Trường La San Bá Ninh
Trường La San Nghĩa Thục
Trường La San Chư-Prong
(Nha Trang)

Thành lập cộng đoàn (30/07/1954)
Ngày 30 tháng bảy năm 1954, cộng đoàn La San Bá Ninh chính thức đến cư ngụ tại khu nhà mới (và đẹp so với nhà cửa thời chiến tranh phá hoại vừa tạm chấm dứt) vừa được hoàn thành trong giai đoạn một và hai do các nhà thầu Võ Sỹ và Huy lãnh nhận xây và được kiến trúc sư J. Masson vẽ kiểu. Cộng đoàn gồm tiên khởi gồm Sư huynh Henry Hòa, hiệu trưởng, sh Amédée Minh, Georges Gẫm, Joachin Hộ, và Louis Lựu.
Việc quyết định khởi công xây dựng giai đoạn ba vì chưa được quyết định nên gia đình nhà thầu Võ Sỹ vẫn tiếp tục ngụ lại trong vòng rào trường cho đến cuối tháng 10 năm 1954.
10/08/54 : thăm viếng trường do một ủy ban kiểm tra với 6 thành viên được chính thức chỉ định gồm sư huynh giám tỉnh Cyprien, các bề trên Émilien, Mathias, Jérôme, và Cyrille (vị thứ sau có lẽ là Henry Hòa ?). Mọi người tỏ vẻ hài lòng.
Tháng tám : Trong dư luận râm rang, có tin nguy cơ là trường sẽ bị trưng thu. May thay một số bè bạn có thế lực đã giúp tránh được tai nạn trên.
01/09/54 : Khai giảng niên khóa mới. Sĩ số học sinh là 85 em được chia ra thành 3 lớp như sau : Dự bị lớp 6è, lớp 6è và lớp 5è. Các học sinh được dạy theo chương trình Pháp, cấp II. Trình độ Pháp ngữ của nhiều học sinh chưa đạt chuẩn nên sau một thời gian ngắn theo học các em ấy đành rút lui.
15/10/54 : sh Georges (phải chăng là Georges trẻ ? cần kiểm tra trong hồ sơ thuyên chuyển) đến thay thế sh Joachin Hộ. Trong chuyến đi thăm đồi La San Nha Trang, sư huynh tổng phụ quyền cũng có đến thăm Bá Ninh và cổ vũ chúng tôi.
18/12/54 : Sư huynh giám tỉnh viếng thăm cộng đoàn theo luật dòng. Với sự “cho phép” của sư huynh giám tỉnh, chúng tôi chuẩn bị phòng ốc cho các sư huynh và các học sinh từ xa đến để nghĩ hè. Nhờ thế chúng tôi sống đở chật chội.
Trước đây vì phải thi hành nghĩa vụ quân sự nên sư huynh Apolinaire Dinh đã đến ngụ tại Villa Sablon của cộng đoàn. Sau này có sư huynh Alexandre Ánh cũng là lính nghĩa vụ và cũng đến ngụ chung nhà ấy. Chưa được bao lâu thì “sh Apolo” phải dời đi lên Ban Mê Thuột và thế vào là sh Guillaume (lieutenant). Phải công nhận rằng ngoài giờ công tác trong quân ngũ 2 anh lính bất đắc dĩ tham dự trọn vẹn các giờ kinh nguyện của cộng đoàn tu sĩ với một sự đơn sơ dễ thương.
Để tạo thuận lợi cho các sư huynh và học sinh của các vị ấy từ miền nam ra nghỉ lễ Giáng Sinh Tết dương lịch và Tết nguyên đán, ban giám hiệu trường Bá Ninh đã đặc cách cho học sinh của trường cũng được nghỉ lễ từ 24/12 đến 1/02/1955.
(Hạ bán niên 1957
Tháng sáu : Đây là lần đầu tiên các học sinh trường chúng tôi phải đồi mặt với kỳ thi lấy bằng BEPC (Brevet d’étude du premier Cycle, tức tương đương với bằng Thành Chung thuở xưa hay bằng tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp). Trên 20 thí sinh dự thi của trường, 16 trúng tuyển, trong đó có 1 thủ khoa của trung tâm thi Nha Trang, đó là em Nguyễn Thiệu Huy.
Vào những ngày đầu của tháng này, bệnh cúm gọi là “Á Châu” đã gieo rắc kinh hãi khắp Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba (Sin-ga-po) … nay lại tấn công thành phố biển đẹp này. Phần đông học sinh của trường đều bị lây bệnh. Vài phụ huynh của các học sinh chúng tôi đang sống trong vùng nằm giữa Phan Thiết và Sài Gòn được báo cáo là bị tử vong. Cũng vì lý do này mà các lớp học chúng tôi bị xáo trộn và kỳ nghĩ hè dự định vào cuối tháng sáu đã được tiến hành trong thực tế sớm hơn 10 ngày !
Tháng bảy - tháng tám : Sau khi học sinh nghỉ bãi trường, một số các sư huynh trong cộng đoàn kéo nhau lên Đà Lạt để hưởng chút khí hậu mát dịu của vùng cao trong lành. Anh em còn ở lại nhà, thừa dịp rảnh rỗi việc trường, lại ra sức sửa sang sân trường và thiết lập được một sân chơi bóng rỗ và 9 sân bóng chuyền. Cũng nhằm chuẩn bị cho ngày nhập học, trường cũng đặt làm 30 bàn học loại hai chỗ và 60 ghế bằng gỗ và ống sắt uốn. Sư huynh hiệu trưởng phải chi tiêu cho vụ việc hết 30 000 $, được trích ra từ quỹ tiết kiệm trong năm vừa qua.
Sau kỳ tĩnh tâm năm, sư huynh Emmanuel Triệu được đổi công tác, về Taberd Sài Gòn để lo hiệu sách AJS của trường. Sư huynh Nicolas thì di chuyển về nhà hưu của tỉnh dòng để nghỉ dưỡng sau những năm tháng (gần 40 năm !) miệt mài với đám trẻ. Những tinh hoa trẻ trung hơn đến để tiếp nối công tác của lớp đàn anh còn dang dở. Hai sư huynh Justinien Thịnh và Denis Đệ đến từ Học Viện. Sư huynh Wenceslas Ngọ đến từ đồi La San, bên kia sông Cái. Trường miễn phí “Giu-se Nghĩa Thục” được tách rời khỏi “Đồi La San”, và hai sư huynh làm việc tại trường này từ nay trực thuộc cộng đoàn Bá Ninh và cũng là thành viên của cộng đoàn.
Cũng trong kỳ hè này, La San Bá Ninh cũng được vinh hạnh đón tiếp khoảng hai mươi “khách nghỉ hè” đến từ các cộng đoàn miền Nam như Sài Gòn, Mỹ Tho hay miền cao như Đà Lạt.
(Niên học 1957 – 1958)
Ngày tựu trường diễn tiến tốt đẹp. Trong số đông những học sinh ghi danh muốn xin vào học các lớp, chúng tôi chỉ có thể nhận được khoảng 40 em vì sức chứa của các lớp bị giới hạn. Sĩ số học sinh của toàn trường năm nay được 245 em được chia ra thành 5 lớp và một khóa đặc biệt để chuẩn bị thi bằng Brevet (tương đương với lớp Troisième Pháp), gồm :
2 lớp đệ thất (lớp 6) : 100 hs
1 lớp đệ lục (lớp 7)              : 6o hs
1 lớp đệ ngũ (lớp 8) : 60 hs
1 lớp đệ tứ (lớp 9)               : 14 hs
1 lớp troisième (lớp 9 Pháp) : 12 hs
Chúng tôi có chủ tâm khi thực hiện một chọn lựa thật khắt khe đối với những học sinh muốn vào học lớp đệ tứ vì năm tới đây, lớp này sẽ là lớp đại diện cho trường lần đầu tiên dự ứng thí bằng Tốt nghiệp trung học cơ sở (BEPC Việt Nam).
Thành phần giáo sư gồm 8 sư huynh :
Sh Roger Triệu, kiêm HT.
Sh Gonzague Gẫm, kiêm Phó HT.
Sh Amédée Minh.
Sh Wenceslas Ngọ.
Sh Agilbert Minh.
Sh Martin Thịnh.
Sh Justinien Hạnh.
Và sh Denis Đệ.
Về trường Giu-se Nghĩa Thục, số học sinh là 270 em, số lớp cấp I là 5. Sư huynh Léonard Lựu điều hành trường thế cho sh Bertin được điều về Đồi La San làm bề trên chung và sh Cosme thế chỗ cho sh Timothé.
