua bí tích thanh tẩy do cha phó Phê-rô Thông chủ sự. Đó là các bạn trẻ : Phao-lô Lê văn Hiệp, Phêrô Đặng văn Ngữ, thuộc lớp nhất (cours supérieur), Phao-lô Nguyễn văn Oanh, Giu-se Dương Đình Ngưỡng, Phao-lô Nguyễn văn Minh, thuộc lớp nhì (cours moyen).
Ngày hôm sau, 13/01, các học sinh này tiến lên rước Mình Thánh Chúa cùng với 15 bạn đồng song và buổi chiều cùng ngày, chúng lãnh nhận bí tích thêm sức một lượt với 80 bạn học khác.
24 /01 : nghỉ Tết Nguyên Đáng đến ngày 25 tháng hai. Đặc biệt năm nay, các học sinh được nghỉ tết một tháng thay vì 10 hay 12 ngày như mấy năm trước. Trái lại, vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, chúng sẽ chỉ còn được nghỉ 5 ngày thay vì một tháng như trước kia.
Ngày 09/04 : cả trường họp mặt để tiển đưa 4 học sinh lên đường ra Nha Trang để gia nhập chuẩn viện. Giữa những xúc động chung, một trong 4 học sinh trên phát biểu về một trong những lý do quan trọng của sự dấn thân này là bạn ấy ý thức rằng số các sh chăm lo cho giáo dục giới trẻ hãy còn thiếu rất nhiều, và điều này thôi thúc bạn rất mạnh !
Ngày 02/05 : một học sinh khác tên Nhiên cũng lên đường theo gót 4 bạn đi trước ra Nha Trang.
Ngày 09/06 : một trăm học sinh đã đậu bằng tiểu học trên 118 thí sinh ứng thí.
Ngày 29/06 : 80 học sinh “rước lễ bao đồng”.
Ngày 09/09 : Sân chơi mới có mái che được khánh thành. Từ nay, khi trời mưa trong giờ ra chơi, các học sinh có nơi trú ẩn an toàn. Chính các cựu học sinh đã quyên góp kinh phí để xây dựng sân chơi này.
Tháng 10, nghĩa vụ quân sự đã tướt mất đi một thành viên của trường thánh Louis, sư huynh Alexis, một người thầy dễ thương và tận tâm. Tuy nhiên các học sinh cũng được mau chóng an ủi ngay sau đó khi sư huynh Michel Thiên vui tính được gởi đến để thay thế người ra đi.
07 học sinh lên đường gia nhập chủng viện Sài Gòn. Một buổi lễ đơn giản được tổ chức để tiển đưa các tân chủng sinh. Sau đó là các trò chơi dân gian và một bửa tiệc được các cựu học sinh tổ chức để khoản đãicác bạn ấy.
Tĩnh tâm cho các học sinh : trong thời gian đầu những ngày nhập học, từ 20 đến 22 tháng chín, các học sinh được mời gọi thực hiện một cuộc tĩnh tâm. Cha sở Vàng lãnh trách nhiệm giảng và hướng dẫn cuộc cấm phòng này. Thật đáng nể phục cảnh một cha sở lo lắng cho bọn trẻ và tận tụy hy sinh nhiều cho công tác khó khăn này. Xin Chúa thúc đẩy cho có nhiều cha sở thuộc loại khí phách giống vậy.
Ngày 10 và 11/11 : Trường ăn mừng lễ 300 năm ngày sinh của Thánh Gio-La San, đấng sáng lập dòng La San. Chiều thứ bảy ngày 10/11, một buổi văn nghệ đặt dưới sự chủ tọa của sh giám tỉnh Cyprien, biểu diễn cho các học sinh, cho phụ huynh của các em và cho các ân nhân của Trường xem. Sáng Chúa nhật 12/10, trước khi thánh lễ trọng thể được cử hành tại nhà thờ họ Tân Định, trường tổ chức một cuộc kiệu tượng thánh Gio-an La San phát xuất từ sân trường ra đường Mayer[2], quẹo sang đường Paul Blanchy và tiến vào nhà thờ. Đoàn kiệu gồm rất đông giới trẻ, ngoài sự hiện diện của toàn bộ học sinh cơ hữu của Trường, còn có sự hiện diện của phái đoàn các nữ sinh của trường bạn láng giềng do các nữ tu Saint Paul de Chartres điều hành, phái đoàn những phong trào trẻ học đường của trường Taberd và của các xứ đạo chung quanh. Đây quả là lần đầu tiên, kể từ năm 1945, người ta chứng kiến được cảnh một đoàn kiệu của phía Công giáo trên công lộ của khu vực quanh giáo xứ Tân Định.
