Kỷ Niệm 100 Năm
Các Frères Đến Cambodia (6/1/1906 - 6/1/2006)
Cộng Đoàn Cambodia Được Tái Lập




 

Năm 2006 cũng là năm đánh dấu các SH. La San đến Cao Miên vừa đúng 100 năm.

Trước kia, Tỉnh Dòng Saigon gồm các nước Việt-Nam, Thái Lan và Cao-miên. Nhiều SH. Việt-Nam sang làm việc bên Cao Miên và hiện nay có người vẫn còn sống. Nhân dịp kỷ niệm nầy, mời anh em một phút nhìn lại...
SH. Diệp Tuấn Đức biên soạn
(theo tài liệu tại Văn Khố Dòng LaSan - Roma)
Trường (La San) Battambang Năm 1906
Những bước đầu :
Ông Beau, Toàn quyền Đông Dương Pháp, bày tỏ với sư huynh Ivarch-Louis, giám tỉnh tỉnh dòng La San Sàigòn ý định muốn thành lập trường dạy tiếng Pháp tại một số thành phố ở Xiêm (Thái Lan) và Lào. Vào tháng (mười) một và tháng chạp năm 1905, những cuộc thương thảo về chuyện này đã được trao đổi giữa sư huynh giám tỉnh và Hardouin, một thành viên có nhiều ảnh hưởng trong nội các của ông Toàn quyền. Ông Riffaut, Toàn quyền công sứ của Pháp tại Băng-cốc, may thay vì công vụ, lại có mặt tại Sài Gòn, được tham khảo ý kiến. Ông vui lòng chấp nhận những đề nghị mà ông Hardouin và sư huynh giám tỉnh đã đưa ra. Được sự đồng thuận, người ta quyết định mở một trường học tại Battambang, một thành phố có 30 000 dân, thủ phủ của tỉnh cùng tên và nằm trên phần đất của Xiêm La.
Những điều kiện thỏa thuận với các sư huynh dòng Mariste trong việc thành lập ngôi trường ở Quảng Đông (Trung Hoa) được dùng là chuẩn cho khế ước sẽ được ký kết sau này đối với trường tại Battambang. Đối với sư huynh giám tỉnh dòng La San, những điều kiện trên có thể chấp nhận được. Và vì vào mùa khô (kéo dài trong năm tháng, từ tháng hai đến tháng bảy), nước cạn kiệt, khó lòng mà đến được Battambang, nên các sư huynh xuất phát từ Sài Gòn phải lên đường vào những ngày đầu tháng giêng năm 1906.
Thành phần nhân sự của cộng đoàn mới :
Một buổi họp đặc biệt diễn ra tại cộng đoàn La San Taberd Sài Gòn vào ngày 02/01/1906. Tại đấy, sư huynh giám tỉnh công bố sự vụ lệnh cho vị hiệu trưởng trường Battambang cùng danh sách các sư huynh tháp tùng ngài. Như vậy cộng đoàn mới đã được thành lập và sau đây là danh sách các thành viên :
Sh. Dominique-Joseph, hiệu trưởng (trước đây là phó huynh trưởng cộng đoàn Taberd
Các sh. Térentien-Léon và Consul-Marie, trước thuộc cộng đoàn Taberd.
Các sh Théodore-Cuénot và Etienne-Jourdain, trước thuộc cộng đoàn Mossard, Thủ Đức
Và sh Thomas-Hyacinthe, vừa làm xong nhà tập.
Chuyến du hành từ Sài Gòn đi Battambang :
Dưới sự dìu dắt của sư huynh giám tỉnh, các sư huynh trên đáp xe lửa (tàu hỏa) đi từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho trên chuyến xe 6g30 sáng ngày thứ tư, 3 tháng giêng năm 1906. Tới Mỹ tho, họ lại lên một chuyến tàu thủy của hảng Messageries, tàu "Khmer". Tàu này rời bến khoảng 9g30 và sáng hôm sau, lúc trời còn mờ sáng, họ tới Pnôm-Penh. Linh mục Tandard đến đón họ ngay tại cầu tàu và đưa họ về tòa giám mục, nơi đức cha Bouchut , giám mục đại diện tông tòa của Cam-bốt, dành cho họ một cuộc tiếp rước thật thân tình. Dù rằng nằm trên đất Xiêm, nhưng Battambang lại được đặt dưới quyền tài phán của Đức cha và ngài tỏ ra rất vui mừng khi nghe tin các sư huynh sẽ mở một trường Công giáo tại một thủ phủ có tầm quan trọng lớn như vậy và ngài không ngớt ban lời khích lệ các sư huynh cùng đặt hết tin tưởng vào công cuộc này.
Thời gian còn lại trong ngày được dùng để thăm viếng và dạo chơi phố phường, vì hôm ấy trùng vào ngày người ta tổ chức nhiều lễ lạc công cộng, nhân dịp diễn ra nghi thức thiêu xác nhà vua Norodom cùng vài vị hoàng tử hay công chúa thuộc hoàng gia gì đó.