Tháng mười.
Thừa mùa mưa đang ập về, chúng tôi đã cho trồng đại trà trên sân trường cả trăm cây Ra (faux acajous) và cây Phi-lao. Các loại cậy này sở dĩ được trồng là do lời khuyên của giám đốc sở thủy lâm tỉnh Khánh Hòa.
06/10 : hôm trước ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, đức cha Piquet, giám mục địa phận Nha Trang đã vui lòng đến lhám phép ngôi nhà nguyện mới và các lớp học mới của chúng tôi. Vài ngày sau, cha Lagrange được chỉ định làm đại diện cho đức cha, đã gởi cho cộng đoàn phép được chính thức thiết lập đường Thánh giá trong nhà nguyện.
Năm 1958
02/02/58 : lễ phụ huynh học sinh.
Lễ phụ huynh học sinh năm nay được cả cộng đoàn Bá Ninh và Giu-se Nghĩa thục nhất trí tổ chức tại sân trường Giu-se vào lúc 10g00 sáng. Thời tiết được Chúa quan phòng ban cho thật là lý tưởng : Trời quang mát, có mây che tốt đẹp. Đức cha địa phận chủ tọa với sự tham dự của nhiều quan khách : ngoài các bề trên trên đồi La San, còn có các nhân vật đạo đời, có cả ông phó tỉnh trưởng Nha Trang và đại tá giám đốc biệt động quân …
Sau nghi thức chào cờ và bài hát quốc ca được tất cả các học sinh cùng hát (4 bè, hợp thành dàn đồng ca, do sh Amédée nhạc sĩ tập dượt), một học sinh Bá Ninh nhân danh các bạn đồng môn, đứng lên đọc một bài diễn văn ngắn, đại ý chào mừng Phụ huynh và các quan khách, nhấn mạnh đến nền giáo dục có chất lượng cao mà các học sinh của cả hai trường đã nhận được và kết thúc bằng những lời chúc tết kính gởi đến các bậc trưởng thượng.
Sau đó, theo tiếng kèn của đội quân nhạc thành phố, các học sinh hiên ngang nhịp bước diễn hành qua trước mặt các phụ huynh và quan khách, trong bộ đồng phục trắng tinh và với cờ xí màu sắc rực rỡ của lớp hay của đoàn thể. Sau đó là một loạt những cuộc biểu diễn thể thao : thể dục đồng diễn, múa gậy được các học sinh nhỏ của Giu-se trình diễn thật nhuần nhuyễn, xếp hình kim tự tháp đa dạng do 5 nhóm học sinh Bá Ninh thực hiện, diễu hành bằng xe đạp được trang trí đủ loại màu sắc cũng do 50 học sinh Bá Ninh cầm tay lái điều khiển … Cuối cùng là màn trình diễn võ nhu đạo và nhảy ngựa do một tốp lính biệt động : bọn nhóc bị mê hoặc, có thể nói như là bị “hớp hồn”.
Một khám phá không kém bất ngờ và kéo theo những tràng pháo tay không dứt : cuộc trình diễn của dàn nhạc vĩ cầm do các học sinh tí hon của sh Amédée thực hiện và được tiếp sức bởi các tay vĩ cầm trẻ của chuẩn viện La San đồi.
Tháng ba (1958) : Năm nay, bộ giáo dục đã tổ chức cho tất cả các trường trung học trên toàn quốc các giải vô địch học đường về nhiều bộ môn thể thao. Bá Ninh đạt được thứ hạng cao và đạt được cúp vô địch (xuất xứ từ Auteuil, Pháp. Rất đáng tiếc là không nói vô địch về môn nào !). Do vậy, phong trào thể dục thể thao tại trường được các học sinh nhiệt thành tham gia …
Tháng năm : Lễ thánh tổ phụ Gio-an La San được các nhà La San tại Nha Trang tổ chức trọng thể với sự tham gia của các trường công giáo khác trong thành phố. Chiều hôm trước lễ (14/05) một cuộc rước kiệu đông và dài diễn ra, phát xuất từ trường Bá Ninh sang trường Giu-se Nghĩa Thục. Tại đấy, đức cha địa phận Piquet cử hành lễ chầu Thánh Thể. Suốt cuộc hành trình của đường kiệu : rừng người trẻ, lời ca, tiếng hát, dàn nhạc, đèn cháy sáng một góc trời và xe hoa trang hoàng rực rỡ …
Qua hôm sau tức chính là ngày lễ, cũng tại trường Giu-se, đức cha Piquet tiếp tục cữ hành thánh lễ trọng thể trước đám đông đang thành kính cầu nguyện vị quan thầy các nhà giáo Ki-tô là Gio-an La San cho nền giáo dục tại Việt Nam và để Thiên Chúa ban cho có nhiều ơn gọi tu sĩ - nhà giáo dục (religieux-éducateurs).
Tháng sáu (1958) : mùa thi lại đến. Năm nay Bá Ninh gởi đi ứng thí hai đoàn học sinh : 12 em dự kỳ thi BEPC (Pháp) và 13 em dự thi bằng tương đương trong chương trình Việt (tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp). Kết quả là 10 đậu bằng BEPC và 9 đậu bằng tốt nghiệp Việt Nam. So với thời buổi này tại Nha Trang, đây là một thành quả tuyệt vời và được nhắc đến lâu dài.
Tháng bảy : trừ ra 3 sư huynh ở lại trông chừng trường sở, các anh em khác trong cộng đoàn được mời vào Thủ Đức (trường La San Mossard) để tham dự tỉnh tâm năm. Khi lên đường, có một số mang luôn cả đồ đạc cá nhân theo : ai biết được là theo lời khấn là đi bất cứ đâu “… ở nơi nào con được sai đến …”. Mà thật vậy, sau kỳ cấm phòng, 6 trên 10 sư huynh trong cộng đoàn nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển. Sư huynh Roger Triệu, sau ba năm làm việc cật lực và khôn ngoan, với biệt tài tổ chức xuất sắc, tài “xoay sở thần kỳ” để đưa Bá Ninh ra khỏi bóng tối, sư huynh được đặt làm thủ lãnh đệ tử viện Thủ Đức. Vị đến thế chỗ sư huynh là phó bề trên chuẩn viện Đồi La San, sư huynh Raymond Triệu. Các sư huynh Agilbert, Cosme, Denis, Justinien được gởi đi Đà Lạt, Taberd, Mỹ Tho và Thủ Đức.
(Niên khoá 1958-59)
Sau đây là danh sách của cộng đoàn Bá Ninh cho niên khóa mới :
Sh Raymond Triệu, bề trên cộng đoàn kiêm hiệu trưởng.
Sh Gonzague Gẫm, phó bt.
Sh Amédé Minh.
Sh Barnabé Bường, đến từ Pellerin Huế.
Sh Clément Thọ, đến từ Taberd Sài Gòn.
Sh Colomban Lộc, đến từ Adran Đà Lạt
Sh François Loan, đến từ Giu-se (La San) Mỹ Tho.
Sh Wenceslas Ngọ
Sh Léonard Lựu
Sh Richard de Sainte-Anne, đến từ François Xavier (La San) Sóc Trăng.
Hai sư huynh cuối được giao đặc trách lo trường Giu-se Nghĩa thục, Xóm mới.
Tháng tám : Bá Ninh được mệnh danh là “Hôtel Beau Rivage[1]” của La San, đã mở rộng cửa đón tiếp khoảng hai mươi sư huynh thuộc các cộng đoàn khác nhau nhưng có chung sở thích bơi lội và hít thở gió biển miền cát trắng. Người ta rời Bá Ninh mà không bao giờ quên nói lời “hẹn ngày tái ngộ” !
Tháng chín và mười : Giống như các nền Cộng Hòa của chúng ta, việc thay đổi công tác và vị trí của các sư huynh đương nhiên kéo theo những sửa chữa mới phòng ốc, hoặc đơn giản sắp xếp lại vị trí hay chức năng của bàn ghế đồ đạc vv… để tạo nên cảm tưởng có gì đó mới lạ. Thế nên cộng đoàn đến trú ngụ tại Villa aux Sablons và các phòng phụ cận và để lại khu “câu lạc bộ bơi lội[2]” cho một vài vị bảo vệ đầy khôn ngoan mà thôi !