Để đánh dấu sự nể phục và hảo ý của mình đối với các sư huynh, cha sở họ đạo cho trang hoàng giáo đường với tất cả những gì gọi là đẹp nhất, cho “giựt” toàn bộ các chuông của nhà thờ ngay từ chiều hôm trước để báo cho các tín hữu biết là hôm sau có lễ lớn và mời gọi họ đến tham dự đông đủ. Tiếng chuông hân hoan và biểu lộ niềm vui sâu xa này tiếp tục đổ dồn khi đoàn kiệu tiến vào nhà thờ. Một bức tranh[3] cao hai thước rưởi trình bày cha thánh Gio-an La San đứng giữa một nhóm học sinh, được đặt ngay phía trên bàn thờ chánh. Trước thánh lễ, cha sở Vàng đã nói nhiều về cuộc đời của thánh nhân và về các công trình mà ngài đã thực hiện. Và cũng mượn dịp này, cha nói lên lời cám ơn sư huynh giám tỉnh đã cho thành lập theo luật định một cộng đoàn các sư huynh tại họ đạo này. Người ta thấy rõ ngài rất lấy làm hãnh diện vì có được một ngôi trường La san tọc lạc ngay trên xứ đạo của ngài. Sau thánh lễ, cha bề trên Khâm đại diện địa phận Sài Gòn và cũng là cha xứ của họ đạo Thủ Thiêm, cử hành thánh lễ trước một cử tọa đông đúc và trang nghiêm. Sau thánh lễ, các cựu học sinh phân phối các ảnh kỷ niệm của buổi lễ và các học sinh được lót dạ bằng “buổi cơm tay cầm”…
 

Năm 1954
09/01 : 3 học sinh của trường là Lê Quan Thanh, Lê Quan Liêm và Lê văn Thiên lãnh nhận bí tích thanh tẩy tại nhà thờ Tân Định. Qua ngày hôm sau, 10 tháng 01, các học sinh này rước lễ lần đầu cùng khoảng 20 bạn khác.
25/01 : Nghỉ Tết Nguyên Đáng đến hết ngày 15/02.
Trước khi chia tay về nghỉ Tết, và theo tục lệ các năm trước, các học sinh cùng ban giảng huấn họp nhau tại sân trường để chúc tết cha sở và 04 cha phó của ngài. Hai buổi văn nghệ được tổ chức tại trường, một dành cho học sinh và một dành cho các bậc phụ huynh. Buổi văn nghệ này thành công mỹ mãn và lôi kéo gần như toàn thể phụ huynh của gần một ngàn học sinh cơ hữu của trường đến dự khán. Các phụ huynh này rất vui khi chứng kiến con em họ tham gia trình diễn trong các tiết mục đủ loại như ca múa, ngâm thơ, diễn tuồng …
21/02 : lễ kim khánh kỷ niệm 50 năm khấn trọn của sh hiệu trưởng và cũng là huynh trưởng của cộng đoàn La San Tân định. Sh tổng phụ quyền đến tham dự lễ với tư cách chủ tọa. Buổi lễ diễn ra tốt đẹp và cách nào đó, rất thành công.
15/05 : Lễ mừng cha thánh tổ phụ La san. Nhân dịp này trường tổ chức hội chợ để gây quỹ cho các công tác La San. Ngày lễ vui này được kết thúc vào chiều chúa nhật, 16/05, bằng một buổi chiếu phim với hai phim thật ấn tượng : Phim “Nhật Bản chìm trong biển máu[4]” và phim “Sứ vụ cao quí”.