Ngày hôm sau, 5 tháng giêng, cũng nhằm thứ sáu đầu tháng dành để tôn kính Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giê-su, sau khi tham dự thánh lễ và chịu lễ, các sư huynh từ giả đức giám mục và lên tàu "Francis Garnier" : tàu rời bến Nam Vang (Phnôm-Penh) vào lúc 7g15 sáng.
Chuyến du hành trên sông cái và chuyến vượt qua biển hồ Tonlésap được bình an vô sự. Trưa thứ bảy, ngày 6 tháng giêng, người ta đến Bac-Préah. Ở đây, vì nước cạn, tàu không thể chạy tiếp, nên phải đổi thuyền, sang một chiếc sà-lúp nhỏ hơn. Sau hai giờ di chuyển, với nhiều biến cố may phúc là vặt vãnh, và với sự nóng bức quá độ, chiếc sà-lúp này cũng phải ngừng lại. Mãi đến 3 giờ chiều, các hành khách bất đắc dĩ mới được sang qua một chiếc đò nhỏ hơn và cuối cùng họ cũng đến được Battambang vào lúc 10g00 đêm.
Ngày 6 tháng giêng năm 1906 cũng là ngày kỷ niệm 40 năm các sư huynh đầu tiên đặt chân lên đất Nam Kỳ, xuống bến cảng Sài Gòn (06/01/1866). Một sự trùng hợp đặc biệt và rất có thể là một điềm tốt.
Từ vài giớ trước đó, linh mục Bernard, vị thừa sai đang coi sóc họ đạo Battambang, nóng lòng chờ đợi các sư huynh : ông đặt người canh chừng trên bến cảng để báo cho ông biết ngay khi các sư huynh đến ! Niềm vui thật lớn lao ở cả hai phía, người đến cũng như kẻ đợi, tuy nhiên vì thời gian đã quá khuya, nên sau khi trao đổi vài câu vắn tắt và ăn qua loa vài miếng, mọi người thấy cần thiết phải xin đi nghỉ sớm để lấy lại sức sau một chuyến đi, nhất là ở giai đoạn cuối, quá mệt nhọc vì nóng nực và vì chật chội trên chiếc ghe khổ nhỏ.
Những liên hệ đầu tiên với chính quyền địa phương :
Ngày chúa nhật 07 tháng giêng, sau giờ kinh sáng, sư huynh giám tỉnh và sư huynh hiệu trưởng đến toà lãnh sự Pháp, do ông Breucq điều hành. Linh mục Bernard tiến dẫn 2 sư huynh với ông lãnh sự nhưng ông này, tuy đón tiếp rất niềm nở, cho biết là chưa nhận được chỉ thị rõ ràng của ngài bộ trưởng Pháp đang ở Băng-cốc, và hứa ngay ngày mai sẽ đánh điện để biết những gì ông sẽ phải làm.
Ngày 8 tháng giêng, các sư huynh thực hiện một cuộc thăm viếng xã giao ông tỉnh trưởng Battambang, ngài Phya Katathorn Thoranin. Qua trung gian của người thôn ngôn, linh mục Bernard trình bày cho ông tỉnh trưởng biết về mục tiêu mà các sư huynh đã đề ra khi đến Battambang. Ông tỉnh trưởng có vẻ hài lòng, hỏi thăm vài điều, và chia tay sau khi chuyện vãn chừng khoảng một khắc.
Mãi đến thứ sáu tuần sau, ở Battambang, người ta mới nhận được câu trả lời của ông Riffaut. Câu trả lời cho biết rằng các sư huynh sẽ lập trường học trên phần đất của "nhà chung", và khai giảng một cách êm thắm, chắc có lẽ là ngại tạo nên xúc động bất lợi nơi chính quyền Xiêm La. Linh mục Bernard với tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng nhường một phần đất thuộc nhà xứ và sư huynh giám tỉnh quyết định tạm thời cất ngay mấy dãy nhà lá.
Chuyến về của sư huynh giám tỉnh :
Sau khi giải quyết nhanh chóng những điều kiện tiên khởi về việc định cư cho các sư huynh, sư huynh giám tỉnh rời Battambang bằng ghe vào ngày chúa nhật 14 tháng giêng vào khoảng giữa trưa để bắt kịp tàu phải khởi hành ngày thứ hai từ Bac-Préah đi Nam Vang.
Thánh Phê-rô, bổn mạng của cộng đoàn và của trường :
Không có ngôi trường nào trong tỉnh dòng Sài Gòn được đặt dưới sự bảo trợ của vị vương tử các tông đồ. Thế nên tất cả đồng ý chọn thánh Phê-rô làm bổn mạng của cộng đoàn và của trường tại Battambang. Đây là danh hiệu thích hợp nhất tại một xứ mà biết bao gia đình đã làm cái nghề mà vị đại diện hoàn vũ này được Đức Chúa chúng ta chọn lựa, đầu tiên đã hành nghề trong một thời gian dài.