     
Niên khoá 1958 (?)

 … (mất một đoạn …)  … tiến sâu xuống miệng núi lửa mà cơn giận còn chưa nguôi, bằng chứng là mùi diêm sinh còn nồng nặc … Thăm viếng, khám phá mạo hiểm, các nhà “hiếu kỳ” không thiếu gì … nhưng các nhà địa lỳ thì khoái sưu tầm những chi tiết hấp dẫn cho những bài học trong nay mai hơn. Nhận xét do quan sát, họ tuyên bố là nước nóng đến 78 · và một quả trứng có thể chín (lớp tròng trắng dính vào vỏ trứng, trứng gà “la cót” - à la coque -) sau khi bỏ vào nước ấy nấu 3 phút. Hai km xa hơn là một con suối đẹp với nước mát lạnh bày ra trước mắt chúng tôi một quang cảnh thơ mộng và đánh tan ý tưởng về một nơi hoang sơ, khô cằn !
20/02/58. Giã từ những ngày hè đầy kỷ niệm và đối mặt với niên học mới. Thêm bốn ngày nữa là lễ chân phước Bá Ninh (Bénilde). Lễ được cử hành trong vòng thân mật và sốt sắng. Các sư huynh được hít thở một chút tuy nhiên có một đám mây nhỏ bay qua : sau 5 tháng cùng anh em phục vụ tại Bá Ninh, sư huynh Fidèle Thượng được gọi trở về Học viện. Sư huynh trẻ này được tiếng là một sư huynh dễ thương và là một nhà giáo xuất sắc.
Tháng ba : Theo lời xin của anh chủ tịch hội sinh viên Sài Gòn, chúng tôi đã để dành riêng cho các sinh viên một phần khu nhà của chúng tôi để họ tổ chức trại huấn luyện. Anh chỉ huy trại cũng như đa số các tham dự viên là những cựu học sinh các trường của La San … Ông tỉnh trưởng đã lên kế hoạch theo sự gợi ý của họ một chương trình được nghiên cứu kỹ về những cuộc dã ngoại hay thăm viếng những danh lam thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa.
Tháng tư. 26/04. Theo như thông lệ, vào thứ năm cuối cùng mỗi tháng đều diễn ra lễ tuyên bố kết quả của kỳ thi tháng. Các học sinh họp nhau tại phòng nghi lễ của trường, trước chồng phiếu điểm đặt trên chiếc bàn được nâng cao. Sư huynh hiệu trưởng bước vào. Im lặng được tái lập. Đây là giây phút quan trọng định đoạt lời cổ vũ, khuyến khích hay những trách quở trách răn dạy. Việc gọi điểm được khởi đầu bằng lớp đệ thất và kết thúc bằng lớp đệ ngũ. Các học sinh vỗ tay hoan hô 3 tên đầu của mỗi lớp được xướng danh, và sau đó lần lượt các học sinh còn lại theo thứ tự tên được gọi lên sắp hàng trước mặt bạn bè cả trường, nhưng vẫn giữ khoảng cách – có thể nhận thấy được – giữa nhóm có trung bình và nhóm dưới trung bình. Một hình thức phân biệt đối xử tuy nhẹ nhàng nhưng cũng đau cho các học sinh xem trọng việc học !
Niên khóa 1959 ?