17/07 : Sau kỳ cấm phòng năm - diễn ra từ ngày 5 đến 13 tháng 7 - kết thúc, sh Joachim Thuận từ trường đồi La san Nha Trang đã về đến Tân Định để thay chỗ cho sh Jean-Marie Vinh được gọi về học viện Nha Trang.
27/07 : sh Fançois Nghi di tản từ trường Puginier Hà Nội, nay gia nhập cộng đoàn La san Tân Định và nâng tổng số các sh lên thành 6 thành viên.
03/09 : ngày khai giảng niên khóa 54-55 của trường La san Đức Minh (tên mới của trường thánh Louis Tân Định). Năm nay trường mở thêm lớp 4è (đệ ngũ Pháp)
16/12 : sh Aimé Minh nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyể về La san Taberd. Người ra đi nhưng còn nhiều vương vấn : vương vấn của các học sinh và vương vấn của người đi ! Sh được thay thế bằng sư huynh Adolphe Minh, đến từ trường Mossard Thủ Đức.
 

Năm 1955
17/01 : lễ hằng năm dành riêng cho các bậc phụ huynh. Như những năm trước, rất nhiều phụ huynh đã đến tham dự ngày lễ để tôn vinh sự thân ái và lòng biết ơn. Khá nhiều người rất hãnh diện thấy con em mình tham dự vào các tiết mục trình diễn, nhất là khi thấy con em còn bé tí xíu của họ xúng xính trong bộ quần áo các thị đồng.
Nhằm cứu trợ những nạn nhân trong những biến cố lửa đạn binh đao xảy ra trong thời gian từ 28/04 đến 15/05, một cuộc lạc quyên được tổ chức trong các lớp và kết quả thu được là 3 500 $ và một ít quần áo.
Ngày 24/05 là ngày thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp Pháp (B.E.P.C). Được bồi dưỡng thêm, 25 học sinh lớp đệ ngũ (4è) của trường đã cố gắng đi ứng thí. 4 thí sinh đã đậu hoàn toàn, 2 được chính thức nhận cho thi kỳ hai và 4 cũng được phép thi kỳ hai. Trong số các thí sinh đã đậu, nhiều em đã được nhận vào học lớp đệ tam chương trình Pháp (classe 2nde) tại Taberd.
Ngày 06/06 diễn ra kỳ thi tiểu học và trường Đức Minh có 60 em đã đậu được bằng này.
Thứ bảy 18/06, một học sinh lớp 5è tên là Éloi Trần Ngọc Thái đã lên đường vào chuẩn viện Nha Trang. Một em học sinh khác đang học lớp 4è, Louis Nguyễn Thới Hiệp[5] cũng nối gót theo một ít lâu sau đó.
Ngày 01/08, chức vụ huynh trưởng và hiệu trưởng có sự thay đổi : sh Harman Minh từ Nha Trang vào thay sh bề trên Jourdain de Saxe. Ngày hôm sau, vị này rời đi Sóc Trăng và kiêm nhiện chức vụ phó huynh trưởng tại cộng đoàn này.
Để tỏ rõ sự hài lòng của mình, cha Sở Vàng từ nay gởi các cha phó thay phiên nhau mỗi ngày đến dâng lễ cho cộng đoàn Đức Minh. Đây là ưu đãi của giáo xứ mà cộng đoàn các nữ tu Saint Paul de Chartres dù tọa lạc kế bên, dù có 20 nữ tu và dù có 150 nữ sinh nội trú cũng không hưởng được !
Ngày tựu trường được ấn định vào ngày 02 tháng chín. Trong niên học mới, trường mở thêm lớp 5è moderne thứ hai và một lớp 3è. Như vậy trường có tất cả 16 lớp dù chỉ có 12 phòng học. Để giải quyết vấn đề thiếu phòng ốc, 08 lớp bậc trung học cũng học 2 buổi nhưng được chia ra như sau : các lớp A, sáng học từ 7 đến 9g00 và chiều từ 14 đến 16g00 ; các lớp B sáng học từ 9 đến 11g00 và chiều học từ 16 đến 18g00. 8 lớp tiểu học thì học hai buổi như thường, tức là sáng từ 7 đến 10g00, chiều từ 14 đến 17g00. Và để làm theo tinh thần cha thánh Gio-an La San, 02 lớp đầu cấp tiểu học được hưởng qui chế hoàn toàn miễn phí. Điều này làm hài lòng mọi người dân quanh vùng.