Xin thánh Phê-rô chúc lành cho những công việc của chúng con và biến chúng con thành những ngư phủ chuyên nghiệp chuyên đánh bắt người !
Để làm vinh danh vị thánh bổn mạng của ngôi nhà mới, một thánh lễ được tổ chức vào ngày 18 tháng giêng, nhằm ngày lễ mừng ngai toà thánh Phê-rô tại Rôma và ai nấy đều chịu lễ trong ý nguyện là kéo ơn lành của Thiên Chúa xuống trên công trình đang được thai nghén
Công việc xây cất :
Đối với những ai không được sống trong một xứ vừa thiếu thốn đường giao thông vừa không có những phương tiện thông tin và vận chuyển nhanh chóng, thật khó mà tưởng tượng được về sự đa dạng và tầm mức quan trọng của những khó khăn làm cản trở việc thực hiện những công tác đơn sơ nhỏ nhặt nhất. Những khó khăn tại Battambang này rất đáng kể trong mọi thời điểm nhất là vào mùa nước cạn.
Vào ngày 20 tháng hai, ông thầu khoán người Tàu mới đến đóng cột mốc định vị trí cho ba ngôi nhà lá sắp xây dựng. Việc chuyên chở vật liệu xây dựng đã khởi sự khoảng tháng nay nhưng còn tiến hành chậm chạp mặc dù có nhiều cố gắng và phải trả chi phí khá cao. Còn về thợ thuyền thì vì không mướn được thợ tại chỗ nên phải kêu từ Nam Vang đến. Họ làm uể oải và vắng mặt thường xuyên nên công việc kéo dài gần như vô tận. Cây thánh giá được đặt lên trên nóc nhà các sư huynh vào ngày 27 tháng ba, nhưng đến ngày 11 tháng tư các tu sĩ này mới đến tạm trú được và vẫn tiếp tục ăn nhờ tại nhà cha sở Bernard cho đến khi xây cất xong nhà bếp.
Khu nhà ở của các sư huynh thuộc loại nhà sàn, cao 2m, dài 24 m, rộng 10 m. Dãy nhà phụ dài 10 m, rộng 5m50, bao gồm nhà bếp, kho chứa dụng cụ và hai phòng tắm. Chiều dài căn nhà làm lớp học dài 28 m. rộng 11 m, được chia thành 4 lớp với kích thước 7m/6m. Một hàng hiên rộng 2m cho phép đi vòng quanh hai dãy nhà.
Khó mà tiên liệu được khi nào công cuộc xây cất sẽ xong nên ngày giờ khai giảng niên học cũng đành chịu.
Bức thư của sư huynh hiệu trưởng gởi ngài bộ trưởng toàn quyền Pháp tại Băng-Cốc.

Battambang ngày 8 tháng ba năm 1906

Thưa ngài bộ trưởng,
Tôi hân hạnh báo cho ông biết rằng trường chúng tôi sẽ khai giảng vào dịp lễ Phục Sinh. Sư huynh Louis, vị tổng giám đốc tại Sài Gòn của chúng tôi, chắc đã viết cho ngài về vấn đề này, trừ trường hợp ông bị ngăn cản làm điều đó do những chuyến đi mà ông phải thực hiện tháng rồi để kiểm tra tình hình các cơ sở của chúng tôi ở Bắc Kỳ.
Hợp theo những chỉ đạo mà ngài đã trao cho chúng tôi qua trung gian của ngài lãnh sự Pháp tại Battambang, chúng tôi đã xây dựng cơ sở trên phần đất của "nhà chung". Việc xây cất chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn tất. Nó gồm 3 dãy nhà lá : một để làm lớp học, dãy thứ hai để làm phòng ở và sinh hoạy của chúng tôi, dãy thứ ba làm nhà bếp và phòng để đồ đạc dụng cụ.
Xét rằng nước càng lúc càng cạn dần, tôi gặp nhiều trở ngại từ ngày 6 tháng giêng, lúc chúng tôi vừa mới đến, trong việc tập trung vật liệu xây dựng cần thiết và nhất là tập trung được anh em thợ thuyền. Thế nên tôi không thể nào đủ khả năng khai giảng đúng ngày 01 tháng 3 như tôi hằng mong ước hết sức.
Dân chúng địa phương có vẻ hài lòng về việc chúng tôi mở trường, Vì thế nên tôi cho phép mình tin chắc rằng công việc chúng tôi sẽ gặt hái được thành công, Và điều này cho phép chúng tôi làm việc hữu hiệu cho công cuộc bành trướng ảnh hưởng Pháp trong quốc gia này.
Xin vui lòng nhận nơi đây vv…
Ký tên : Sư huynh Dominique-Joseph.
Văn thư của sư huynh giám tỉnh dòng La San, Ivarch Louis, gởi ông toàn quyền Đông dương thuộc Pháp.