Tháng năm. Lễ thánh tổ phụ Gio-an La San được các nhà tại Nha Trang mừng kính chung nhau. Thánh lễ chiều được cử hành tại trường Giu-se Nghĩa thục và chương trình văn nghệ được biểu diễn trên Đồi La San. Phần mình, Bá Ninh đóng góp vào buổi lễ qua dàn nhạc vĩ cầm gồm những “nhạc viên” tí hon.
Tháng sáu : Tháng của những kỳ thi chính thức … Năm nay cũng vậy, dù không đặc biệt xuất sắc, các kết quả đạt được tại các kỳ thi này đều trỗi vượt cao hơn kết quả tại các trường khác trong thành phố, kể cả luôn trường công. Tỉ lệ của Bá Ninh là 55% trong khi tỉ lệ của trung tâm Nha Trang là 15%. Vì thế ông tỉnh trưởng có thơ đặc biệt khen ngợi thành quả của trường, của giáo sư và học sinh.
Vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, chúng tôi được dịp vui mừng đón tiếp sư huynh tổng phụ quyền mới LawrenceO’Toole, một cuộc đón tiếp thân mật, và cả thời gian sư huynh lưu lại trong cộng đoàn quả là một niềm vui “khôn tả”. Sau cuộc hội ngộ tâm tình (đồng hành, reddition), chúng tôi lại còn nghe ngài tiếp tục nói chuyện thêm tại các kỳ tỉnh tâm ở Huế hay ở Thủ Đức, và lại được dịp thưởng thức một linh đạo nghiêm túc nhưng chan hòa vì cách pha trò rất … đặc sắc.
Đến cùng với mùa hè là”mùa tái cấu trúc cộng đoàn” : rất cần thiết vì những thay đổi nhân sự do trung ương tỉnh dòng đã hoạch định. Đầu tiên là hai sư huynh Amédée và Wenceslas. Vị đầu tiên được thuyên chuyển vào Sài Gòn, vị kia lại trở ra Huế. Với vị đầu tiên rời đi khỏi Bá Ninh thì “thành viên sáng lập” cộng đoàn Bá Ninh cuối cùng cũng mất hút theo, đồng thời “nhà sáng lập” dàn nhạc vĩ cầm của trường Bá Ninh cũng tan biến theo mây khói. Hy vọng là sư huynh sẽ công tác tốt hơn nữa nơi môi trường mới.
Tháng bảy. Trong suốt hai tuần lễ, Bá Ninh biến thành trại huấn luyện cho giới trẻ đô thành, nhóm Công giáo Tiến hành của nhà thờ chánh toà Sài Gòn do các cha dòng Chúa Cứu Thế hướng dẫn. Quá hồ hởi bởi khung cảnh của Bá Ninh, các thành viên của nhóm tự hỏi mình có được diễm phúc trở lại chốn cũ vào năm sau hay không …
Tháng tám : sau kỳ cấm phòng trên đồi La San Nha Trang, những sắp xếp nhân sự của tỉnh dòng lại không ngừng xảy ra. Những chuyến đi và đến kéo dài mãi đến sau ngày nhập học của niên khóa mới (được ấn định vào đầu tháng tám). Sau đây là danh sách nhân sự của cộng đoàn Bá Ninh cho niên khoá 1959-1960 :
Sh Raymond, Bề trên kiêm hiệu trưởng cộng đoàn.
Sh Gonzague, phó huynh trưởng.
Sh Barnabé
Sh Clément
Sh Colomban
Sh Léonard
Sh Romuald và ba sư huynh mới đến là
Sh Philibert Quí đến từ Huế.
Sh Raphaešl Triệu đến từ PnomPenh (Nam Vang)
Sh Bonaventure Nghi đến thẳng từ Học viện.
Như vậy cộng đoàn 10 sư huynh này sẽ đảm trách hoạt động tốt của một ngôi trường cấp hai và một trường nghĩa thục, cấp một và tuy là chi nhánh nhưng rất đông học sinh. Ngay vào ngày nhập học, học sinh kéo đến ghi danh rất nhiều. Tại Bá Ninh phải mở ba lớp đệ thất. Đàng khác, ban giám hiệu cũng quyết định mở thêm lớp đệ tam (lớp 10), tức lớp đầu tiên của cấp III.
Như vậy, vào đầu tháng tám, sĩ số học sinh của Bá Ninh vượt quá 400 em. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cấp II của niên khóa vừa qua rõ ràng đã là nguyên nhân của sự gia tăng sĩ số học sinh. Và từ khi thành lập trường đến lúc này, đây cũng là khởi điểm cho việc mời các giáo sư dân sự, (2 giáo sư tất cả) không là tu sĩ La San, vào cộng tác với các sư huynh để giảng dạy các học sinh.
Tháng chín : Phòng chung có thêm hai tủ lớn để sách và mỗi phòng các sh có thêm vài bàn ghế.
Tháng mười : Trong những ngày nghỉ lễ quốc khánh, nhiều sư huynh và học sinh của các vị ấy từ nhiều cộng đoàn khác đến trú chân tại Bá Ninh để từ đây có thể lên đồi dự lễ mặc áo của cá thỉnh sinh. Đội bóng rỗ của trường đã thừa dịp may hiếm có để tiếp đãi và so tài cách hữu nghị với các đội bóng bạn đến từ Mỹ Tho và Taberd. Các vận động viên bóng rỗ của chúng ta thật ra đã từng đoạt cúp vô địch do sở thể dục thể thao của tỉnh nhà tổ chức nhân dịp lễ quốc Khánh vừa rồi.
Tháng mười một : Đây là tháng không may cho trường vì các giáo sư thay nhau bệnh : cúm, cảm, sốt, người khó ở … Sư huynh Barnabé của chúng ta được bác sĩ cho nhập viện hơn một tuần lễ. Nhưng rồi cuối cùng, mọi sự đều ổn cả, tai qua nạn khỏi.
Tháng chạp : di chuyển nhà nguyện. Nhà nguyện trước đây nằm ở vị trí thiếu thuận lợi, một phần vì trung tâm cộng đoàn dời qua bên Villa Aux Sablons, hơn nữa nó vừa quá thừa chỗ đối với cộng đoàn vừa phải, lại vừa thiếu chỗ cho các học sinh trường. Trong khi chờ đợi xây cất ngôi thánh đường đúng theo dự án của kiến trúc sư, bề trên cho tiến hành sửa chữa một trong các phòng nằm dọc theo đường Trần Hưng Đạo, thành một nguyện đường thuận tiện, xinh xắn tuy có thể chứa được khoảng 50 người trong mùa nghỉ hè khi có các sư huynh khách và học sinh đến nghỉ. Trong trường hợp diễn ra các nghi lễ phụng vụ cho toàn trường, thì các nghi lễ ấy tiếp tục được tiến hành trên sân trường, giừa trời, như trong quá khứ, hay trong một phòng khánh tiết được nhanh chóng trang trí cách nghiêm túc. Kết quả của sự thay đổi vị trí nhà nguyện và chỉnh trang được coi là tốt đẹp và làm mọi người hài lòng. Nhà nguyện cũ được biến thành phòng để làm phòng họp đa năng : gọi điểm, tập hát, biểu diễn văn nghệ vv…, trong khi chờ đợi phương tiện tài chánh để biến thành lớp học cho niên khóa tới. Chính tại đây mà chúng tôi cử hành lễ Giáng Sinh theo nghi thức truyền thống : canh thức, thánh lễ nữa đêm, tiếp theo là tiệc tối (réveillon) và cây Giáng Sinh cho mỗi lớp. Đối với học sinh của trường mà 2/3 là người bên lương, thì đấy là một đêm của niềm vui lành mạnh và đầy kỷ niệm khó phai nhòa … nhưng đối với các sư huynh thì đấy là một đêm quá nhộn nhịp vì phần đông phải thức quá khuya …
Năm 1962
Năm mới được mở màn bằng việc chuẩn bị buổi trình diễn văn nghệ mà cộng đoàn các sư huynh muốn nó trùng với lễ thánh Gio-an La San, quan thầy của tất cả các nhà giáo. Những lo lắng và những khó nhọc của các sư huynh được đền bù bằng một thành quả mỹ mãn : phòng trình diễn khá rộng lại chật ních khán giả trong ba ngày 24, 26 và 27/01. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt và liên hồi. Bầu khí “chất lượng cao”.
Chiều ngày 31/01, là buổi liên hoan cho cả trường trước khi về nghỉ Tết. Mừng tuổi sh hiệu trưởng và các giáo sư, “tiệc trà” cho trường, và để kết thúc buổi lễ chiều đó, có “chiếu phim[3]” cho mọi người, một phim đầy sứv sống, sức trẻ và vui nhộn.
Chuyến “viễn du” Sài gòn của những vận động viên Bá Ninh. Ngày 18/02, đáp lời mời của Taberd, đội bóng rỗ trường Bá Ninh di chuyển vào Sài Gòn để tranh cúp “La San” - và ai có thể ngờ được ? – đội tỉnh lẻ đã “ẵm cúp” trước đội thủ đô, từng nổi tiếng là vô địch ! Một đề tài cho dư luận thể thao trong một thời gian.
Chuyến viếng thăm của sư huynh tổng quyền. Đối với gia đình La San, biến cố quan trọng nhất trong năm là chuyến viếng thăm của sư huynh tổng quyền, và sh tổng phụ quyền dòng La San. Sau những cuộc tiếp đón tưng bừng tại Sài Gòn, Đà Lạt và Huế, Nha Trang, thành phố biển vào bậc nhất của miền Trung Việt Nam Cộng Hòa (và tất nhiên của toàn Việt Nam), đương nhiên phải làm điều gì đó cho xứng danh. Báo khẩn cấp cho các cựu học sinh của cả các trường chúng ta đang sinh sống tại Nha Trang để lập một ủy ban đặc trách tổ chức và phối hợp các hoạt động đón tiếp. Các “cựu” ấy bao gồm nhiều bác sĩ, trưởng cơ quan và sĩ quan cấp cao … nhiệt thành và tận tâm thực hiện tốt công tác, có thể nói là “thiếu điều họ tranh nhau lập công”. Và ngày 27/04 đã đến : lúc 16g00, cả Nha Trang về phần đạo đời, lương giáo, dân sự quân sự … đều có mặt đông đủ tại sân bay hàng không Nha Trang, với phòng khánh tiết, VIP, mở rộng cửa. Đức cha Marcel Piquet, “hội viên-affilié” đặc biệt của dòng La San, đã có mặt ngay từ 3g00 chiều, có phẩm phục đại trào (Capa magna) khoác trên mình, mà theo ngài nói, chì đem ra sử dụng trong những dịp hiếm hoi mà thôi. Dù là ngày nghỉ lễ nhưng một số lượng lớn học sinh các trường La San trong tỉnh cũng có mặt tại buổi đón tiếp, lòng luôn xôn xao mong ngóng để chiêm ngắm, để vỗ tay hoan hô ông “đức giáo hoàng” của các sư huynh.
Cuối cùng rồi chuyến chuyên cơ chở sh tổng quyền Joseph Nicet đến thăm hạ cánh xuống phi trường. Cửa phi cơ mở ra, sh tổng quyền xuất hiện và rất đổi kinh ngạc vì sự tiếp đón quá nồng hậu và đông đảo đến thế. Đại tá tỉnh trưởng, cựu hoc sinh trường La San Bình Linh Huế, giới thiệu và chúc mừng vị khách quí … Đáp lời, vị tu sĩ La San chỉ biết rối rít cám ơn về cuộc đón tiếp khá bất ngờ… vì quá long trọng. Sau đó, vị tu sĩ đáng kính ấy được đưa về đồi La San - trung tâm của tỉnh dòng Việt Nam và là nơi đào tạo các tu sĩ giáo viên - bởi một đoàn hộ tống dài gồm toàn những bạn bè thân hữu tuy có địa vị cao nhưng thân thiện và được mở đường bằng đội mô tô cảnh sát !
Ngày hôm sau, chiêu đãi tại Bá Ninh do các cựu học sinh. Cả Nha Trang một lần nữa lại có mặt . Thường ngày “cả Nha Trang” này là người của công quyền, của các tầng lớp dân sự và quân sự, của cả lương giáo, nhưng hôm nay họ có chung đặc tính là La San. Chính La San tính nối kết họ và tạo ra bầu khí rất gia đình, rất thân tình … Diễn văn, điệu nhảy múa truyền thống do các học sinh trường biểu diễn, quà kỷ niệm do cựu học sinh và tỉnh trưởng tặng … tất cả đều mau chóng trôi qua. Và mọi người chia tay mà lòng hân hoan vì những giây phút hãn hữu, hiếm có này.
Chúa nhật 29/04 : cộng đoàn Bá Ninh được may mắn “sở hữu” trọn vẹn bề trên tổng quyền trong buổi cơm gia đình. Các sư huynh trong nhà hưởng được những khoảnh thời gian tuy ngắn ngủi song thân ái và hiệp thông sâu đậm.
Lễ bách chu niên ngày chân phước[4] Bá Ninh qua đời. Biến cố này phải được trường cử hành trọng thể vì trường được mang tên vị chân phước này. Nhưng để nhiều người có thể tham dự nên ngày mừng lễ được ấn định vào ngày 11 tháng 10. Đức cha địa phận đến cử hành thánh lễ và khai mạc phòng triển lãm La San. Qua ngày hôm sau, đến lượt các phụ huynh học sinh họp đại hội và sau đó đến viếng phòng triển lãm. Ngày 13, ngày của giới trẻ, được đánh dấu bằng những cuộc thi đấu thể thao giữa các lớp, và buổi chiều, bằng một buổi chiếu phim, một đặc ân rất thích thú đối với bọn trẻ và luôn cả với người lớn !
Kết quả những kỳ thi chánh thức : Giống như mọi năm, kết quả năm nay khá tốt.
Bằng tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp (BEPC) : 31thí sinh đậu trên 42 ứng thí.
Tú tài I (lớp đệ nhị hay lớp 11) : đậu 28/39
Tú tài II (toàn phần, lớp đệ nhất hay 12) : đậu 26/35
Khai giảng niên học 1962-63
Năm nay, nhà trường mở thêm một lớp đệ thất (lớp thứ tư) với Anh văn là sinh ngữ chính và một lớp đệ ngũ (lớp thứ hai). Sĩ số học sinh vào ngày tựu trường là 630 em.
Hàng ngũ giáo viên cũng có vài thay đổi theo.
Sư huynh Augustin, đến từ Taberd để thay thế cho sư huynh Rodriguez ngã bệnh, được lệnh đổi lên trường Adran Đà Lạt. Sư huynh để lại cho cộng đoàn hình ảnh của một người anh em dễ mến, một giáo sư tận tụy và một người thầy thành thạo siêu hạng.
Sư huynh Majelle, giám học của chúng tôi, cũng lên đường sang Pháp để giải phẩu tim và đồng thời tiếp tục đi đại học. Năng động, nhiều sáng kiến, đó là những nét còn được giữ lại khi nhắc đến tên sư huynh.
Cuối cùng là sư huynh niên trưởng của chúng tôi, sư huynh Barnabé, được mời giữ chức huynh trưởng chung trên đồi La San, bên kia bờ sông Cái.
Để thay thế những sư huynh đã lãnh nhiệm vụ mới, các sư huynh khác được mời đến là :
Sh Herman, cựu giám học và trưởng ban thể thao của Taberd.
Sh Philibert, trở lại với cộng đoàn sau hai năm “lưu lạc” ra trường Bình Linh Huế.
Sh Séverin, đến thẳng từ Học viện Đà Lạt.
Và cuối cùng, để tăng cường lực lượng cho trường chi nhánh Giu-se Nghĩa Thục, sư huynh Roland (lớp của các sh Léon, Séverin …) được chi viện thêm từ học viện Đà Lạt.