Trường Đức Minh được hân hạnh là nơi đầu tiên đón tiếp sư huynh tổng phụ quyền Zacharias khi ngài vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn ngay ngày hôm trước, ngày 09/09. Sự kiện này xảy ra gần giống như chuyện Đức Giê-su của chúng ta tiến vào Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa con vào ngày lễ lá. Trong trường hợp của sh Zacharias, con lừa con biến thành chiếc xe Packard “mới cáu cạnh”, ngay cả chưa có thời gian để gắn lên bản số lưu thông ! Khán đài, cờ xí, hàng rào danh dự, hát hò, diễn văn chào mừng, giới thiệu các cự học sinh tham gia tổ chức lễ … tất cả đều theo thông lệ của một lễ hội lớn ! Sau buổi tiếp tân là một buổi tối trời thanh mây tạnh với một xuất chiếu phim mới cho bọn trẻ : “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”. Cuộc lễ gia đình được kết thúc trong niềm hân hoan của mọi thành viên.
Ngày chúa nhật 04/12, trong một nghi thức hết sức long trọng, giáo xứ Tân Định vui mừng đón chào đức tân giám mục Nguyễn văn Bình, vị giám mục tiên khởi của địa phận Cần Thơ vừa mới được thành lập. Ngài là cựu học sinh của La San Đức Minh và cách đây 45 năm, ngài đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy tại ngôi nhà thờ với lầu chuông cao vút này. Sau lễ đón tiếp, một bửa tiệc được tổ chức tại sân trường có mái che của Đức Minh để khoản đãi 200 thực khác gồm những vị nhân sĩ trong vùng và các bạn bè cũ mới của vị tân giám mục. Qua ngày hôm sau, tức ngày thứ hai trong tuần, các học sinh lại được dịp hân hoan đón chào vị đàn anh đặc biệt đến viếng thăm chính thức mái trường xưa.
Trong dịp canh thức áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trước sự chứng kiến của các giáo sư và học sinh La San Đức Minh, sh hiệu trưởng chánh thức dâng hiến ngôi trường lên Đức Trinh Nữ. Hôm sau, ngày 08/12, trong thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ, 72 học sinh tiến lên cung thánh để rước Mình Thánh Chúa lần đầu.
Ngày 23/12, nhà trường tổ chức một thánh lễ trọng để cầu nguyện cho các ân nhân và bạn hữu đã qua đời từ ngày thành lập trường đến ngày nay. Tại bửa cơm gia đình, người ta thấy có thêm sự hiện diện của sh giám tỉnh, huynh trưởng cộng đoàn Taberd và cha sở Tân Định.
Năm nay, thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh được cử hành trên sân trường trước mặt đông đủ học sinh và các giáo hữu sống quanh khu vực trường. Theo lời chứng của nhiều người thân quen đã từng dự lễ tại đây, buổi lễ diễn ra trong bầu không khí hết sức sốt sắng. Ba linh mục cho chịu lễ trong nữa tiếng đồng hồ !
Với mùa Giáng Sinh, trường Đức Minh ghi nhận thêm được 1 tân tòng nơi các học sinh của mình. Đó là bạn trẻ Gio-an Phạm Trọng Lễ. Em chịu phép rửa đúng vào ngày 25/12/55. Các bạn khác của em vào đạo sớm hơn: Raphaešl Đoàn Trọng Kính rửa tội ngày 15/08, Phê-rô Vũ Thanh Minh và Giu-se Nguyễn văn Sản rửa tội ngày 08/12.
 

Năm 1961
Năm nay nhân sự của cộng đoàn Đức Minh hầu như không thay đổi. Hầu như vì thực ra, sau kỳ cấm phòng năm chỉ có sh Julien Ký được gọi lên Đà Lạt. Thế chỗ cho sh này, sh Elie Hoan, cựu bề trên chuẩn viện từ hơn 09 năm qua, được miễn công tác huấn luyện nặng nhọc để ghé vai vào gánh vác trách nhiệm huynh trưởng của cộng đoàn gồm nhiều “thợ lành nghề” !