Sài gòn ngày 29 tháng 12 năm 1906

Sư huynh Louis, tổng giám đốc những cơ sở các sư huynh tại Đông Dương
Kính gởi ngài toàn quyền Đông Dương Pháp.
Thưa ngài toàn quyền,
Tôi hân hạnh được nhắc với ngài là tuân theo lòng mong ước mà ngài đã bày tỏ với tôi vào tháng chạp năm 1905, tôi đã gởi các sư huynh đến Battambang để mở trường. Họ đã đến đấy vào ngày 6 tháng giêng năm 1906 và ngay tức khắc đã khởi sự xây dựng các ngôi nhà lá. Xét rằng vật liệu xây cất quá đắt đỏ, nhiều khó khăn vận chuyển vật liệu, tiền công thợ thuyền phải trả cao khủng khiếp, nên tôi phải chi trả cho các căn nhà này là ba ngàn năm trăm đồng (3 500 $). Để nuôi sống nhân sự, trang bị bàn , học cụ cho các lớp học và cho các phòng ở của các sư huynh, tôi đã chi trả thêm bốn nghàn đồng (4 000 $). Như vậy tổng cộng tất cả chi phí cho năm nay là bảy ngàn năm trăm đồng (7 500 $).
Để giải đáp cho ông Broni, người đã lưu ý tôi rằng những con số này quá cao, tôi đã đáp rằng tôi sẽ chấp nhận một vài hy sinh và tôi đã tự ý bớt xuống còn năm nghàn đồng (5 000 $). Thưa ngài toàn quyền, tôi sẽ hết lòng biết ơn ngài nếu như ngài vui lòng chấp thuận trả cho tôi ít lắm là 5 000 $ này nếu như ngài không thể cho tôi hơn.
Nhà trường đã chỉ có thể khai giảng vào thứ hai, ngày 13 tháng tám năm nay. Ngay ngày đầu tiên, trường có 24 học sinh. Ngày hôm nay số học sinh là 67. Tất cả cho tôi hy vọng là chúng tôi sẽ đạt đến con số một trăm sang năm. Ông tỉnh trưởng Battambang đã gởi cho chúng tôi một trong các cháu của ông, trong khi chờ đợi vài tháng nữa ông ấy sẽ gởi thêm cả con trai của ông vì em này đang trong thời kỳ học tiếng Xiêm.
Thưa ngài toàn quyền, tôi nuôi rất nhiều hy vọng là ngài sẽ vui lòng chấp thuận lời nài xin của tôi, và khi ngài giúp tôi phương tiện để thanh toán những chi phí ở bước đầu cho việc xây dựng, ngài sẽ tiếp tục cung cấp cho tôi chi phí để tiếp tục một công trình đã khởi đầu quá tốt đẹp và tự bản chất, nó phát huy ảnh hưởng của nước Pháp tại Xiêm La.
Xin nhận nơi đây vv …
Trường (La san) Miche
Cuối năm 1910, chính quyền thành phố Battambang thông báo cho các sư huynh biết rằng ý muốn của viên toàn quyền là thấy chúng ta nên rời bỏ ngôi trường mà họ đã giao cho chúng ta. Tuy nhiên họ cũng gia hạn cho chúng ta một khoảng thời gian là một năm.
Các bề trên trong tỉnh dòng sau khi bàn bạc, quyết định ra đi tức khắc.
Sắp xếp cuối cùng (tháng 11 năm 1910).
Trong tình hình như thế, các sắp xếp được giám tỉnh mới, sư huynh Camille, thỏa thuận ký kết với đức giám mục toàn Cam-Bốt. Sư huynh cựu giám tỉnh quá mệt mỏi, đã trở về Pháp. Từ đấy, việc mở trường tại Phnôm Penh được quyết định sẽ diễn ra trong năm 1911. Bốn lớp học đã sẵn sàng mở cửa. Đồ đạc bàn ghế của cộng đoàn tại Battambang được chở về Nam Vang. Bốn sư huynh của cộng đoàn vừa đóng cửa được chỉ định cho nhà mới. Đó chẳng qua là Battambang được chuyển dịch về thủ đô của nước Cam-Bốt.
Các sư huynh đầu tiên của trường Miche.
Đây là tên các sư huynh đó : các sh Colomban-Vital, Domitien, Thomas-Hyacinthe, Christophe-Léon (hiệu trưởng của Battambang và là hiệu trưởng của trường mới)
Các sh đến Nam Vang ngày 12/01/1911
Được sư huynh giám tỉnh Camille tháp tùng, họ đã đến Nam Vang vào ngày 12 tháng giêng. Việc quan trọng đầu tiên của họ là đến chào đức giám mục, người sẽ hân hoan cho họ ở đậu : các sư huynh trú ngụ tại tòa giám mục trong ba ngày. Đồ đạc được xếp vào trong hai lớp : một trong hai phòng dùng làm nhà ngũ, phòng kia làm phòng ăn và phòng học.