Năm 1963

Như những năm qua, năm 1963 của Bá Ninh hôm nay cũng được đánh dấu bằng những buổi trình diễn văn nghệ rất “ấn tượng”. Những buổi biểu diễn này đã biến thành một “biến cố thông lệ” mà thành phố đều chờ đợi, nhưng năm nay, chúng quả là tuyệt vời. Những bản hợp xướng, những vũ điệu, những vở kịch ngắn hay dài đều được nhiệt liệt hoan hô. Ba buổi diễn, ngày 17,19 và 20 tháng giêng rất thành công. Đức giám mục, ông tỉnh trưởng cùng rất nhiều nhân vật quan trọng trong thành phố không tiếc lời khen ngợi. Ngay cả trong tuần lễ sau đó, một nhật báo tại Sài Gòn đã dành hai cột báo dài trong trang nghệ thuật hàng tuần để nói về những buổi diễn tài tử của các chú nhóc Bá Ninh ! … Hãy xem đó mới thấy được phần nào niềm hãnh diện của học sinh Bá Ninh.
Hai ngày sau, hội chợ bác ái của trường nữ các “ma sơ” mở cửa : bọn con trai Bá Ninh được dịp cống hiến sức trẻ - được các nữ tu đánh giá cao - để bảo vệ các gian hàng cho an toàn.
Những ngày cuối tháng bị mây mù che phủ một phần vì bệnh tình của sư huynh Romuald. Cộng đoàn phải để cho sư huynh đi nghỉ dưỡng bệnh tại quê nhà của sư huynh hầu giúp trả lại cho sư huynh sự bình an tinh thần trước những nỗi lo âu bệnh hoạn.
Tháng hai. Ngày 21 tháng hai là lễ thánh Bá Ninh, quan thầy của trường. Học sinh và giáo viên mừng lễ trong vòng thân ái
Tháng ba. Trong tháng này, hội phụ huynh học sinh của trường đề nghị tổ chức “ngoài phố” hai buổi chiếu phim, có phần khai mạc là những màn trình diễn văn nghệ bỏ túi. Các tài tử tương lai của chúng ta như thế lại có dịp đối mặt với dãy đèn sân khấu và cũng không làm các khán giả thất vọng. Tiền lời thu được sẽ được hội chi dụng tức cũng qui về chính các học sinh, vì phần lớn là dùng để làm phần thưởng cuối năm cho các học sinh chăm ngoan.
Lễ phát thưởng vào cuối niên học, năm nay được tổ chức vào ngày 06/04. Đức cha Piquet vui mừng đến chủ tọa và rất đông phụ huynh cũng đến tham dự để chiêm ngắm, trầm trồ, các phần thưởng rất có giá trị và cổ vũ cho các con cái ưu tú của mình. Buổi chiều được kết thúc bằng một buổi chiếu phim và mọi người ra về, ai cũng có phần, hài lòng để khởi đầu những ngày nghỉ hè vui tươi.
Tuy nhiên cũng không phải tất cả, vì chiều hôm sau, dàn họp xướng còn phải trình diễn thêm để giúp tăng cường cho buổi lễ của tập thể các công nhân viên chức trong thành phố. Theo nhiều người râm rang chuyền miệng nhau, tiết mục của chúng ta đã cứu vãn buổi lễ khỏi rơi vào sự đơn điệu buồn chán …
Kỳ nghỉ hè. Trong khi các sư huynh phải bận lên Đà Lạt để tĩnh tâm, tham dự các khóa tu nghiệp và “tái tạo sức khoẻ”, các học sinh trong các lớp dự thi phải sửa soạn chu đáo để có thể bình tỉnh “đương đầu có kết quả tích cực” với các hội đồng thi chính thức. Đây cũng là lúc đối diện với 2 ẩn số vì rằng, đối với tú tài I, đây cũng là lần đầu tiên người ta áp dụng những luật lệ mới. Tuy nhiên kết quả rất tốt và xứng đáng với quá khứ :
Tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp : 29/42 với 2 bình và 7 thứ.
Tú tài I : 41/44 với 2 thứ.
Tú tài II : 29/39 với 8 thứ
Nhập học. Để đón chào niên học 63-64, trường được mở rộng thêm với một phòng học mới, một phòng khác cho giáo viên đời và một nhà chơi có mái che có thể để được 3 bàn banh “baby foot”. Sĩ số học sinh cấp I luôn luôn rất đông, nhưng cấp II & III thì tàm tạm chấp nhận được. Sự việc này được lý giải là do trường trung học công lập mở thêm nhiều lớp mới và đương nhiên là miễm phí … Mỗi năm trường chúng ta mất rất nhiều học sinh thuộc hàng nhân tài, tuy những mầm non này vẫn luôn luôn tiếc nuối chất lượng giảng dạy, tác phong kỷ luật và tinh thần LaSan chúng ta. Cuộc tranh đua quả thật không cân sức.
Tuy vậy đầu năm nay, số học sinh cũng vượt qua con số 600. Hơn nữa, năm nay không có nhiều thay đổi : chỉ có một sư huynh được đổi đi, sh Romuald, và một sư huynh mới đó là sư huynh Từ Thiện, đến từ Mỹ Tho.
Niên học mới loan đi những tín hiệu lạc quan như thường lệ tuy nhiên cơn giông tố chính trị lại xuất hiện ở phí chân trời. Cơn “khủng hoảng Phật giáo” được châm ngòi hôm 08 tháng năm tại Huế và lan ra các thành phố lớn ở miền Nam. Biểu tình, tuyệt thực, kêu gọi công luận nổi dậy và cuối cùng tự thiêu. Giọng điệu trở nên cường điệu, và cuồng tín cũng thế. Ngoại bang chen vào, những đảng phái chính trị cũng không để lỡ dịp. Một mặt trận thông tin báo chí thành hình nhằm cung cấp những bài bình luận, những tin tức lạ lùng, biến dạng, giựt gân … nhằm làm thế giới phương xa cũng như trong nước phải xúc động. Trong nước, người ta muốn gây ảnh hưởng trên quân đội và thanh niên.
Nha Trang là vùng đất tốt cho những mưu toan như vậy vì tại đấy “P.G. cải cách” có trường đào tạo tu sĩ P.G. nhiều chùa chiền lớn nhỏ, trường B.Đ. (cấp II&III) và nhiều trường tiểu học, một hội P.học dành cho tu sĩ và cư sĩ. Cũng vì thế, nghe nói có một ni cô đã tự thiêu cách thành phố khoảng 30 km về phía bắc (Ninh Hoà ?). Và vị gọi là được cúng dường đầu tiên tại Sài Gòn cũng đến từ thành phố Nha Trang… Người ta biết rõ lý lịch của vị ấy …
Trong bầu khí quá căng thẳng và nghẹt thở như vậy, và trong khi các cơ sở giáo dục công lập được quân đội bảo vệ, các học sinh của các nơi ấy được thảo luận ồn ào, thì các học sinh Bá Ninh vẫn tiếp tục thoải mái học hành và hoà hoãn. Không mất phí một giờ học nào. Không một vắng mặt thiếu lý do xác đáng. Không một xô xát nào dù bị khiêu khích. Các em chứng tỏ được một tinh thần tốt trước, trong và sau biến cố 01/11/63. Nền giáo dục La San thêm một lần nữa chiếm được cảm tình và sự kính trọng của dân chúng thành phố biển
“Tháng một”. Ngày 07/11 cùng với sự hợp tác của hội phụ huynh học sinh, nhà trường có tổ chức tại nhà thờ núi (nhà thờ chánh tòa) lễ cầu hồn cho các sư huynh và cựu học sinh đã qua đời, dù rằng tình trạng thiết quân luật vẫn chưa được bãi bỏ. Các học sinh hiện nay của hai trường chính và chi nhánh nghĩa thục đều có mặt tại thánh lễ. Những người thiếu thiện cảm với giới Công giáo cho chuyền miệng những lời đồn đại méo mó và có ác ý. Người ta phao tin khắp nơi trong thành phố rằng – và điều này lại không làm phật ý La San – trường Bá Ninh họp nhau đến nhà thờ để cầu nguyện cho ông T.T. Diệm.
Dù xảy ra những biến cố quan trọng bậc nhất nhì cho đất nước, đầu tháng này, nhà trường vẫn cho tiếp tục khai mạc phòng triển lãm về công đồng Vatican II đã được chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử và đời sống Giáo Hội toàn cầu – và gián tiếp, ảnh hưởng đến thế giới nói chung. Nó sẽ giúp giới trẻ La San sống hiệp thông với biến cố trọng đại của thế kỷ.
Tháng chạp. Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội năm nay rơi vào ngày Chúa nhật. Chúng tôi không thể tổ chức thánh lễ cho các học sinh của bổn trường. Tuy nhiên chiều hôm trước, ngày 07, chúng tôi cũng đã có một buổi canh thức cầu nguyện dành cho các học sinh Công giáo và những cảm tình viên. Hơn hai trăm học sinh đến tham dự. Đêm canh thức đạo đức, sốt sắng và có tính cách giáo dục.
Sau đó là đến lễ Giáng Sinh với thánh lễ nữa đêm và những trò vui nhộn theo truyền thống diễn ra trong mỗi lớp. Dù xảy ra những biến cố nặng nề về chính trị và cho đất nước song chúng tôi cố giữ vẻ bình tỉnh và số học sinh tham gia vẫn khá đông. Các học sinh không-Công-giáo của chúng tôi chắc chắn sẽ giữ được những kỷ niệm sâu xa về ngày lễ này và có thể, đối với chúng, sẽ tồn tại dưới dạng kết tinh của những gì chúng đã đón nhận trong thời gian chúng có dịp sống qua dưới mái trường này, trong khi chờ đợi hồng ân Chúa biến thành hạt giống đức tin cho cuộc đời mai hậu.
Để kết thúc năm 63 đầy sóng gió này hay chính xác hơn – vì lễ này diễn ra chiều hôm trước lễ Hiển Linh 64 … nhưng trong tinh thần vẫn thuộc mùa Giáng Sinh 63 - để mở ra một năm mới, trường Bá Ninh có được niềm vui là đón nhận vào gia đình con cái Chúa, hai Ki-tô hữu mới, và cả hai là học sinh của lớp tú tài I (đệ nhị hay lớp 11). Chàng trai thứ nhất theo học trường các sư huynh từ các lớp nhỏ tại trường Giu-se nghĩa thục và từ 6 năm qua, không bao giờ vắng mặt tại thánh lễ ngày Chúa Nhật. Chàng trai kia thì xin theo đạo từ 4 năm nay và vẫn giữ được sự kiên định dù gặp chống đối nơi gia đình. Như thế quyết định của các chàng trai là nghiêm túc và được hình thành vào một thời điểm mà chắc chắn không thể liệt vào hàng “xu thời” ! Xin Thiên Chúa giúp chúng thành những chứng nhân nhiệt thành của Đức Ki-tô.
Năm 1966