Trong thời gian nghỉ hè, từ tháng sáu đến hết tháng bảy, Đức Minh đón nhận sự giúp đỡ tận tình của sh Christian, cựu học sinh của Đức Minh và là sh học viện năm một. Sh này đến thay thế cho sh Boniface, người đang ra Nha Trang để chuẩn bị thi lấy chứng chỉ văn chương Việt Nam. Ban giảng huấn đời tức các giáo sư bên ngoài đến cộng tác giảng dạy tại Đức Minh, lại càng ổn định hơn. Từ nhiều năm qua các giáo sư này được ưu điểm là không thay đổi và nhờ vậy, họ áp dụng thành thạo các phương pháp và những phong cách được lưu truyền trong các trường La san.
Về sĩ số học sinh thì năm nay có phần gia tăng chút ít. Vào đầu niên khoá 61-62, số học sinh toàn trường là 1300. Sau đó do nhưng biến động “tự nhiên”[6], nên cuối năm sĩ số còn lại là 1275, một con số vẫn còn cao nếu đem đối chiếu với cơ sở vật chất mà nhà trường đang đem vào sử dụng. Tuy nhiên vì là trường đạo duy nhất dành cho nam sinh của họ đạo Tân định, nên khó lòng mà từ chối các học sinh công giáo quanh vùng, nhất là các học sinh cấp tiểu học và cấp lớp đệ thất ! Do vậy chúng ta thấy trước là trong niên khóa 62-63 sắp tới, chắc trường sẽ không tổ chức kỳ thi tuyển chọn học sinh mới, và ngay cả cho học sinh cấp 1 vì các chỗ học sẽ được ưu tiên dành cho các học sinh hiện tại của trường.
Kết quả các kỳ thi rất tốt. 110 học sinh đậu bằng tiểu học, 33/48 đậu bằng trung học đệ nhất cấp. Kết quả này tốt nhất từ khi trường áp dụng chương trình Việt và đây cũng là một trong những kết quả cao nhất của đô thành Sài Gòn.
Các sư huynh sinh viên cũng thu lượm kết quả khả quan : 5 chứng chỉ cử mhân.
Về mặt vun trồng ơn gọi, trường cũng thu hoạch nhiều kết quả khích lệ : 4 ơn gọi vào tiểu chủng viện, 4 vào chuẩn viện Nha Trang, 17 vào đệ tử viện La San Thủ Đức và hơn một chục ơn gọi đến với các nhà dòng khác. Ngoài ra 5 học sinh của trường cũng xin gia nhập đạo Chúa.
Về phương diện cơ sở vật chất, Đức Minh cũng tiến hành nhiều sửa chữa, tu bổ hay làm mới.
- Trước nay, trường chỉ sử dụng điện kế theo kiểu gia đình, không thích hợp cho việc thắp sáng các lớp học cũng như cho hoạt động cao độ trong những ngày lễ hội. May thay, hồi đầu năm (tháng Giêng), công ty điện lực đã giúp bắt một nguồn điện 3 “phai” (triphasé) với điện kế 30 Amp đủ sức cho nhu cầu của trường.
- Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh với hầm chứa tự hủy theo đúng tiêu chuẩn luật ấn định. Việc này rất tối cần cho số học sinh khá đông.
- Với hảo ý và phép tắc của cha sở họ đạo Tân Định, trường hoàn thành việc dựng lên bờ tường rào ngăn cách trường với nhà in của địa phận. Phòng bảo vệ được đặt ngay cửa ra vào và cho phép trường được hưởng một sự độc lập tương đối mà từ xưa đến nay, nhân viên trong trường chưa bao giờ nếm được ! Chi phí bỏ ra để xây dựng bức tường được đền bù rộng rãi bởi giá trị khu đất mà nó bảo vệ, và nhất là vì nó mang lại một sự độc lập về không gian đối với xứ đạo cũng như sự an toàn và vệ sinh, hai yếu tố quan trọng cho mọi nền giáo dục.
-  Nhờ sự tử tế của các nữ tu bên trường Thiên Phước, trường Đức Minh sử dụng được hệ thống thoát nước, giúp cho trường giải quyết được cảnh ngập lụt trên sân trường thường diễn ra hàng tuần hay cả hàng tháng trời trong các năm gần đây !