Đến trú ngụ chính thức : 15/01/1911.
Đó là vào ngày chúa nhật 15 tháng giêng năm 1911, khi các sư huynh đến ở chính thức. Đức giám mục rất muốn chụp ảnh chung với sư huynh giám tỉnh, các sư huynh trong cộng đoàn và một số cựu học sinh trường Taberd.
Ngay ngày hôm sau, sư huynh giám tỉnh rời Miche để tiếp tục chuyến đi công tác của ngài.
Bổn mạng của cộng đoàn La San và trường. Tên trường.
Cộng đoàn và nhà trường đã chọn thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta La San làm bổn mạng đặc biệt nhưng theo sự mong mỏi của đức cha Bouchut, trường được mang tên là trường Miche để nhắc nhớ đến vị đại diện tông tòa tại miền Nam Kỳ và Cam-Bốt, người đã đóng góp nhiều công sức cho đạo và cho "nước Pháp"… Lại nữa tên này cũng là theo cách làm của các trường như trường Taberd tại Sài Gòn, trường Puginier ở Hà Nội, trường Pellerin ở Huế.
Khu phố của toà giám mục, hay khu Saint Pierre.
Cùng một lúc với trường Miche, đức cha cũng đã cho thành lập một trường chi nhánh tại một khu phố gần toà giám mục, đặc biệt dành cho các Ki-tô hữu thuộc các họ đạo nhà thờ chánh tòa, họ đạo Russey-keo và họ đạo Xóm Biển. Trường có tên là Saint Pierre (thánh Phê-rô) để kỷ niệm về nghề đánh cá mà phần lớn người dân ở các họ đạo trên đã sống nhờ nó.
Năm 1911
Ngày khai giảng các lớp tại trường Miche diễn ra vào ngày 01 tháng ba. Số học sinh hiện diện chỉ đếm được trên đầu ngón tay : 9 em học sinh !
Ngày hôm sau, đức giám mục Bouchut là phép chúc lành cho trường với sự tham dự của các sư huynh Bernard, Joly, Vauzelle, Sy, Martin, Guibé, Chaumartin.
Trong bửa tiệc sau đó, đức cha cầu chúc cho trường được hưng vượng, phát đạt. huynh trưởng tromh lời đáp từ nói rằng các sư huynh sẽ cố hết sức mình để trợ giúp công việc của các thừa sai.
Cuối tháng ba, trường đếm được 42 học sinh.
Mở trường chi nhánh ngày 1 tháng tư.
Trường chi nhánh mở cửa vào ngày 01 tháng tư : 5 hoạc sinh đến trình diện. Cuối tháng sĩ số tăng lên 12, trong khi đó trường Miche đạt đến con số 47.
Thử thách :
Mọi công trình đều gặp thử thách. Hai sư huynh bị suy nhược đến nổi sư huynh giám tỉnh phải gởi sư huynh Alain-Pierre từ Huế đến tăng viện.Sư huynh đến cộng đoàn ngày 6 tháng 04 nhưng chăng bao lâu lại ngã bệnh, phải vào nằm bệnh viện và cuối cùng phải trở lại Huế ngày 5 tháng năm. Hai sư huynh kia ráng lên lớp mặc dù còn bệnh hoạn.
Lễ thánh Gio-an La San :
Lễ thánh Lập Dòng của chúng ta được mừng kính cách đơn sơ : các học sinh chúng ta số đông là kẻ ngoại nên trong nhà thờ không có nghi lễ đặc biệt nào cả.
Thống kê trong nhiều thời kỳ khác nhau, cho đến tháng 12 năm 1911 :
Vài học sinh đến học trong tháng năm. Một số khác của trường Bảo hộ (nhà nước), đến học trong kỳ hè, nhưng sau đó lại ra đi. Vắn tắt một lời, số học sinh trường Miche cũng ở mức y như vào cuối tháng ba (tức 42 học sinh), trong khi trường chi nhánh đếm được 15 em.
Vào ngày 13 tháng bảy, thời điểm của kỳ nghỉ hè, trường được 51 học sinh và ở trường chi nhánh được 18 học sinh.
Mọi học sinh đều trở lại trường vào tháng tám. Một số khác lại lần lượt kéo nhau đến và rồi cuối cùng số học sinh trường Miche cũng lên đến con số 80, trong khi đó trường nhánh Saint Pierre sau khi đạt đến con số 24, lại rơi xuống còn 21 !
Đức cha viếng trường :
Vào đầu tháng 10, đức cha Bouchut đến viếng các lớp học. Ngài tỏ ý vui mừng khi con số học sinh càng ngày càng gia tăng.
Rửa tội.
Một học sinh đã chịu bí tích thánh tẩy trong năm học.
Trong khi linh mục thừa sai vắng mặt, các sư huynh đã chủ trì lễ rửa tội cho một bé gái khoảng 3, 4 tuổi đang trong tình trạng "một sống mười chết" và một cụ già người Tàu.