Nhờ việc cho mướn biệt thự Aux Sablons, nhà trường có thêm tài chánh đủ để xây dựng thêm hai (2) lớp bằng cách kéo dài thêm nhà nguyện mà sư huynh Thomas Hyacinthe dã xây cất. Nền móng của hai lớp học này được xây để trong tương lai đủ khả năng chịu đựng thêm hai tầng nữa nếu nhà trường có ý định cơi thêm lầu. Nhà xe nằm kế bên nhà bếp được sử chữa và kéo dài ra thêm 5m. Nhờ đó phòng ngủ mới của sư huynh hiệu trưởng sẽ được nới rộng và khang trang hơn. Một căn nhà gác nhỏ được xây dựng phía cổng quay ra đường Nguyễn Tri Phương. Các phòng học cạnh phòng thí nghiệm và phòng các sư huynh thêm sáng sủa nhờ được cải thiện tốt hơn. Các công tác tu bổ, sửa chữa này được thực hiện trong các tháng nghỉ hè, tháng bảy và tám, và chi phí cho công tác lên đến 850 000 $.
Tháng tám : ngày khai giảng diễn ra tốt đẹp như mọi năm trước. Sĩ số học sinh tăng lên sấp xỉ một ngàn. Lớp đệ lục thứ tư được mở thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của lớp đệ thất năm rồi
Kết quả các kỳ thi.
Tú tài I : 20/29 đậu
Tú tài II : 12/16 đậu
La San Bá Ninh mong muốn mừng lễ đệ nhất bách chu niên về sự hiện diện của các sư huynh La San tại Việt Nam càng trọng thể càng tốt. Ngày 03/12 sau khi thực hiện phần đầu chương trình thì mưa to nên sau đó phần hai được dời sang ngày 18/12/66. Trong dịp này, các trường Công giáo tại thành phố Nha Trang – các trường La San, trường của dòng Giu-se, trường của các nữ tu Bác Ái, của các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo … - đã nêu cao tinh thần cộng tác thân thiện và rất nhiều hứa hẹn tích cực cho tương lai. Thành công thật mỹ mãn. Tuy nhiên chúng tôi hơi tiếc rằng sư huynh tổng phụ tá không thể hiện diện tại buổi lễ được vì bận thăm viếng các nơi khác. Dù sao, hôm 17, 18/11, chúng tôi cũng đã thực hiện được một lễ tiếp đón long trọng bề trên tổng phụ quyền, xứng với vị thế là đại diện đặc biệt của bề trên tổng quyền dòng La San. Chắc chắn ngài còn giữ một kỷ niệm khó quên về sự kiện này.
Năm 1967
Tháng sáu : ngày 24/06/67, Đức cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn văn Thuận được thụ phong giám mục (giáo phận Nha Trang). Đức cha có nhiều cảm tình với La San. Một trong những lý do của cảm tình này chắc phát xuất từ sự kiện ngài là cựu học sinh của trường Bình Linh, là cháu của đức tổng giám mục Ngô Đình Thục (kêu bằng cậu ruột).
Ngày 10/07 : đức cha Thuận được chính thức đăng quang giám mục giáo phận Nha Trang. Qua ngày hôm sau, cùng với đức giám mục sứ thần Tòa Thánh Vatican, Angelo Palmas, ngài có chuyến thăm viếng đồi La San Nha Trang.
Tháng tám. Kỳ tựu trường vào tháng tám năm 1967 này, Bá Ninh có tất cả là 18 lớp với 1170 học sinh. So với niên học trước, số lớp gia tăng là 01 và số học sinh cũng nhiều hơn là 100. Tuy vậy số các sư huynh giảm còn 8 sh thay vì 09 như năm qua. Chuyện này cũng phải thôi vì tất cả các cộng đoàn mà số thành viên nhiều hơn tám thì đều chấp nhận “hy sinh” 01 thành viên để tỉnh dòng có thể gởi họ đi học thêm hay đi tu nghiệp …
Các sư huynh Pierre Hiếu và Ninh Nguyên đến từ Adran sẽ thay thế cho các sư huynh Alphonse, Elisée và Prosper Bá được di chuyển sang cộng đoàn khác.
Vào cuối tháng tám, chúng tôi khởi công xây dựng giai đoạn một một dãy nhà 2 tầng, đối diện với biển, theo bản vẻ của kiến trúc sư Trương Đức Nguyên. Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ xây tầng trệt gồm 3 lớp học với kích thước 8m x 8m, mỗi bên có hàng lang rộng 2m. Vào cuối tháng một (11), các thợ đổ xong phần móng cột và sàn tầng một. Lại một lần phép nữa để tiếp tục xây dựng giai đoàn hai. Hội đồng cố vấn tỉnh dòng chấp thuận dễ dàng. Giai đoạn hai này sẽ tiến hành xây thêm 2 tầng nữa tức là sẽ thêm được 6 lớp học. Những lớp học mới sẽ thay thế cho các lớp cũ vừa tối tăm vừa bất tiện về nhiều phương diện.
Kết quả các kỳ thi cuối năm.
Trung học đệ nhất cấp : 82/88 đậu
Tú tài I : 20/40 đậu
Tú tài II : 12/16 đậu
Vào tháng bảy, có một học sinh đệ tứ (lớp 9) xin vào đệ tử viện Nha Trang. Khoảng mươi em em khác xin vào tiểu chủng viện hay các dòng tu khác.
Tin vui : việc mừng lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước Bá Ninh, quan thầy của trường được ấn định vào ngày 13 và 14 tháng giêng 1968. Chương trình dự định sẽ có một thánh lễ do đức giám mục Nha Trang là đức cha Phan-xi-cô Nguyễn văn Thuận (một cự học sinh trường Bình Linh Huế) làm chủ tế và một buổi trình diễn văn nghệ với sự tham gia của tất cả các trường trung học Công giáo trong tỉnh nhà.
Năm 1968
Năm này trôi qua cách yên lành đối với trường La San Bá Ninh. Biến cố “tết Mậu Thân” vào tháng hai, khi nổ ra cuộc tổng tấn công bất ngờ của Miền Bắc vào các thành phố miền Nam, chỉ làm rúng động Nha Trang trong vài ngày. Bá Ninh cũng như các nhà khác của dòng trong thành phố này không bị thiệt hại gì như tại phần lớn những cộng đoàn La San ở các nơi khác – 02 sh bị giết dã man tại trường nghĩa thục Phú Vang Huế, nhà trường bị thiêu hủy hay bị hư hại nặng như tại Mỹ tho, Ban Mê Thuột … Tuy vậy chính quyền vẫn ra lệnh cho các trường học ở Nha Trang phải tạm đóng cửa trong vòng một tháng. Ngay ngày 01/03, trường lại mở cửa và học sinh đến lớp như thường lệ.
Kết quả kỳ thi năm nay tốt hơn năm ngoái :
Tú Tài I : 38/44 đậu
Tú Tài II : 13/16 đậu
Kỳ tự trường vào tháng tám năm nay, chúng tôi tiến hành việc tuyển lựa học sinh khá nghiêm túc như đã làm trong mấy năm trước vì chúng tôi muốn tránh tình trạng sĩ số học sinh tăng một cách quá trớn, không kiểm soát được, dù rằng trường đã có thêm 9 lớp mới nằm trong dãy nhà lầu 2 tầng quay mặt ra biển. Các lớp học rộng rãi, thoáng mát và sáng sủa. Các lớp mới chỉ nhằm thay thế các lớp cũ thiếu không khí và thiếu ánh sáng. Cách nào đó, các lớp này trình ra bộ mặt khả ái, xứng đáng với danh tiếng mà nhà trường, ban giảng huấn và chính các học sinh của trường đã sở đắc được vì những nổ lực vượt bực của giới mình.
Cuối niên khóa 88-69, nhà trường hân hạnh tiến dẫn một ơn gọi đi đệ tử viện Thủ Đúc, một ơn gọi đi vào Tập viện Đồi La San Nha Trang và hơn 10 ơn goiï vào tiểu chủng viện hay các dòng tu khác.
Nhân sự của cộng đoàn cũng giảm đi một (thay vì 8 sh nay chỉ còn 7 sh) vìì chiến lược của tỉnh dòng là tăng thêm sư huynh đi học hay tu nghiệp.
Nhằm thực hiện tinh thần bổ trợ, tất cả các sư huynh của cộng đoàn đồng gánh trách nhiệm về kỷ luật và giảng dạy, mỗi sư huynh một khối lớp. Nhờ vậy các học sinh được theo giúp kỹ hơn và sự nhất trí trong cộng đoàn cao hơn.
Tháng 10. Từ nay trở đi, mỗi sáng thứ hai, một hay hai cha dòng Chúa Cứu Thế đến nói chuyện và ban bí tích hòa giải cho các học sinh công giáo của trường, theo khối lớp và theo phiên. Đấy là một sự giúp đỡ khá quí giá cho những người trẻ công giáo này.
Về lễ mừng ngày sư huynh chân phước Bá Ninh được tôn phong hiển thánh được cử hành rất trong thể bằng tam nhật cầu nguyện, bằng cuộc “tập kết” tất cả các trường Công giáo trong tỉnh tại Bá Ninh để tham dự thánh lễ do đức giám mục giáo phận chủ trì và giảng huấn và bằng những buổi trình diễn văn nghệ liên trường.
Năm 1969
Trường La San Bá Ninh Cộng đoàn và các sư huynh đã trải qua một năm yên lành, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Một vài cải tiến về vật chất cần thiết cho ngôi trường được tiến hành : 4 lớp mới được xây dựng thêm tại dãy nhà 9 lớp đã được xây dựng năm ngoái (1968), thêm một sân bóng rỗ được xây xi-măng nằm kế bên hai sân cũ, hành lang của dãy phòng các sư huynh cũng như phòng giáo sư của trường được tráng xi-măng.
4 lớp mới được sử dụng để thay thế cho 4 lớp cũ mà nay dùng vào mục đích khác, như phòng tập nhu đạo, phòng giảng dạy “nghe-nhìn” của môn anh văn, phòng thí nghiệm khoa học và phòng nhạc (Jaz).
Đầu niên học, các bề trên trong tỉnh dòng cho mở một đệ tử viện ngoại trú trong trường Bá Ninh, với số đệ tử là 30 em và được đặt dưới sự dìu dắt của sư huynh Juvénal.
Áp dụng tinh thần những chỉ thị của tài liệu tổng công hội về vấn đề giáo dục các học sinh, ban giám hiệu trường cố gắng tạo cho các học sinh mình tinh thần tự quản, tự do và ý thức trách nhiệm bằng cách giao cho chúng trách nhiệm lo kỷ luật trong lớp, trong trường, bằng cách tạo cho chúng cơ hội thành những người cộng tác chủ động trong việc học tập hơn chỉ là một học sinh thường ít nhiều thụ động.
Trường cũng có thay đổi về nhân sự La San. Sư huynh Jean Lộ được chỉ định làm phó hiệu trưởng thay thế “thầy phó” Alexandre Ánh ; các sh Ernest, Raphaešl và Gauthier thay sh Ninh Nguyên và Vân Hà.
Tỉ lệ của kết quả kỳ thi Tú tài I và II là 50% và chiếm vị trí tương đối tốt. Tỉ lệ của trung tâm Nha Trang (thi tú tài) là 20%.
Cuối năm này có 5 học sinh lớp đệ thất lên đường vào đệ tử viện Thủ Đức và 4 vào chuẩn viện đồi La San : 1 vào đệ tứ và 3 vào đệ tam. Khoảng 10 học sinh lên đường vào chủng viện hay vào các dòng tu khác.