 

Vài biến cố.
24/01/61 : Toàn trường tham dự thánh lễ cầu hồn do cha sở họ đạo chủ tế để cầu nguyện cho linh hồn sư huynh Ildephonse, vị hiệu trưởng thứ nhất của trường thánh Louis tại Tân Định (tiền thân của Đức Minh).
15/07/61 : Thánh lễ khai giảng được cử hành tại trường do đức tổng giám mục Nguyễn văn Bình chủ tế. Để đáp lời cho bài chúc từ mà các học sinh trường đã dâng ngài lúc đầu lễ, và sau khi nhắc lại quá khứ, trong những năm ngài còn mài đủng quần trên ghế nhà trường này, đức tổng nhấn mạnh đến sự cần thiết của trường Ki-tô Giáo và sự ưu tiên của trường miễn phí trong Giáo Hội Chúa. Như vậy các học sinh, các thầy và phụ huynh của chúng có thể rút ra nhiều bài học, nhiều kết luận từ bài giảng huấn này.
03/12/61 : Đức tổng Bình trở lại Tân Định và ban bí tích thêm sức cho 110 học sinh của Đức Minh . Số trẻ nhận lãnh bí tích lần này là lần cao nhất từ nhiều năm qua.
La San Đức Minh năm nay tự nguyện sống trong thinh lặng và trong mai danh ẩn tích, tránh mọi phô trương bên ngoài để các sư huynh có thể tận dụng thời gian vào việc học hỏi và nghiên cứu hầu hoàn thiện kiến thức và chuyên môn cho sứ vụ. Những sự kiện nổi bật đều được tổ chức do ông chủ tịch năng nổ của hội phụ huynh học sinh trường Đức Minh, ông Phạm Đình Tân.
Ngày 27/07/61, hội phụ huynh trường tổ chức một buổi thăm viếng viện Pasteur cho các học sinh ban trung học đệ nhị cấp. Chính ông bác sĩ viện trưởng Ái, cựu thành viên Công giáo tiến hành tại Paris đích thân hướng dẫn nên cuộc thăm viếng trở nên rất hữu ích cho thầy trò trường Đức Minh. Quả thật là một cơ hội để phát kiến, một dịp để trau dồi thêm kiến thức trong tầm tay. Viện Pasteur, trung thành với tinh thần của vị sáng lập phi phàm, không chỉ là một cơ quan nghiên cứu khoa học mà thôi, nó còn là một trung tâm bác ái mang tính nhân bản.
Trong buổi họp cuối năm, đại úy Nguyễn Khắc Bửu, nhà phát minh máy tập thể dục – máy K2 – đã có một buổi trình diễn hết sức thuyết phục trước sự chứng kiến hồ hởi của phụ huynh và học sinh và tất cả đều đồng quan điểm cho rằng máy tập này quả là thích hợp cho mọi người Việt Nam. Kết quả là hội phụ huynh với niền hân hoan nhiệt thành đã đặt mua 10 bộ máy để tặng cho trường sữ dụng cho con em họ.
Năm 1961 kết thúc bằng lễ hội Giáng Sinh được cử hành trong nội vi nhà trường và dành cho học sinh và cả xứ đạo Tân Định. Phần hướng dẫn Thánh lễ được chuẩn bị kỹ luỡng và khung cảnh buổi lễ được trang hoàng bằng một máng cỏ vĩ đại 12m/5m. đây là công trình của sư huynh Boniface và các bạn trẻ lớp 4è.

[1] ø cũng là con dân của giáo xứ Tân Định
[2] Nay là Hiền Vương, hoặc Võ thị Sáu, và Paul Blanchy là đường Hai Bà Trưng.
[3] Bức tranh vẫn còn được lưu giữ tại cộng đoàn La san Đức Minh (mà tiền thân là trường thánh Louis)
[4] “Le Japon sanglant” và “Noble mission”
[5] em của lm Nguyễn Thới Hòa
[6] Các trường công tuyển sinh sau khi tựu trường … nên rút bớt các học sinh giỏi của tư thục … hoặc loại trừ các phần từ không thích nghi được !