Thống kê theo quốc tịch và tôn giáo.
Trường Miche có tổng số là 81 trong đó có :
Việt Nam : 43 - Cam-Bốt : 22 - Ấn độ : 2 - Tàu : 25 - Lai : 8 - Pháp : 1
35 học sinh là Công giáo, 64 không có đạo hay đạo ông bà, 2 là Hồi giáo.
Phát phần thưởng vào cuối niên học, tức ngày 26 tháng 12
…… ……….. ……….

Người ta nói đến một hội ái hữu cựu học sinh
Sư huynh giám tỉnh tuyên bố rất hài lòng về cuộc họp bỏ túi đó. Sh ước ao có nhiều cuộc họp giống vậy thỉnh thoảng cũng được tổ chức. Ngài tỏ vẻ mong muốn thấy một hội ái hữu các cựu học sinh được nhanh chóng thành lập tại Nam Vang.
Các ngày tiếp theo sau buổi lễ đơn sơ đó được dùng vào việc thăm viếng chính thức cộng đoàn.

Năm 1912
Bề trên và hiệu trưởng mới.
Ngày 14 tháng hai năm 1912, sư huynh Christophe-Léon, vị hiệu trưởng tiên khởi của trường Miche, được chỉ định làm nhận trách nhiệm điều khiển trường Pellerin tại Huế.
Vừa đến nơi, sư huynh liền trao cho sư huynh Aglibert-Marie, hiệu trưởng trường Pellerin, sự vụ lệnh đề ngày 20/11/1912, chỉ định sư huynh làm hiệu trưởng trường Miche. Sư huynh Aglibert-Marie liền đáp tàu trong chuyến thứ nhất để vào Sài Gòn, và sau kỳ tỉnh tâm năm, liền đi lên Nam Vang họp với cộng đoàn vừa được tăng cường – theo lời yêu cầu của đức cha – thêm một sư huynh : đó là sư huynh RaphaeŠl Gagelin, đến từ Sài Gòn.
Khánh thành nhà ở mới.
Ngày 26 tháng hai, các sư huynh đến Nam Vang và "chiếm hữu" ngôi nhà một tầng mà đức cha Bouchut vừa mới cất xong cho họ và các của cải của ngài. Ngôi nhà này phụ thuộc khu nhà các lớp học, nằm giữa hai sân chơi và được tu bổ rất tốt, cho phép tuần tự mở đến năm (5) lớp học, theo số học sinh gia tăng.
Vài con số.
Phần bất động sản thuộc nhà trường, nằm khít vách với nhà xứ và nhà thờ - nơi được coi như là nhà nguyện của các sư huynh – có diện tích là 60m x 32m tức 1 920 m2.
Khu nhà các lớp học dài 32m và rộng 12m. Khu nhà ở của các sư huynh dài 18m, rộng 12m và bao gồm luôn một lớp học 6m x 8m. Hai hành lang dài giúp tránh nắng nóng và được coi như là nhà chơi.
Giá cả khu nhà các lớp học : 4 000 $
Giá cả khu nhà các sư huynh : 8 000 $
Giá cả phần đất sở hũu : 19 200 $
Giá trị toàn bộ bất động sản : 31 200 $
(Hay tính tròn) Tổng trị giá : 30 000 $
Trợ cấp chi trả cho các sư huynh.
Đức cha tiếp tục trợ cấp cho các sư huynh, ngay cả sư huynh mới tới, 50 $/tháng, tính luôn cả các tháng nghỉ hè : 3 000 $ /năm (= 7 500f).
Nhân sự .
Ngàu 1 tháng 3, thêm một lớp học được khai giảng tại trường Miche :
Lớp nhất : sh Aglibert đảm trách, kiêm hiệu trưởng.
Lớp nhì : sh Colomban-Vital.
Lớp ba : sh Thomas Hyacinthe.
Tại trường nhánh Saint Pierre :
Lớp nhất : sh Domitien-Elie, kiêm chi nhánh trưởng.
Lớp nhì : sh RaphaeŠl-Gagelin.
Lễ 15 tháng 5 : họp mặt các cựu học sinh của Sài Gòn.
Các cựu học sinh Taberd hẹn gặp nhau tại Miche vào ngày 15/05. Họ tiếp đãi cả các sư huynh và các linh mục thừa sai hiện diện (tất cả là 7) ở thủ đô Nam Vang. Họ nhất trí thành lập hội ái hữu trong thời gian ngắn nhất. 30 cựu học sinh tham dự buổi lễ và một vài người lên biểu diễn văn nghệ nữa.
Dự tính hội ái hữu.
Một ủy ban lâm thời được đề cử. Đó là các ông Janneau Gustave, chủ tịch, ông Faraut Eùmile, thư ký, và các ông Margon, Blanc, Caseiraz, ủy viên.
Chuyến viếng thăm theo luật định của sh giám tỉnh.