[1] Khách sạn Duyên hải đẹp. Dòng CSSR đã mua lại khách sạn sang trọng này – nay là khách sạn Hải Yến, tọa lạc cách Bá Ninh vài trăm thước - làm trụ sở.
[2] Dãy phòng nằm sát đường Duy Tân, bên bờ biển …
[3] Món quà rất quí giá đối với học sinh (luôn cả dân chúng) vào thời điểm thập niên 60 của tk 20.
[4] Nay đã Giáo hội tôn phong lên hàng thánh

 

Trường Giu-se (La San) Nghĩa thục
      Năm 1965

Trường Giu-se Nghĩa thục chính thức là một trưòng cấp một hoàn toàn độc lập, nhưng trong thực tế, hiệu trưởng là một thành viên của cộng đoàn trường trung học La San Bá Ninh, sư huynh Nivard Nam. Cách nào đó, Giu-se nghĩa thục là trường chi nhánh (école de quartier) của La San Bá Ninh.
Ban giảng huấn, ngoài sư huynh hiệu trưởng, còn có 10 giáo viên đời và một người giúp việc.
Sĩ số học sinh năm nay là 596 (gia tăng đều từ năm thành lập, 1956).
Chương trình học là chương trình tiểu học chính thức của bộ giáo dục VNCH, cộng thêm giờ học giáo lý và 2g30/tuần học pháp văn kể từ lớp ba (lớp 3) trở lên.
Kết quả kỳ thi tiểu học năm 1964 : 168/171
Những hoạt động ngoại khóa : hội dũng sĩ Chúa Hài Đồng tập hợp phần lớn các học sinh Công giáo (450 em). Tuy nhiên các hội viên được tập hợp theo giáo xứ trong mục tiêu là làm sao chúng hội nhập được vào đời sống của giáo xứ.
Sự kiện lớn : Trường được tuyên dương chính thức là “Trường tiểu học số một của tỉnh Khánh Hòa trong năm 1965-1966” và được trao tặng cờ danh dự. Trong suốt một tháng, trường phải để dành thời gian đón tiếp các hiệu trưởng và phụ tá của các trường tiểu học công lập của tỉnh và phần lớn các hiệu trưởng các trường tiểu học tư thục. Những cuộc viếng thăm này là do ông trưởng ty tiểu học của tỉnh đưa ra và có tính cách bắt buộc đối với trường công và đề nghị đối với các trường tư.
Vun trồng ơn gọi : Thành quả năm qua là hơn 30 ơn gọi có chất lượng cho các dòng tu (nam) trong đó 20 được hướng đến đệ tử viện Bá Ninh.
Liên hệ với chính quyền đạo đời : những mối liên hệ này có thể nói là liên hệ tin cậy, và thân ái hỗ tương với hai giới đạo và đời.
Động sản và bất động sản : Được cải thiện theo phương pháp, tức từng bước và có khoa học. Đó cũng nhờ tiếp tay của phụ huynh học sinh và một phần của cơ quan USOM.
Nguồn lợi tức và tình trạng tài chánh. Sự tăng giá nhanh và đều đều của các vật phẩm cần thiết cho cuộc sống đòi hỏi phải gia tăng - hợp lý nhưng bắt buộc – lương bổng cho giáo viên. Xét rằng vì khả năng tài chánh của nhà trường quá giới hạn, nên chắc trong những tháng tới, sh hiệu trưởng phải đối mặt với những bài toán nan giải.

La San Chư Prong
21 Trần Hưng Đạo,
H.T. 146, thành phố Nha Trang

Nguồn gốc :
Ngày 28/05/1973, Dòng La San và Bộ Phát Triển Sắc Tộc ký thỏa hiệp thơ thành lập một trường trung học và ký túc xá tại Nha Trang dành riêng cho con em đồng bào sắc tộc vùng II với đều kiện:
1/ Mỗi năm, Dòng La San nhận nuôi ăn, ỡ, giáo dục 50 nam sinh sắc tộc, trình độ lớp 6.
2/ Dòng La San lo cho các em ăn học từ lớp 6 đến lớp 12.
3/ Bộ PTST đóng góp một phần vào công cuộc này.
4/ Bộ PTST qua các Ty PTST các tỉnh vùng II tuyển chọn các học sinh và gở về trường.

Ngày 20/06/1973, ông tổng trưởng Bộ PTST ký quyết định số 148/ST/QĐ về trường và ký túc xá La San Thượng-Nha Trang.

Ngày 01/07/73, A/e La San bắt tay vào việc tu bổ nhà cửa, sửa chữa hệ thống điện nước. Chi phí cho công tác này lên đến trên 1 000 000$ (một triệu đồng), do tỉnh dòng La San đài thọ.

Ngày 15/07/73, sh giám tỉnh cho thành lập cộng đoàn gồm 5 thành viên (2 thượng + 3 kinh) do sh Désiré Lê văn Nghiêm chủ trì.

Ngày 24/08/73, trường La San thượng Nha Trang chính thức lấy tên là Trung học và ký túc xá La San Chư Prong.

Ngày 30/08/73, sh Claude Tuấn từ Đà Lạt đến tăng cường ban giảng huấn.

Ngày 01/09/73 : ngày tựu trường. Trên số 50 dự tính được đón nhận, chỉ có 43 em đến trình diện để theo học. Thành phần 43 em này gồm :
* 10 sắc dân : Bahnar, Chàm, Cua, Haroy-Jarai, Koho, Nùng, Raglai, Rơngao, Rhadé.
* 10 ngôn ngữ khác nhau.
* Nguồn gốc các em từ các tỉnh Quảng Ngải, Kon Tum, Phú Yên, Phú Bổn, Khán Hòa, Ninh Thuận. Bình Thuận, Quảng Đức và thị xã Cam Ranh.
* Về tôn giáo có 13 em Công giáo, 7 em Tin Lành và các em khác không khai báo tôn giáo của mình.
* Tuổi chính thức : từ 12 đến 15
* Tất cả đã học qua lớp 5 (nhất) và sẽ theo học lớp 6 của chương trình chính thức do bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên đề ra.
* Khẩu hiệu của trường là La San Chu Prong : Tiến lên !