Theo luật lệ, sư huynh phụ tá giám tỉnh Albin-Camille tiến hành cuộc viếng thăm các lớp của hai trường và cộng đoàn trong thời gian mấy ngày trước kỳ nghỉ hè tháng bảy
Thành lập hội ái hữu.
Sau nhiều cuộc họp chuẩn bị, ủy ban trù bị cho khai mạc buổi họp khoáng đại vào ngày 15/08/1912. Các thành viên của hội ái hữu bầu
100 năm sau…
Thiện nguyện viên La San đầu tiên trở lại Cao Miên phục vụ cho những người kém may mắn, thiếu thốn mọi điều. Sau đây là lời trần tình những bức xúc, ưu tư và những cố gắng… không kém phần gian khổ.
TÔI ĐẾN, SỐNG VÀ LÀM VIỆC TRÊN ĐẤT CAMPUCHIA NHƯ THẾ NÀO ?
Trong một lần nói chuyện với Fr. Tân về các em học sinh ở Kontum, tình cờ Fr. Tân nói với tôi rằng : Tôi vừa đi thăm một nơi rất nghèo, nghèo hơn các em ở Kontum nhiều, đó là CHERÂY THUM một làng của Campuchia giáp biên giới Việt Nam. Tôi cũng đưa chuyện với ngài rằng mình có đi Campuchia 3 lần. Khi đến tối hôm đó tôi suy nghĩ rất nhiều về CHERÂY THUM, và chiều hôm sau tôi quyết định gọi điện cho Fr. Tân nói rằng : Bây giờ tôi còn khỏe mạnh, còn đủ sức khỏe để đi xa. Nếu Fr. Tân mở được trường bên đó thì tôi tình nguyện đi dạy. Sau khi Fr. Tân trao đổi với Cha sở ở khu vực này thì được sự hoan nghênh tiếp nhận ngay. Thế là tôi đã được thực hiện chuyến đi.
Biết rằng sắp đi xa, phải rời khỏi các em học sinh ở KP.1 phường Tân Hưng Q.7 nên tôi đã không nghỉ hè mà xin Fr. Tân cho một số tiền để mở lớp dạy làm bánh, nấu ăn ngắn hạn với mục đích giúp các em biết để có thể làm bánh hoặc nấu món gì đó bán trong xóm, kiếm tiền một cách lương thiện. Tôi rất bất ngờ khi Fr. Tân muốn tôi đi Tam Nông (Đồng Tháp) để dạy cho một số học sinh xỏ hột thú và kết cườm khoảng một tuần. Tôi vui vẻ nhận lời đi Tam Nông nhưng bài dạy phải kéo dài 2 tuần vẫn chưa hết. Tôi phải dạy lý thuyết trước một số bài, phần thực hành các em tiếp tục làm theo sự quan sát của Fr. Vinh hiệu trưởng trường dạy nghề Tam Nông. Ngày 28-8-05 tôi về lại Sàigòn để lo thủ tục đi Campuchia.
Ngày 06-09-05 lúc 14 giờ tôi lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Từ máy bay nhìn xuống khi đến địa phận Campuchia tôi chỉ thấy nước, toàn là nước. Đất nước Campuchia chìm trong biển nước. Tôi xuống sân bay Pnompênh và về nhà người quen chờ nhận nhiệm sở. Vì linh mục chánh xứ đi vắng đến 20 ngày, thế là tôi ở lại Pnom-penh 2 tuần. Khi Cha về rồi, tôi đến Chùm Pa nơi ở của Cha để gặp người. Ở đất Campuchia rất thiếu linh mục vì vậy Cha chính và Cha phó (người Ấn Độ) phải làm lễ trong 13 họ đạo. Cha bảo : ngày mai sẽ có người ở Cherây Thum họ đạo Bình Di đến rước cô về đó dạy. Nhưng 7 giờ sáng hôm sau Cha lại nói : khoan đi, cô ở lại đây, dạy giúp mấy đứa nhỏ làm bánh, nấu ăn và xỏ hột cườm dùm tôi một, hai tháng. Nhưng tôi dạy được 3 tuần thì họ đạo Bình Di thúc hối Cha phải đưa cô giáo xuống vì đã ngày 17-10-05 rồi mà chưa mở lớp được ; nước ở đây đã rút cạn rồi, sợ không kịp chương trình dạy.
Thế là tôi phải rút gọn chương trình làm bánh, nấu ăn, còn lớp xỏ hột cườm thì ngày 20-10-05 xe lên rước tôi đi. Các em cùng đi theo xuống Cherây Thum học tiếp 1 tuần. Trong 1 tuần tôi vừa dạy kết cườm vừa tổ chức mở lớp 1 và nhà trẻ. Họ đạo ở đây giao cho tôi một phòng bằng tường, mái tôn, lót gạch tàu rộng 6,3m, dài 7 m. Mượn của nhà thờ 3 cái quạt mái, 3 chiếc chiếu rộng 1m dài 5m, vì ở Campuchia đọc kinh, đi lễ gì cũng ngồi xếp bằng trên chiếu. Đây là thời điểm khó khăn nhất trong đời đi dạy của tôi. Người dân thì thiếu thốn về văn hóa, vệ sinh, y tế ; họ nghèo hơn cả người nghèo ở phường Tân Hưng, Q.7 mà tôi đã dạy. Tôi đã bán một số nữ trang tôi đang đeo để mua bàn ghế vẫn chưa đu, phải nhờ ban ngành giáo ở đây mượn thêm tiền để mua tô, chèn, dĩa, khăn… để tổ chức nhà trẻ bán trú. Nồi, chảo, lò… các thứ thì mượn của nhà chung vì ban ngành giáo không đủ sức lo ; tôi phải mở nhà trẻ mỗi em đóng 1 tháng 150.000đ tiền ăn, vừa đủ tiền điện, nước, ăn của trẻ, tiền trả người phụ bếp và giữ trẻ và tôi có cơm ăn để dạy các lớp tình thương.
Họ đạo Bình Di có 394 nóc nhà và 1112 giáo dân gồm người Việt và người Việt có vợ hoặc chồng Campuchia. Trên 600 người mù chữ, khoảng 200 người đọc được 10 mẫu tự A, B, C… 182 người thuộc hết 29 mẫu tự A, B, C ; 50 người học hết lớp 1 ngày trước, 18 người học hết lớp 2, 10 người hết lớp 3, 15 người hết lớp 4, 8 người hết lớp 5. Còn lại khoảng 24 em con gia đình khá giả có đủ điều kiện cho các em qua Việt Nam học. Từ nhà thờ Cherây Thum đến đồn biên phòng để qua biên giới là 1800m ; qua đồn 400m nữa tới 1 con sông, qua sông mỗi lượt 2000đ là đất Việt Nam. Nơi đây gọi là làng Long Bình. Từ Long Bình đi Châu Đốc (An Giang) hơn 1 giờ (xe đò 16 chỗ ngồi).
Ngày 20-11-05 tôi có về Việt Nam để xin Fr. Tân tiền trang trải nợ nần và tiền tiếp làm nhà trẻ cho xong. Tôi xin Fr. Tân 500.000đ để mua một chiếc xe đạp đi làm công tác chủ nhiệm các nơi xa. Khi về đến nơi thì gặp ngay thời tiết lạnh. Khí hậu ở đây khắc nghiệt lắm, ngày thì nắng bỏng da, đêm lại lạnh buốt. Vậy mà các em học sinh nghèo đi học mặc quần áo ngắn mà chẳng lạnh ; tôi phải lấy tiền đó mua quần, áo dài tay cho các em rồi đến các em bị bệnh, hầu hết các em bị viêm họng, viêm phế quản. Dù biết chưa được phép của Fr. Tân cho điều gì mà tôi làm là sai, nhưng tôi cũng phải mở một mạng lưới y tế mỏng bao quanh khu vực trường học. Nhắc nhở những người bán quà rong cần phải sạch sẽ không cho ruồi nhặng bâu vào, và mời một y sĩ và 1 dược tá duy nhất ở đây đến khám bệnh và bán thuốc cho các em, tôi trả tiền. Tôi mong sao các em nhỏ ở đây được khám bệnh, phát thuốc 1 tháng vài lần như các học sinh tình thương của tôi ở quận 7 Tp. HCM. Ngay cả vấn đề nước sinh hoạt ở đây cũng không đảm bảo vệ sinh ; bao nhiêu thứ chất thải được thả xuống sông và từ sông người ta bơm nước lên dùng, nước đục đỏ, lóng phèn cho trong là uống, uống sống, không nấu chín gì cả. Người có tiền mua nước khoáng uống. Không hiểu vì sao ở Campuchia bị bệnh Siđa nhiều quá, nơi tôi ở trung bình 1 tuần có 1 người chết vì bệnh Siđa. Hỗ chồng bệnh thì vợ bệnh và các con nhỏ đều bị bệnh. Tôi cũng lo lắm, vì vậy mọi sinh hoạt về nước tôi đều dùng nước nấu chín để nguội, nhưng phải kín đáo không dám cho ai biết vì chỉ một người biết thôi thì họ đồn ầm ra và giữa mình mọi người chung quanh sẽ có một hố sâu ngăn cách về tình cảm.
Nói sao cho hết cái khổ của cộng đồng người Việt họ đạo Bình Di trên đất Campuchia này. Chính tai nghe, mắt thấy tôi mới tin được là họ đang nghèo, đang khổ. Giáo dân ở đây bao đời rồi, họ về Việt Nam thì sống ở đâu ? Nương tựa vào ai ? Thế là bám đất Campuchia mà sống để kiếm miếng ăn. Nói tóm lại họ cần cơm, áo, thuốc men và học chữa như chúng ta cần cơm ăn, nước uống hằng ngày vậy.
GV Võ thị Ngọc Vân Ngày 01-12-05 - Cherây Thum Campuchia