Ngày 03/08/73, Trường được tổ chức theo hệ thống sinh hoạt đoàn đội, nên tổ chức chia đội và sinh hoạt đội. Các đội đảm trách các công tác chung trong nhà như dọn bàn, rửa chén, quét lớp, quét sân, luôn cả dọn phòng vệ sinh … !

Ngày 05/09/73, hai sh Châu và Long từ Mai Thôn ra để giúp các em trong những giờ sinh hoạt …

Ngày 08/09/73, bốn em học sinh được đưa đi Trung tâm y tế toàn khoa Nha Trang điều trị về sốt rét rừng – cảm – cúm …

Sh giám tỉnh và sh phụ tá giám tỉnh ghé thăm trường.

Anh Trần Ngọc Thọ (thứ 5 trường Dược), cựu học sinh Taberd, đến tăng cường ban giảng huấn.

Sư huynh Mathias Tâm, giám đốc và các sư huynh Lar, Pem, Duih, trường La San Lang Biang, đến thăm và tham quan tổ chức trường trong 3 ngày.

Ngày 11/09/73 là tết Trung thu, lễ của nhi đồng. Sáng : các trò chơi vui. Chiều, nhà trường tổ chức múa lân, lửa trại, phát quà dưới sự chủ tọa của sh giám tỉnh và ông trưởng ty PTST Khánh Hòa.

Ngày 13/09/73, Sở Dân vận Nha Trang đến chiếu phim cho các học sinh xem.

Ngày 15/09/73, vì được được nghỉ nên các học sinh được đưa lên đồi La San Nha Trang để dự lễ khấn và sau đó xuống Bãi Dương cắm trại. Buổi chiều, trên đường về, các em ghé viếng Tháp Bà (Po Naga?). Cũng trong ngày hôm nay, có sh Martin Phước, trường Lang Biang Đà Lạt, đến thăm trường trong 3 ngày.

Ngày 16/09/73, hai sư huynh Đệ và “Xơng” gia nhập cộng đoàn.

Ngày 20/09/73, bà y tá Nguyễn thị Vân đến chích ngừa cho các học sinh. Hôm nay cũng có sinh hoạt Hướng Đạo với các trưởng Quang, Tạo, Hùng, của Liên Đoàn Trai Việt tỉnh Kánh Hòa

Đoản ký của anh Trần Ngọc Thọ : 10 ngày với các em Chư Prong …

Tôi đến Nha Trang vào một buổi chiều. Mưa đầu mùa lất phất bay như muốn rủ hết bụi đường xa mà tôi vừa trải qua. Mục đích của tôi là đến thăm sư huynh giám đốc phụ trách trường La San Chư Prong dành riêng cho con em đồng bào sắc tộc. Hỏi ra thì tôi được biết “Chư Prong” có nghĩa là núi lớn.

Ngày khai giảng được ấn định vào mùng một tháng chín và trường dự thâu 50 em vào lớp 6. Đúng ngày hẹn, 43 em đến trình diện thuộc 09 sắc dân : Bahnar, Chàm, Cua, Jarai, Koho, Nùng, Raglai, Rơngao và Rhadé từ các tỉnh Quảng Ngải, Kon Tum, Phú Yên, Phú Bổn, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Đức và thị xã Cam Ranh về.

Hôm tôi đến, các em đã tựu được một tuần. Các em đã bắt đầu quen với bầu không khí nội trú. Nhất nhất mọi việc đều phải có thì có giờ. Các em được chia thành từng đội. Mỗi đội có tên riêng và khẩu hiệu. Xắp hàng xong, các đội trưởng lần lượt hô to khầu hiệu của đội. Sau đó hai tiếng : “Chư Prong” ! – “Tiến !” vang lên như muốn bay vút tận trời mây xanh …

Sáng rồi, dậy đi chớ ! … Các em hàng một trực chỉ ra biển dưới sự hướng dẫn của 2 sư huynh. Ngày nào không đi tắm biển thì các em tập thể dục ở nhà. Sau giờ thể dục đến giờ điểm tâm. Rồi đến công tác vệ sinh. Sau đó là giờ học …

Giờ vui nhất trong ngày có lẽ là lúc tắm douche. Các em thích thú dầm mình dưới hàng bông sen đang tỏa nước. Có lẽ các em mơ màng như tưởng mình đang nô đùa bên dòng suối trong mát miền cao nguyên. Giờ tắm đã xong mà còn vài em như có vẻ luyến tiếc mấy cái bông sen lắm …

Tới giờ ăn, đội phụ trách trong ngày đó phải lo dọn bàn và sau bửa cơm thì lo rửa, dọn, quét … Cơm tối xong, đến giờ các em phải lo ôn bài cho ngày mai. Ba ngày trong tuần, các em có giờ sinh hoạt cộng đồng. Các em ca hát, tổ chức trò chơi một cách rất vui vẻ. Các em hát hay và học bài hát nhanh chóng lắm …

Đêm trung thu, dưới ánh trăng rằm, các em quây quần bên ngọn lửa, với sự hiện diện của sư huynh Giám tỉnh và ông Trưởng ty PTST Khánh Hòa. Cũng có múa lân , trò chơi, cộ đèn (rước đuốc đúng hơn), song ca, hợp ca những bài hát về Trung thu, hoặc những bài hát của những sắc dân miền cao nguyên. Kế đến là phần phát quà. Trên khuôn mặt mỗi em đều rạng lên một niềm vui khôn xiết. Càng về khuya, ngọn lửa càng nhen nhúm trong lòng mọi người niềm vui và thoải mái. Trên cao Hằng Nga cùng tiên nữ cũng ca xang múa khúc nghê thường như mĩm cười chia sẻ niềm vui của các em. Nhìn các em vui đùa hồn nhiên, khiến tôi vui lây cái vui của lứa tuổi học trò ấy … Nhưng có cuộc vui nào lại không tan, phải không các em ? Ngọn lửa tàn dần, nhưng niềm vui vẫn còn âm ì trong lòng các em. Và tối hôm ấy, đã có một người sống giấc mơ hoa cùng với chú Cuội viếng thăm chị Hằng … “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ …” dường như còn văng vẳng bên tai tôi …

Hôm nay, trên Đồi La San là lễ mặc áo và tuyên khấn của các tân sư huynh. Các em sẽ được dẫn đi dự lễ và sau đó ra Bãi Dương cắm trại. Tối hôm trước chúng lao xao, nôn nóng cho cuộc picnic ngày mai. Sáng ra, sau khi thể dục và điểm tâm xong, các em được xe rước đưa lên đồi. Trên xe, chúng ca hát ầm ỉ, ra chiều thích thú lắm … Dự lễ xong các em được đưa đi xem phong cảnh trên đồi và chụp ảnh kỷ niệm. Trời hôm nay trong và mát. Các em lội bộ từ đồi xuống bãi dương. Đứa lo xách giỏ bánh mì, đứa lo khiêng thùng nước, trò chuyện thật vui vẻ.

Tới nơi, thay đồ xong là các em xung phong nhào xuống biển chí choé làm vang dậy cả một góc trời. Tôi buồn cười nhất là thấy có một em bị uống nước. Gặp tôi nó phàn nàn : “Em bị uống nước, nước ở đây đắng như lá đu đủ. Nước ở đàng kia[1] thì mặn”. Nghe giọng nói lơ lớ không dấu cùng với dáng điệu của nó khiến tôi bật cười, làm lật cái phao mà tôi đang nằm và làm tôi bị một mẻ uống nước no nê. Tuy nhiên, nước tôi uống, tôi vẫn cảm thấy mặn chứ không đắng như nước lá đu đủ …

Mau quá, chưa chi đã trưa rồi, kiến đã cắn bụng rồi. Giờ ăn trưa đã đến, các em lên bờ xếp hàng ngay ngắn. Mỗi em được phát một ổ bánh mì thịt. Ăn xong, uống một ly nước là no kềnh cái bụng rồi. Các em không chịu nghỉ trưa mà lại đòi đi tắm nữa. Vẫy vùng trong nước đến 3 giờ chiều thì các em sửa soạn ra về.

Dọc đường các em được hướng dẫn thăm Tháp Bà nằm ngay cầu Xóm Bóng. Thưởng ngoạn và chụp hình xong, các em lên xe ra về mang theo bao kỷ niệm, hình ảnh tốt đẹp trong ngày …

Sống với các em, hoà vào tính hồn nhiên của tuổi thơ ngây ấy, giờ đây tôi phải xa rời, tôi cảm thấy có một cái gì lưu luyến … Thôi giã từ Nha Trang, miền quê hương cát trắng …

Biển Nha Trang một màu xanh mát,
 Núi lớn Chư Prong hùng vĩ muôn đời.
 
Nha Trang, Trung Thu 73

[1] Đằng kia, tức là ở bải biển trước trường Bá Ninh , nơi chúng thường tắm !